Để không còn những tiết học nhàm chán

Khoảng hai tuần đầu tháng 5, sau khi kết thúc các bài kiểm tra của học kỳ 2 năm học 2015-2016, học sinh của các khối lớp vẫn phải đến lớp học bình thường. Tuy có tâm trạng thoải mái vì vừa trút xong áp lực ôn luyện nhưng cũng có nhiều em cảm thấy uể oải, thậm chí chán nản vì “đến lớp chẳng làm gì”.
Để không còn những tiết học nhàm chán

Khoảng hai tuần đầu tháng 5, sau khi kết thúc các bài kiểm tra của học kỳ 2 năm học 2015-2016, học sinh của các khối lớp vẫn phải đến lớp học bình thường. Tuy có tâm trạng thoải mái vì vừa trút xong áp lực ôn luyện nhưng cũng có nhiều em cảm thấy uể oải, thậm chí chán nản vì “đến lớp chẳng làm gì”.

Để không còn những tiết học nhàm chán ảnh 1

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường TH Thực hành Sài Gòn

Ngoài việc nghe giáo viên bộ môn, chủ nhiệm thông báo điểm kiểm tra cuối học kỳ, tổng kết bộ môn, điểm bình quân hoặc sửa chữa bài kiểm tra, phần nhiều thời gian còn lại là tự học, tự chơi, tự quản tại lớp. Do đó, nhiều học sinh thích nghỉ ở nhà hơn là phải đến lớp chịu cái nóng nảy lửa của tháng 5 hoặc thụ động ngồi yên một chỗ. Một phụ huynh có con học lớp 8 một trường THCS ở Phú Nhuận (TPHCM) bức xúc đặt vấn đề: “Cứ đến dịp kiểm tra cuối năm thì học sinh phải học, ôn tập dồn dập vì lịch kiểm tra của trường xếp dày ken, không thở nổi. Thế rồi kiểm tra xong, học sinh lại thư thả, đến lớp chơi dài dài. Vì sao thời gian này nhà trường không nghĩ ra cách tổ chức hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi trí tuệ hấp dẫn để các em xả hơi, trải nghiệm những điều bổ ích? Như thế làm sao đòi hỏi học sinh phát triển toàn diện, có cơ hội trang bị kỹ năng sống”.

Thực tế này diễn ra từ lâu và tái diễn vào dịp cuối học kỳ, cuối năm học khiến nhiều học sinh lẫn phụ huynh bức xúc. Không chỉ vì lịch học, lịch kiểm tra học kỳ phân bố thiếu khoa học, mà thời gian trống sau khi thi cử, kiểm tra xong không học gì cũng rất lãng phí. Và cứ vào dịp này, trong khi giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu bận bịu với nhiều công việc kết thúc năm học thì đa phần học sinh đến trường… chơi dài, ngáp dài. Nguyên nhân chính là do còn nhiều trường học ở TPHCM không đảm bảo chuẩn về cơ sở vật chất, thậm chí trường chưa ra trường - thiếu sân chơi, phòng tập thể dục đa năng. Còn thư viện lập ra nhưng nghèo nàn, chật chội, ít đầu sách hấp dẫn học trò… Hơn nữa, dù đã hô hào phát triển học sinh toàn diện nhưng nhiều hiệu trưởng, ban giám hiệu chưa chủ động, sáng tạo, thiết kế các hoạt động ngoại khóa hợp lý, bổ ích sau mùa kiểm tra, thi cử căng thẳng. Điều mà học sinh mong mỏi là nhà trường tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ để mở rộng kiến thức, thi thố tài năng sở trường về thể thao, văn nghệ…

Có như thế, các em mới có cơ hội kết hợp học với hành, trải nghiệm thực tế và vui chơi thoải mái. Thậm chí, đây cũng là dịp để giáo viên chủ nhiệm gần gũi với học trò, lắng nghe những điều các em thổ lộ, giãi bày và định hướng để học tốt hơn, hình thành nhân cách, kỹ năng sống chuẩn hơn. Theo các chuyên gia giáo dục, trường học cần đổi mới các hoạt động giáo dục không chỉ trong dạy và học, mà còn chú trọng phát triển năng lực, sở trường cá nhân của học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa phong phú, sân chơi bổ ích. Có như thế các em mới phát triển toàn diện, hình thành kỹ năng cần thiết trong thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng.

HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục