Đồng phục học sinh: Hở quản lý, khổ phụ huynh

Chất lượng: mỗi nơi một kiểu
Đồng phục học sinh: Hở quản lý, khổ phụ huynh

Đầu năm học 2015-2016, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã có văn bản hướng dẫn một số hoạt động cho năm học mới, trong đó lưu ý các trường học không được bày vẽ, gây tốn kém cho phụ huynh về vấn đề đồng phục, không yêu cầu tất cả học sinh mua mới đồng phục vào đầu năm học. Tuy nhiên, vì sao năm nào phụ huynh cũng phải mua mới và những khiếu nại, phản ánh về chất lượng đồng phục cứ “đến hẹn lại lên”?

Chất lượng: mỗi nơi một kiểu

Năm học 2015-2016 mới qua được hơn hai tháng, nhưng anh Tấn, phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học M.Đ. (quận 5), cho biết đồng phục thể dục ở trường con anh mặc đã xuống màu, mặt trong quần áo có dấu hiệu bị thâm đen, rút chỉ. Cũng theo anh Tấn, mỗi chiều bé đi học về, mặt ngoài quần áo vẫn khô ráo nhưng phía trong bê bết mồ hôi, xơ chỉ dồn cục rất khó chịu.

Đồng cảnh ngộ, chị Vy, phụ huynh có con học Trường Tiểu học L.T.V. (quận 1), than thở rằng do công việc bận rộn nên trước đây chị thường dồn quần áo con mặc hai ngày giặt một lần, nhưng gần đây, ngày nào bé đi học về cũng phải cho quần áo vào thau giặt đồ ngay vì áo trắng sớm có dấu hiệu ngả màu, có đến hai trong số ba bộ đồng phục mua ở trường phải đem ra tiệm may lại vì bị sút chỉ, bung đáy.

Trường hợp khác, một phụ huynh có con đang học Trường Mầm non H.T.T. (quận Gò Vấp) cho biết mỗi lần giặt đồ đi học của con, chị phải chia làm hai công đoạn, giặt áo trước, quần sau vì “đã giặt nhiều lần nhưng quần vẫn ra màu đỏ, nếu giặt chung với áo sẽ khiến áo trắng bị lem màu, trông rất xấu”.

Đó là ba trong số rất nhiều ý kiến phụ huynh phản ánh về chất lượng đồng phục, trong đó đa phần đều có chung ý kiến chất liệu vải kém, nhiều ni lông, cứng và không thấm mồ hôi, khả năng giữ màu kém nên dù trường không quy định mua mới đồng phục mỗi đầu năm học nhưng vì “tuổi thọ” quần áo không cao nên năm nào cha mẹ các em cũng phải “móc hầu bao” mua mới.

Đồng phục học sinh cần gọn nhẹ, mang lại sự thoải mái. Ảnh: MAI HẢI

Tuy nhiên, không phải nơi nào đồng phục cũng kém chất lượng. Chị Minh Anh, phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), cho biết học sinh ở trường con chị chỉ mặc đồng phục áo trắng kết hợp váy/quần tây vào thứ hai, những ngày học còn lại đa số các em đều mặc đồ thể dục vì chất liệu vải mặc rất mát, thấm hút mồ hôi. Chị Anh chia sẻ: “Do thứ hai có lễ chào cờ nên toàn trường phải mặc đồng phục áo trắng, những ngày còn lại các bé có quyền lựa chọn đồng phục nào khiến mình cảm thấy thoải mái, mặc vào dễ vận động, di chuyển”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đồng phục thể dục ở trường này có giá khá mềm, chỉ từ 90.000 - 110.000 đồng/bộ tùy kích cỡ, nên vào đầu năm học, nhiều phụ huynh mua đến 2, 3 bộ thể dục cho con mặc thay đổi. Tương tự, tại các Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Nguyễn Thái Sơn (quận 3), phụ huynh được trao quyền lựa chọn chất liệu vải may đồng phục. Cụ thể mỗi đầu năm học, đơn vị cung cấp đồng phục sẽ đặt quầy tư vấn trong khuôn viên trường, phụ huynh có nhu cầu có thể đến tìm hiểu về chất lượng, giá tiền của các kiểu đồng phục. Nhà trường không quy định tất cả học sinh phải mua đồng phục trong trường và cũng không can thiệp về giá cả. 

Lỗ hổng quản lý

Khi chúng tôi liên hệ các trường để trao đổi về chất lượng đồng phục, đa số đều nhận được lời từ chối của hiệu trưởng với lý do “chưa thấy phụ huynh phản ảnh gì”. Tuy nhiên qua tìm hiểu, từng xảy ra sự việc một giáo viên ở Thủ Đức bày tỏ quan điểm không hài lòng về chất lượng đồ đồng phục (do cô này có con học tại trường đang công tác), nhưng không được ban giám hiệu lắng nghe. Mãi sau này khi có đơn phản ánh của phụ huynh gửi về phòng GD-ĐT, phòng cử chuyên viên xuống kiểm tra thì trường mới chấn chỉnh.

Ở góc độ khác, Trường THCS Colette (quận 3) trước đây hợp đồng với một đơn vị cung cấp đồng phục cho học sinh, tuy nhiên do nhận thấy chất lượng vải may chưa tốt, nên dù giá thành có rẻ hơn bên ngoài, nhưng nhiều năm qua, trường đã cho phụ huynh quyền được tự do lựa chọn nơi mua đồng phục phù hợp túi tiền và nhu cầu sử dụng của con em. “Năm nào tôi cũng ra cửa hàng ở góc đường Cao Thắng - Điện Biên Phủ mua đồng phục cho con, chỉ cần đáp ứng đúng yêu cầu về màu sắc, kiểu dáng theo quy định của nhà trường rồi mua thêm logo dán vào”, chị Hiền Mai, phụ huynh có con đang học lớp 8 tại đây cho biết.

Qua đó cho thấy, quy định của các trường về đồng phục hiện nay rất khác nhau. Có trường cho phép phụ huynh mua đồng phục bên ngoài rồi dán thêm logo trường vào, có trường không bán riêng logo khiến phụ huynh dù muốn hay không cũng phải mua đồng phục trong trường.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ từng công tác ở Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức cho biết, về nguyên tắc, phòng hoặc Sở GD-ĐT không quy định cụ thể về kiểu dáng, chất liệu và giá cả đồng phục, các trường có quyền tự quyết định trên tinh thần gọn nhẹ, đảm bảo phù hợp nhu cầu học sinh. Chỉ trong trường hợp có đơn phản ánh, khiếu nại của phụ huynh, cơ quan quản lý mới xuống kiểm tra, nhắc nhở. Song vị này cũng thừa nhận nhiều năm qua, do chạy theo vấn đề “bản sắc” và “lợi nhuận” nên nhiều trường đã bỏ qua quyền lợi của học sinh. Trong lịch sử chưa từng có trường hợp hiệu trưởng bị cách chức hay chuyển công tác vì vấn đề đồng phục, nên hiện nay công tác quản lý còn nhiều bất cập, đa phần đều dựa vào ý thức và cái “tâm quản lý” của hiệu trưởng. Nếu không sớm chấn chỉnh về mặt quản lý, phụ huynh sẽ còn khổ vì đồng phục nhiều năm nữa...

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục