Bước đột phá của giáo dục TPHCM. Bài 1: Chiếc “phao cứu sinh”

Sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, ngay từ những ngày đầu tiếp quản thành phố Sài Gòn, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục, mà trước tiên là hệ thống cơ sở vật chất cho trường lớp. Đặc biệt từ năm 2003 đến nay, Quyết định 02/2003 của UBND TPHCM về quy hoạch mạng lưới trường lớp đã tạo bước đột phá về cải thiện bức tranh giáo dục của thành phố. Nhờ mỗi năm đầu tư xây mới hàng chục ngôi trường, đưa vào sử dụng từ 1.500 - 2.000 phòng học mới, ngành GD-ĐT TPHCM không chỉ đảm bảo chỗ học cho con em của một thành phố với gần 10 triệu dân, mà còn tạo dấu ấn, diện mạo mới với nhiều ngôi trường khang trang, hiện đại.
Bước đột phá của giáo dục TPHCM. Bài 1: Chiếc “phao cứu sinh”

Sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, ngay từ những ngày đầu tiếp quản thành phố Sài Gòn, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục, mà trước tiên là hệ thống cơ sở vật chất cho trường lớp. Đặc biệt từ năm 2003 đến nay, Quyết định 02/2003 của UBND TPHCM về quy hoạch mạng lưới trường lớp đã tạo bước đột phá về cải thiện bức tranh giáo dục của thành phố. Nhờ mỗi năm đầu tư xây mới hàng chục ngôi trường, đưa vào sử dụng từ 1.500 - 2.000 phòng học mới, ngành GD-ĐT TPHCM không chỉ đảm bảo chỗ học cho con em của một thành phố với gần 10 triệu dân, mà còn tạo dấu ấn, diện mạo mới với nhiều ngôi trường khang trang, hiện đại.

Gỡ “nút thắt”

Vào cuối những năm 1990 và đầu năm 2000, ngành GD-ĐT TPHCM đứng trước bài toán thiếu chỗ học nghiêm trọng. Thêm vào đó, trường lớp xuống cấp và sĩ số lớp học ở nhiều trường đông đến nghẹt thở (55 - 60 học sinh/lớp). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tốc độ tăng quá nhanh dân số cơ học ở các quận ven, huyện ngoại thành, kèm theo số lượng học sinh ở các cấp học tăng vọt 30% - 50%, thậm chí lên đến trên 100%. Thế nhưng, tốc độ xây trường học thì chậm như “rùa bò”, vướng phải đủ cái khó từ thiếu vốn đến mặt bằng. “Nhìn vào số liệu báo cáo của nhiều địa phương, nhất là vùng ven của thành phố, quy mô học sinh tăng cao, kèm theo nhu cầu chỗ học tăng thêm hàng ngàn chỗ vào đầu năm học mới, chúng tôi cảm thấy đau đầu. Không biết tìm đâu phép mầu nhiệm để xây kịp trường, lớp, đáp ứng đủ chỗ học cho con em mình?”, ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD-ĐT, nhớ lại thời kỳ khó khăn nhất này.

Không thể diễn tả hết nỗi khổ, sự trăn trở, ray rứt của các cấp chính quyền, đoàn thể trước bài toán lưu cữu - thiếu chỗ học này. Đến hẹn lại lên, năm nào ở những địa bàn “nóng”, có dân nhập cư tăng nhanh như các quận: 8, 12, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú và huyện Nhà Bè, Hóc Môn… điệp khúc thiếu chỗ học “căng hơn dây đàn”. Nếu “nút thắt” này không sớm tháo gỡ thì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục và giảm niềm tin của phụ huynh, học sinh. Chính vì thế, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định 02 về quy hoạch mạng lưới trường ở 24 quận, huyện. Từ quyết sách mang tính đột phá này, lãnh đạo thành phố không chỉ quan tâm đặc biệt mà còn ưu tiên phê duyệt 20% - 25% tổng ngân sách hàng năm cho giáo dục. Trong số này dành riêng 3.000 - 4.000 tỷ đồng xây trường, lớp. Nhờ “chiếc phao cứu sinh” này, các quận huyện đều thể hiện quyết tâm cao, xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm tạo quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, giải tỏa dần áp lực về chỗ học.

Trường THCS Trần Quốc Toản (quận 9) mới khánh thành, tạo thêm nhiều chỗ học cho học sinh quận ven.

Theo ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, hàng năm quy mô học sinh các cấp học trên địa bàn quận tăng chóng mặt, trong đó học sinh hệ mầm non, tiểu học, THCS không có hộ khẩu chiếm từ 35% đến gần 50%. Vì thế, ngoài ưu tiên quy hoạch quỹ đất dành cho các dự án xây trường học, quận Bình Tân còn tiến hành đầu tư cải tạo, nâng cấp trường, lớp cũ. Kết quả, trong vòng 10 năm từ năm 2003 đến hết năm 2013, quận đã đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng cấp xây mới 36 dự án trường học, đưa vào sử dụng 757 phòng học mới. Nhờ quyết tâm cao, dốc sức thực hiện chủ trương này, quận Bình Tân trở thành điểm sáng xây dựng trường lớp nhanh, được UBND TPHCM khen thưởng đột xuất.

Vùng ven, ngoại thành khởi sắc

Tương tự, quận Tân Phú cũng tăng tốc giải tỏa áp lực thiếu chỗ học bằng những giải pháp linh hoạt. Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cả hệ thống chính trị của quận đã vào cuộc, cùng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục. Không chỉ ưu tiên về quỹ đất, đẩy mạnh thu hồi đất dự án, quận còn huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện mục tiêu đầu tư mở rộng trường, lớp, nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, nhờ chủ trương xã hội hóa giáo dục, trên địa bàn quận đã có 19 trường THPT và nhiều trường mầm non ngoài công lập được thành lập. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, quận Tân Phú đã đầu tư 81 dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp trường học và đưa vào sử dụng 551 phòng học mới. Nhờ vậy, bước đầu quận đã giải được bài toán về cơ bản đáp ứng chỗ học cho học sinh ở độ tuổi đến trường, thực hiện phổ cập giáo dục. Nhiều ngôi trường mới xây khang trang, hiện đại với sân chơi rộng rãi, nhiều phòng chức năng, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng dạy và học đã tạo diện mạo mới cho ngành giáo dục quận Tân Phú. Điển hình như: Trường Mầm non phường Tân Sơn Nhì; Trường Tiểu học Tân Thới, Tân Hóa; THCS Trần Quang Khải…

Ngành giáo dục của quận 11 cũng “cất cánh” nhờ quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo, ưu tiên nguồn vốn xây dựng nhiều ngôi trường mới khang trang, hiện đại. Điển hình là Trường THCS Lê Anh Xuân, tiểu học Hưng Việt… Không những thế, quận chuẩn bị đầu tư xây thêm 1 trường THPT hiện đại trên diện tích 1ha ở Khu liên hợp Phú Thọ…

Tận dụng thời cơ, các quận 2, 6, Gò Vấp, Thủ Đức, 12 và huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi… cũng hạ quyết tâm vượt khó, tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong thu hồi mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để mở rộng, tăng tốc xây thêm trường, lớp mới. Cụ thể, trong hơn 10 năm (2003 - 2013), quận Gò Vấp đã xây mới, mở rộng 29 trường học với 510 phòng học mới. Không những thế, quận còn chuẩn bị nguồn đất để chuẩn bị xây dựng mới 69 điểm trường học trong những năm tới. Còn quận Thủ Đức cũng tiến hành cải tạo, nâng cấp, xây mới 32 trường với 657 phòng học mới; quận 12 xây thêm 29 trường học mới…

Riêng vùng đất thép Củ Chi, nhờ có nguồn quỹ đất dồi dào nên việc đầu tư xây trường có diện tích rộng, khang trang, trong đó nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Tính đến năm 2012, huyện đã thực hiện 98 dự án cải tạo, nâng cấp và xây mới nhiều trường học với 1.245 phòng học mới. So với đầu học sinh thì tổng chỗ học ở huyện Củ Chi hiện có là lý tưởng và mảnh đất anh hùng này cũng tự hào có số trường học đạt chuẩn quốc gia cao nhất. Nhiều ngôi trường mới khánh thành có diện tích rộng, khang trang khiến các quận nội thành phải ao ước. Điển hình là Trường Tiểu học An Phú 1, THCS thị trấn Củ Chi 2 và Trường Mầm non thị trấn Củ Chi 2, Trường Mầm non Tân Thông Hội 2…

Có thể thấy, diện mạo về cơ sở vật chất ở khu vực vùng ven và ngoại thành ngày càng khởi sắc bởi những ngôi trường mới xây trị giá trên dưới 100 tỷ đồng và trông bề thế, khang trang. Nhờ vậy, số trường được công nhận đạt chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia của thành phố không ngừng tăng, trong đó khu vực vùng ven, ngoại thành chiếm nhiều nhất.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục