Báo động ngành học thiếu chuẩn

Cùng với 296 ngành cao đẳng (CĐ) ở 74 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) không đủ điều kiện tối thiểu để đào tạo trong năm 2014 chưa giải quyết rốt ráo thì trong năm 2015  lại có đến 681 ngành thuộc 147 trường CĐ trên cả nước lại thiếu chuẩn.
Báo động ngành học thiếu chuẩn

Cùng với 296 ngành cao đẳng (CĐ) ở 74 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) không đủ điều kiện tối thiểu để đào tạo trong năm 2014 chưa giải quyết rốt ráo thì trong năm 2015  lại có đến 681 ngành thuộc 147 trường CĐ trên cả nước lại thiếu chuẩn.

Gần 1.000 ngành học thiếu chuẩn 

Thí sinh nộp đơn dự thi vào Trường CĐ Văn hóa và Nghệ thuật du lịch Sài Gòn năm 2014

Như vậy, trong một thời gian dài dù thiếu chuẩn tối thiểu (giảng viên) so với Thông tư quy định điều kiện, hồ sơ,  quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ (gọi tắt Thông tư 08) để đảm bảo chất lượng nhưng gần cả ngàn ngành học vẫn được giao chỉ tiêu tuyển sinh đều đặn hàng năm. Mới đây, dư luận tiếp tục bị “sốc” khi Bộ GD-ĐT công bố đích danh 681 ngành của 147 trường CĐ không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của Thông tư 08. Từ các trường thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ cho đến các trường thuộc các đô thị lớn nhất nước đều thiếu chuẩn cơ bản. Có ngành đào tạo từ năm 1982 nhưng đến nay giảng viên chỉ có 2 người. Hàng loạt trường CĐ sư phạm ở các tỉnh đều thiếu trầm trọng về chuẩn giảng viên. 

Tại TPHCM, Trường CĐ Bách Việt ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tuyển sinh năm 2014 được 20 sinh viên nhưng chỉ có 1 giảng viên trình độ ĐH, ngành Thư ký văn phòng tuyển sinh từ năm 2006 có 83 sinh viên nhưng chỉ có 3 giảng viên trình độ thạc sĩ, 1 trình độ ĐH. Trường CĐ Văn hóa và Nghệ thuật du lịch Sài Gòn có đến 5 ngành có nguy cơ bị dừng tuyển sinh, trong đó 2 ngành từ năm 2006 đến nay không có sinh viên, 3 ngành tuyển sinh từ 2006 đến nay dù có ngành có 166 sinh viên nhưng giảng viên không đủ so với quy định. Trường CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM có 2 ngành không đủ giảng viên, trong đó ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử và truyền thông tuyển sinh đến 2.012 sinh viên nhưng giảng viên chỉ có 3 thạc sĩ, 5 cử nhân. Trường CĐ Công thương TPHCM có đến 3 ngành dù tuyển sinh đến hàng trăm sinh viên nhưng giảng viên trình độ cao nhất chỉ là đại học. Trường CĐ Điện lực TPHCM ngành Kế toán tuyển sinh từ 2009, có 253 sinh viên nhưng chỉ có 1 giảng viên. Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân 4 ngành không đủ giảng viên, có ngành chỉ có 1 giảng viên trình độ ĐH…

Một điểm đáng nói nữa là rất nhiều ngành sức khỏe thuộc các trường CĐ y tế ở các tỉnh như Huế, Bình Thuận, Ninh Bình, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Quảng Nam… đều thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ.  

Trước đó, trong năm 2014 Bộ GD-ĐT chính thức công bố 296 ngành đào tạo CĐ ở 74 trường ĐH không đáp ứng điều kiện cơ bản nhất để tuyển sinh, đào tạo.  Điển hình như Trường ĐH Phạm Văn Đồng có đến 17 ngành, Trường ĐH Phú Yên 15 ngành, Trường ĐH An Giang 11 ngành (2 ngành có 2 thạc sĩ), Trường ĐH Văn hóa Thể thao - Du lịch Thanh Hóa 11 ngành, Trường ĐH Tiền Giang 8 ngành, Trường ĐH Trà Vinh 6 ngành… Đáng nói hơn, nhiều trường có uy tín cũng có tên trong danh sách này như: Trường ĐH Sài Gòn 11 ngành, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM 4 ngành. Nhiều trường ngoài công lập như ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Hoa Sen 3 ngành, ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng có nhiều ngành không đủ điều kiện. Trong số những ngành không đủ chuẩn, rất nhiều ngành giảng viên trình độ đại học cũng không có nhưng đã tuyển sinh gần cả chục khóa với hàng trăm sinh viên/ngành.

Trách nhiệm của ai?

Trong 2 năm với vỏn vẹn 2 đợt kiểm tra, rà soát các điều kiện mở ngành theo Thông tư 08, Bộ GD-ĐT đã phát hiện 977 ngành học thiếu chuẩn cơ bản, đó là trình độ giảng viên. Nếu Bộ GD-ĐT kiểm tra đến các điều kiện như cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho đào tạo… thì con số ngành học thiếu chuẩn sẽ cao hơn rất nhiều.

Một chuyên gia về đào tạo ở một trường ĐH lớn tại TPHCM cho rằng: “Chất lượng đào tạo bao gồm rất nhiều yếu tố như đầu vào, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo…Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Thông tư 08 đặt yêu cầu mở ngành trước tiên phải đảm bảo về đội ngũ giảng viên. Bởi vì nếu có trường bề thế, trang thiết bị hiện đại, chương trình tốt mà không có thầy thì cũng chẳng làm được gì”. 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, 681 ngành không đảm bảo điều kiện của Thông tư 08 là kết quả rà soát, thống kê từ tháng 6-2014. Đây là kết quả xử lý ban đầu, sau khi các trường bổ sung, điều chỉnh thông tin, bộ sẽ xử lý theo đúng quy định của Thông tư 08. Cùng với công bố danh sách, Bộ GD-ĐT cũng có công văn yêu cầu các trường có tên trong danh sách tiến hành rà soát báo cáo thống kê của trường mình, kiểm tra dữ liệu về số lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu theo ngành đào tạo (nếu thấy cần thiết, gửi báo cáo thống kê bổ sung kèm theo các minh chứng liên quan) trong thời hạn từ nay đến ngày 6-3.

Từ trước đến nay, việc cấp quyết định mở ngành, duyệt chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đều do Bộ GD-ĐT quyết định. Mọi quy trình, quy định đều chặt chẽ là vậy nhưng việc khai khống vẫn tồn tại ở nhiều trường. Như vậy, trách nhiệm đầu tiên không phải do các cơ sở đào tạo mà chính ở cấp quản lý quản lý chưa thật sự khoa học, thả nổi công tác hậu kiểm trong suốt thời gian dài nên các trường lờn thuốc và viễn cảnh người học chịu cảnh học trong điều kiện thiếu thầy, thiếu chất lượng và khó kiếm việc làm sau khi ra trường. 

 Theo Điều 7, Thông tư 08 cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây: (1) Không bảo đảm một trong các điều kiện mở ngành CĐ; (2) Không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp; (3) tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo; (4) người cho phép mở ngành không đúng thẩm quyền; (5) vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ; (6) các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục