Lắng nghe tiếng nói trẻ thơ

Lắng nghe tiếng nói trẻ thơ

“Con muốn học bóng rổ mà ba mẹ không cho, bắt đi học tiếng Anh thì con phải làm sao?”, “Làm sao để ba mẹ và tụi con có thể hiểu nhau, chia sẻ với nhau được nhiều thứ chứ nhiều bạn của con không thể tâm sự bất cứ chuyện gì với ba mẹ”.

Lắng nghe tiếng nói trẻ thơ ảnh 1

Nhiều học sinh thích thú học môn bóng rổ

Đó chỉ là hai trong số hơn 80 ý kiến được các bạn nhỏ gửi về diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2016”, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tổ chức, trong khuôn khổ hội trại “Chắp cánh ước mơ” lần thứ 5 vừa diễn ra mới đây.

Những câu hỏi tuy không mới, tình huống gỡ rối tương tự năm nào cũng có, nhưng mỗi năm đến hè lại là nỗi trăn trở của rất nhiều học sinh.

 Đáp lại băn khoăn này, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, khẳng định trẻ em có quyền tham gia, đưa ra ý kiến của mình trong bất kỳ hoạt động học tập, vui chơi giải trí nào mà các em mong muốn. Cha mẹ dù là người lớn nhưng cũng không có quyền can thiệp quá nhiều vào sở thích của các em, mà ngược lại cần phải tôn trọng sở thích cá nhân đó. Theo bà Phụng, các em dù còn nhỏ nhưng hãy mạnh dạn nói rõ ý kiến của mình, nói với cha mẹ về những gì mình thích, mình muốn, chia sẻ suy nghĩ của mình với cha mẹ để giữa con cái và cha mẹ có thể thoải mái với nhau, tôn trọng lẫn nhau và hiểu được nhau.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không phải ở trong điều kiện giao tiếp, hoàn cảnh gia đình nào con cái cũng có thể làm được điều đó. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, thời gian các em ở trường nhiều hơn ở nhà. Sợi dây gắn kết giữa bố mẹ, con cái chỉ thực hiện lỏng lẻo qua bữa cơm tối ăn vội sau khi con từ lớp học thêm trở về, qua loa, vội vàng trước giờ phải ngồi vào bàn làm bài tập buổi tối. Kể cả thứ bảy, chủ nhật, lịch học thêm ngoại khóa, học ngoại ngữ cũng kín hết thời gian sinh hoạt khiến cơ hội trò chuyện, tâm sự giữa ba mẹ và con cái càng trở nên ít ỏi. Do đó hơn bao giờ hết, vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng như hoạt động của phòng tư vấn tâm lý đang được nhiều trường học đẩy mạnh, tạo thêm một chiếc cầu nối giúp học sinh có thể dễ dàng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Vài năm trở lại đây, ngành giáo dục nói riêng và nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác trong xã hội đã tổ chức rất nhiều hội thảo, diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em. Ngay cả lãnh đạo thành phố năm nào cũng tổ chức nhiều buổi họp mặt, giao lưu với thiếu nhi để lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm của các em. Tuy nhiên, số lượng không phải lúc nào cũng đi cùng chất lượng. Lắng nghe tuy nhiều nhưng gỡ rối, hỗ trợ thế nào chưa được các cơ quan, đoàn thể quan tâm đúng mức, đáp ứng được cái “cần” nhưng yếu tố “đủ” lại chưa có. Thực tế hiện nay cho thấy, học sinh vẫn rất thiếu nơi bày tỏ tâm tư, được hỗ trợ về mặt tâm lý cũng như động viên, khuyến khích mỗi khi các em gặp vấn đề nan giải trong cuộc sống.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục