Môn thi tiếng Anh đạt điểm thấp: Hệ quả tất yếu

Sự thật hiển nhiên…
Môn thi tiếng Anh đạt điểm thấp: Hệ quả tất yếu

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, số thí sinh dự thi môn tiếng Anh chiếm đông nhất, nhưng phổ điểm lại thấp nhất, tập trung ở mức 2 đến 3,5 điểm và chỉ 20% đạt 5 điểm trở lên. Kết quả này tuy không gây bất ngờ nhưng đã phơi bày sự thật về dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông hiện nay vừa không hiệu quả, vừa lãng phí.

Sự thật hiển nhiên…

Đúng như nhận định của nhiều giáo viên dạy tiếng Anh và chuyên gia ngoại ngữ, phổ điểm môn tiếng Anh “nghèo nàn” như thế này là sự thật hiển nhiên, đo lường đúng chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các địa phương. Trừ các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… mặt bằng dạy và học tiếng Anh khá hơn nên thí sinh làm bài tốt hơn, còn tại nhiều tỉnh, thành khác đều “đắng lòng” trước con số thí sinh bị điểm liệt, điểm thấp quá nhiều.

Có thể nói đây là năm đầu tiên, môn ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc nên nhiều thí sinh vốn xem nhẹ, học cho có đều trở tay ôn luyện không kịp. Riêng với thí sinh định hướng chọn thi khối D và A1 đã có sự chuẩn bị, đầu tư cho tiếng Anh từ trước nên dễ dàng kiếm điểm 6 - 7 hoặc cao hơn là điểm 8 - 9.

Khoan đề cập đến mức độ đề khó hay dễ so với kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng những năm trước, bởi lẽ theo đánh giá chung thì đề thi ra sát chương trình phổ thông, sát nội dung, yêu cầu của chương trình. Với độ phân hóa cao, đề thi môn tiếng Anh đã đáp ứng mục tiêu “hai trong một” mà Bộ GD-ĐT đặt ra cũng như khởi động việc đổi mới thi cử, đánh giá đúng năng lực người học.

Nhưng nhìn lại, chúng ta không thể không đặt vấn đề: “Dạy thế nào, học ra sao để lĩnh hội kết quả thấp như thế?”. Và ngay những thí sinh thi khối A1, D dù có phổ điểm cao hơn, thậm chí đạt 8 - 9 điểm cũng thừa nhận chỉ vững ngữ pháp, từ vựng nhưng còn hạn chế trong giao tiếp, sử dụng tiếng Anh. Như thế, trong con số 20% đạt điểm 5 trở lên, có bao nhiêu em tự tin sử dụng công cụ ngoại ngữ? Việc tốn thời gian, công sức học ngoại ngữ suốt 7 năm ở bậc phổ thông, nhưng thi cử cũng không đạt yêu cầu tối thiểu thật đáng suy ngẫm. Không những thế, học mà không thể sử dụng và khi cần giao tiếp phần đông lại “ú ớ” hoặc giống người câm điếc thì học để làm gì?

Soi lại thực tế và mổ xẻ kết quả thi môn tiếng Anh, từ giáo viên đến người học và cả xã hội lại thấy nghẹn lòng, cảm thấy bất lực với kỳ vọng cải thiện việc dạy và học tiếng Anh đạt chuẩn ở trường phổ thông như hiện nay. Nhưng phải làm gì, làm như thế nào để tạo sự đột phá và mang lại hiệu quả thực học, thực hành. Điều đáng nói, ngay ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… nhiều học sinh học tiếng Anh đạt điểm trung bình môn 8.0 đến 9.0 nhưng vẫn hạn chế trong giao tiếp, nghe nói bằng tiếng Anh. Chính vì thế, việc đánh giá chất lượng dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông cũng phải thay đổi, đúng thực chất chứ không chỉ dựa vào điểm số.

Đề án 2020 chưa tạo nhiều chuyển biến

Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc gia giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt Đề án 2020) đang được Bộ GD-ĐT triển khai rộng rãi. Hơn 4 năm qua, dù đã phủ sóng và có nhiều tín hiệu đổi mới, cải thiện dần việc dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông, nhưng đề án tiền tỷ này đang bộc lộ nhiều bất cập.

Theo đánh giá ban đầu, nó mới tác động đến các thành phố lớn, địa phương có điều kiện về kinh tế. Muốn học ngoại ngữ giỏi phải có thầy dạy giỏi, đạt chuẩn. Vì thế, để chuyển biến, nâng chất cho hơn 90% giáo viên dạy tiếng Anh không đạt chuẩn quốc tế đang là vấn đề nan giải. Dù ngành GD-ĐT đã cố gắng nhưng sự nghiệp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh không chỉ ì ạch mà còn thách thức mục tiêu đổi mới cách dạy và học tiếng Anh hiệu quả.

Học sinh bậc THCS giành chiến thắng trong cuộc thi vô địch TOEFL Junior do IIG Việt Nam tổ chức.

Theo một số chuyên gia ngoại ngữ, với cách làm như hiện nay là mở đại trà nhiều lớp bồi dưỡng giáo viên và “lùa” họ đi học theo kiểu phong trào, ép phải đạt chuẩn sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, việc đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại tràn lan, nhưng thiếu giáo viên biết sử dụng, khai thác hết chức năng cũng không thể nâng chất dạy tiếng Anh theo chuẩn.

Theo các chuyên gia ngoại ngữ, ngoài báo động về năng lực, trình độ giáo viên dạy tiếng Anh không đủ chuẩn, thậm chí dạy sai, phát âm không đúng thì cần xây dựng chương trình, sách giáo khoa phù hợp với chuẩn quốc tế. Trong khi chúng ta cứ loay hoay, không định hướng được chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh phải biên soạn theo chuẩn nào, thậm chí “cực đoan” với tư duy phải đưa văn hóa Việt vào nhiều hơn thì làm sao tiếp cận chuẩn ngôn ngữ quốc tế? Lý giải vướng mắc này, chuyên gia ngoại ngữ Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm: “Sách giáo khoa tiếng Anh phải giúp học sinh học tiếng Anh hiệu quả và cung cấp kiến thức về thế giới. Học sinh học xong một bài học phải biết khái quát những gì đã học, thể hiện bằng ngôn từ tiếng Anh”.

Trước thực tế nhiều bất cập, ngổn ngang trở ngại, khó khăn như nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng nếu không có giải pháp đồng bộ, đột phá thì không dễ cải thiện tình trạng dạy và học tiếng Anh đã quá lạc hậu như hiện nay. Hơn nữa, nếu thấy phổ điểm quá thấp mà không tiếp tục duy trì quy định tiếng Anh là môn thi bắt buộc thì bức tranh chung còn tệ hơn nữa. Nhìn thấy sự thật đắng lòng cùng “sản phẩm học trò bị lỗi” sau kỳ thi đổi mới này, mỗi trường học, địa phương và cả ngành GD-ĐT phải làm gì? Nếu không đầu tư, chú trọng đổi mới cách dạy và học tiếng Anh đạt chuẩn, kỹ năng nghe nói thành thạo thì làm sao giới trẻ Việt Nam có thể tự tin gia nhập ngôi nhà chung ASEAN từ cuối năm nay và hội nhập môi trường lao động quốc tế?

KHÁNH HÀ

>> Đề thi tiếng Anh vừa sức

Tin cùng chuyên mục