Chương trình tích hợp Anh - Việt - Hành trang hội nhập cho học sinh

Tuy còn mới mẻ nhưng chương trình tích hợp Anh - Việt đã tạo ra môi trường học tiếng Anh và các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh hiệu quả theo phương pháp tiên tiến, hiện đại. Sau gần một năm triển khai, đến nay chương trình đã lan tỏa đến 65 trường học, với hàng ngàn học sinh tham gia.
Chương trình tích hợp Anh - Việt - Hành trang hội nhập cho học sinh

Tuy còn mới mẻ nhưng chương trình tích hợp Anh - Việt đã tạo ra môi trường học tiếng Anh và các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh hiệu quả theo phương pháp tiên tiến, hiện đại. Sau gần một năm triển khai, đến nay chương trình đã lan tỏa đến 65 trường học, với hàng ngàn học sinh tham gia.

Những giờ học thích thú

Giờ học toán của chương trình tiếng Anh tích hợp của học sinh lớp 1/9 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) diễn ra trong không khí vui nhộn. Không chỉ làm quen với những con số đơn giản, các em còn được học rất nhiều từ tiếng Anh về môn toán. Tuy mới làm quen với mặt chữ, con số nhưng các em đều hào hứng đón nhận từng lời dạy của thầy giáo nước ngoài. Thầy Robert (người Ireland) nhận xét: “So với lứa tuổi, học sinh Việt Nam thông minh, tiếp thu bài giảng rất nhanh. Điều này chứng tỏ khi ở nhà phụ huynh đã quan tâm, trợ giúp các em rất nhiều”. Tương tự, học sinh lớp 6/15 của Trường THCS Lê Quý Đôn cũng hội nhập rất nhanh với chương trình tiếng Anh tích hợp gồm các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh. Em Phạm Gia Trí cho biết: “Chúng em rất thích những giờ học với giáo viên nước ngoài vì thầy, cô thân thiện, dạy dễ hiểu và về nhà không phải làm bài tập”. Còn em Nguyễn Hoàng Phương thì nói thêm: “Những tiết học môn Khoa học rất hấp dẫn vì chúng em được thực hành, làm nhiều thí nghiệm và giáo viên luôn khuyến khích phải động não, có tư duy sáng tạo…”.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học môn Toán với giáo viên nước ngoài.

Cũng theo nhận xét của nhiều học sinh đang học lớp 6 chương trình tiếng Anh tích hợp, chương trình không nặng, phù hợp với trình độ, kiến thức của các em. Những nội dung đã học trong giờ tích hợp thì không phải học lại ở môn tiếng Việt và ngược lại. Theo chia sẻ của thầy Đào Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, học sinh theo học lớp 6 của chương trình mới này đều được tuyển chọn từ những học sinh có trình độ chuẩn tiếng Anh cao (lấy chứng chỉ Flyer điểm cao) nên hầu hết các em đều tiếp thu kiến thức, bài giảng rất tốt. Kết quả học tiếng Anh của chương trình sẽ được tính vào cột điểm ngoại ngữ. Theo đánh giá chung, việc tích hợp chương trình quốc gia Anh quốc với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT đã truyền tải mục tiêu cô đọng, giảm tải về nội dung, nhưng vẫn đảm bảo chương trình khung cho các khối lớp.

Tương tự, cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng cho biết: “Nhờ được tập huấn kỹ về khung chương trình tích hợp Anh - Việt nên giáo viên chủ nhiệm theo sát năng lực học sinh, chỉ ôn lại và mở rộng kiến thức đã học để các em cảm thấy việc học nhẹ nhàng, không áp lực. Giáo viên chỉ dạy bổ sung những kiến thức, nội dung mà học sinh chưa được dạy trong chương trình tích hợp”.

Theo nhiều hiệu trưởng của các trường đang triển khai chương trình tích hợp Anh-Việt, lúc đầu có một vài bỡ ngỡ, lúng túng nhưng đến nay, sau 3 tháng “chạy thử”, việc dạy và học đã ổn định, đi vào nề nếp. Để theo dõi kết quả học tập của học sinh, từ nhà trường đến giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và phụ huynh đều nhận được nhận xét của giáo viên nước ngoài về năng lực, phẩm chất, nội dung cần lưu ý với từng học trò.

Nâng cao tính hệ thống của chương trình

Thời gian đầu khi mới triển khai chương trình tích hợp Anh - Việt, nhiều phụ huynh có tâm trạng băn khoăn, lo lắng, do không biết con em mình sẽ lĩnh hội được gì từ chương trình mới mẻ này. Thế nhưng, sau nhiều tháng theo dõi và nhìn thấy hiệu ứng tích cực từ kết quả dạy - học, trong đó con cái của mình đều thích thú khi tham gia chương trình, lĩnh hội kiến thức môn Toán, Khoa học và giỏi tiếng Anh hơn thì họ đã yên tâm với môi trường dạy học bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế này. Theo đó, học sinh được học 8 tiết/tuần - gồm 4 tiết tiếng Anh giao tiếp, 4 tiết học Toán, Khoa học bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, khảo sát ở một số trường THCS cho thấy phụ huynh còn thắc mắc “Tại sao con em của họ vẫn phải học thêm song song chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT?”. Do phải quay về học lại những mẫu câu quá đơn giản, nghiêng về học ngữ pháp và giáo viên người Việt phát âm không chuẩn bằng giáo viên bản xứ đã khiến các em không thích, thậm chí thấy chán học.

Trả lời vấn đề còn một chút vênh so với chủ trương tích hợp để cô đọng, giảm tải về nội dung này, ông Trần Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Để đảm bảo tính hệ thống, logic của chương trình tích hợp Anh - Việt, sở đã chỉ đạo về chuyên môn rất chi tiết là phần nào chương trình dạy bằng tiếng Anh đã dạy thì chương trình tiếng Việt chỉ dạy bổ sung, mở rộng thêm chứ không dạy lại. Còn đối với môn ngoại ngữ tiếng Anh thì trong 4 tiết chỉ có 1 tiết luyện tập, củng cố - hệ thống hóa kiến thức, ngữ pháp chứ không dạy thêm chương trình của Bộ GD-ĐT. Điểm số học môn tiếng Anh chương trình tích hợp sẽ được tính vào cột điểm môn ngoại ngữ theo quy định của chương trình khung”.

Với mong muốn tạo nền tảng cho học sinh về học các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh và trang bị hành trang tiếng Anh chuẩn cho học sinh TPHCM hội nhập nền giáo dục quốc tế, chương trình tiếng Anh tích hợp đã tạo ra môi trường học tập lý tưởng. Không chỉ chú trọng phương pháp tư duy, khả năng sáng tạo, ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, học sinh còn phát triển kỹ năng toàn diện, khả năng sử dụng tiếng Anh vượt trội. Bên cạnh việc học chương trình song ngữ có nhiều ưu điểm này, học sinh vẫn học tốt chương trình phổ thông quốc gia và chuẩn bị lấy tấm giấy thông hành du học, hội nhập môi trường giáo dục quốc tế dễ dàng n

Để giải tỏa băn khoăn về việc học phí chương trình còn cao nên chưa thu hút số đông theo học chương trình này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Theo lộ trình, sở đang đầu tư chọn và bồi dưỡng giáo viên đủ năng lực tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh tích hợp cùng với giáo viên bản ngữ. Như thế, chi phí sẽ giảm dần và thành phố cũng thực hiện được mục tiêu mở rộng chương trình, tạo cơ hội cho học sinh thụ hưởng nhiều hơn.

HÀ KHANH

Tin cùng chuyên mục