Loại hình trường tư thục nào sẽ ổn định?

Loại hình trường tư thục nào sẽ ổn định?

Sau 28 năm hình thành và phát triển, hệ thống các trường ngoài công lập (nay gọi là trường tư thục) đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập to lớn của xã hội trong khi hệ thống trường đại học (ĐH) công lập và ngân sách nhà nước không thể choàng gánh nổi. Bên cạnh những trường bất ổn, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục thì vẫn có những trường đã phát triển vững mạnh, góp phần vào thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước.

Một lối ra tất yếu

Một trong những thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam cuối những năm 80 của thế kỷ trước là sự ra đời của hệ thống các trường ĐH ngoài công lập. Mở đầu là sự ra đời của Trung tâm ĐH Dân lập Thăng Long vào năm 1989 (nay là Trường ĐH Thăng Long) và hiện nay, số lượng trường tư thục đã đạt mốc 90 trường (60 trường ĐH và 30 trường cao đẳng). Bên cạnh đó, quy mô của các trường cũng ngày một mở rộng, với hàng trăm ngành nghề từ các ngành xã hội cho tới các ngành khoa học kỹ thuật được đưa vào đào tạo…

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường tư thục tại TPHCM được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (thứ ba bên trái) yên tâm về hướng phát triển ổn định, không mâu thuẫn nội bộ

Trong những năm qua, các trường tư thục đã có công trong việc góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa của Chính phủ, đào tạo một lực lượng trí thức không nhỏ để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là xu hướng tất yếu, là chủ trương đúng đắn nên ngay từ khi ra đời đã được xã hội đón nhận một cách tích cực.

Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều trường tư đã và đang thực sự khẳng định được thương hiệu khi nhà đầu tư có tâm huyết với giáo dục. Điều này được minh chứng qua việc các trường đầu tư mạnh để mua đất đai, xây dựng cơ sở vật chất, thu hút nhiều tiến sĩ trẻ trong và ngoài nước, đầu tư nghiên cứu. Trong số đó có thể kể tên nhiều trường như ĐH Thăng Long, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Ngoại ngữ và Tin học TPHCM… Nhiều trường trong số này có nhiều bài báo nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới, thậm chí nhiều bài có chỉ số trích dẫn khá cao.

Trường nào sẽ ổn định?

Nhìn vào thực tế và lịch sử hình thành các trường tư thục từ khi thành lập đến nay, có thể khái quát thành 3 loại hình trường: Thứ nhất, những trường một chủ sở hữu (thực chất là của một gia đình) như ĐH Thăng Long, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Duy Tân, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến, ĐH Bình Dương, ĐH Công nghệ Đồng Nai...; thứ hai, những trường có nhiều người góp vốn ban đầu nhưng sau nhiều năm hoạt động, tài sản thuộc sở hữu chung không đáng kể như ĐH Đông Đô, ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, Trường CĐ Bán công và Quản trị doanh nghiệp...; thứ ba, những trường có nhiều người góp vốn ban đầu và tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động rất lớn so với số vốn ban đầu như ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Hoa Sen...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thăm và làm việc tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM

Từ sự phân loại trên, việc chuyển các trường từ trường dân lập sang trường tư thục để làm rõ bản chất “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”, tạo điều kiện giúp các trường phát triển đúng hướng theo chủ trương xã hội hóa (thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục).

Việc chuyển đổi sang trường tư thục thì loại trường thứ nhất thuận lợi hơn, bởi lẽ mâu thuẫn nếu có đều dễ dàng được dung hòa do cơ cấu lãnh đạo trong giai đoạn dân lập đã được sắp xếp sẵn. Loại trường thứ hai cũng không gặp trở ngại nhiều khi chuyển đổi bởi lẽ tài sản sở hữu chung không đáng kể, thậm chí vốn ban đầu thường rất nhỏ, do đó việc xử lý tài chính, tài sản không phức tạp. Tuy nhiên, khi chuyển sang tư thục, muốn trường phát triển phải có nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và khi đó khó khăn sẽ phát sinh giữa người mới và người cũ.

Ở loại trường thứ ba, xử lý các vấn đề tài chính rất phức tạp. Thực tế cuối năm 2010, hàng loạt trường như ĐH Văn Lang, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Hùng Vương TPHCM… đã thực hiện chuyển đổi nhưng bất thành, phát sinh mâu thuẫn và tranh giành quyền lực giữa các nhóm liên quan. Sau “cuộc chiến” của Trường ĐH Hùng Vương TPHCM thì nay lại thêm “hiện tượng” Trường ĐH Hoa Sen. Mâu thuẫn xuất phát từ quá trình chuyển đổi sang tư thục mà nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là lợi ích và quyền lợi bị ảnh hưởng, đã dẫn đến phải dắt nhau ra tòa để phân xử.

Với những hành lang pháp lý hiện hành thì đến thời điểm này, có thể nói mô hình trường tư thục một chủ sở hữu là loại trường phát triển ổn định và có thể phát triển vững mạnh vì không có chuyện tranh giành, đấu đá giữa nhóm này, nhóm kia hay nhà đầu tư mới với nhà đầu tư cũ. Những trường đó hiện nay là ĐH Thăng Long, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Duy Tân, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Đông Á.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục