Hỗ trợ ngành dệt may phát triển bền vững

Thời gian qua, ngành dệt may có mức tăng trưởng khá, xuất khẩu năm 2017 đạt trên 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện ngành này đang phải đối mặt với những khó khăn khi chi phí sản xuất tăng, năng suất thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) trong ngành ít hợp tác, tốc độ hoàn thành đơn hàng lớn còn chậm.
Đầu tư công nghệ hiện đại giúp ngành dệt may giảm chi phí sản xuất, tăng nội lực cạnh tranh
Đầu tư công nghệ hiện đại giúp ngành dệt may giảm chi phí sản xuất, tăng nội lực cạnh tranh

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết trung bình mỗi năm ngành dệt may Việt Nam mất khoảng 3 tỷ USD cho chi phí năng lượng sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ngành này giảm đi tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong khi đó, nhiều điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, cũng như sắp có hiệu lực, nhất là CPTPP đòi hỏi cam kết về các quy định trách nhiệm xã hội của DN, cũng như đáp ứng quy tắc xuất xứ về hàng hóa để được hưởng lợi thuế. Cùng với đó, nhiều DN đối tác, thương hiệu lớn trên thế giới đã hướng đến ưu tiên lựa chọn những DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.

Thực tế tại Việt Nam (theo phản ánh từ nhiều DN dệt may) đã nhận được yêu cầu của một số nhà mua hàng về việc dán nhãn carbon trên sản phẩm dệt may xuất khẩu. Do vậy, ông Vũ Đức Giang cho rằng, cải tiến công nghệ trên nền tảng công nghệ 4.0, quản trị môi trường và tiết kiệm chi phí năng lượng là yêu cầu cấp thiết, yếu tố sống còn để ngành dệt may phát triển bền vững và hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Lê Quốc Ân, thời gian tới, dệt may Việt Nam phải thực hiện cả chuỗi liên kết ngang và liên kết dọc. Cụ thể, với chuỗi liên kết ngang, các DN sẽ tập trung liên kết những nguồn lực giống nhau để nhận đơn hàng lớn, cùng nhau thương thảo giảm bớt chi phí nguyên liệu, vận chuyển. Còn ở chuỗi liên kết dọc, yêu cầu liên kết trong các giai đoạn về nguyên liệu, thiết kế, sản xuất, vận tải, bán hàng đảm bảo đáp ứng được quy tắc xuất xứ, giảm được các chi phí trung gian... Khi thực hiện tốt cả 2 chuỗi liên kết nói trên sẽ tạo sức mạnh chung cho toàn ngành dệt may.

Hiện tại, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn đánh giá và công nhận sản xuất bền vững trong lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, các dự án như USAID-VLEEP, GIZ-NAMA đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ DN về cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo. Đồng thời, đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp với từng DN và kết nối nguồn tài chính để các DN dệt may có thể áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục