50 ngày đêm ngăn chặn xe tăng ở Yokohama

50 ngày đêm ngăn chặn xe tăng ở Yokohama

Căn cứ Sagamihara ở Yokohama là một căn cứ quân sự của quân đội Mỹ chiếm đóng tại Nhật Bản, được dùng làm nơi sửa chữa xe cơ giới, khí tài chiến tranh để cung ứng cho lính Mỹ ở Việt Nam.

Nơi đây đã tập trung xe tăng M-48 và các loại xe bọc thép bị hư hỏng để sửa chữa và tân trang, sau đó lại được tàu chiến Mỹ đưa ra chiến trường, vì vậy đây cũng là một địa chỉ bị dư luận Nhật Bản lên án và đòi hỏi quân đội Mỹ sớm trao trả cho Nhật Bản, chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ Nhật Bản làm căn cứ ở hậu phương, tiếp tay cho cuộc chiến xâm lược tại Việt Nam.

50 ngày đêm ngăn chặn xe tăng ở Yokohama ảnh 1

Ngăn chặn công voa chở xe tăng ra cảng Yokohama, tháng 8-1972. Ảnh: T.L.

Trong không khí phản chiến đang nổi lên sôi bỏng vào những năm 1968-1972 trên toàn thế giới, nhất là ở Mỹ thì tại Nhật Bản cuộc đấu tranh đòi phía Mỹ trao trả tất cả căn cứ quân sự cho Nhật Bản đã kết hợp với phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam rất quyết liệt, có thể nói đã lên đến đỉnh cao.

Cuối tháng 6-1972 các phong trào thị dân thuộc tỉnh Kanagawa nơi có bến cảng Yokohama và căn cứ quân sự Sagamihara đã nổ ra một cuộc đấu tranh quyết liệt ngăn chặn không cho công voa chở xe tăng của lính Mỹ ra cảng, trở lại chiến trường kéo dài trong suốt 50 ngày đêm.

Được giáo sư Kobayashi thuộc Trường Đại học Công nghiệp Sagami và ông Umehara, Chủ tịch Phong trào phản chiến của nhân dân trong tỉnh Yokohama, thông báo chi tiết về hoạt động “đột xuất” này, tổ chức yêu nước của kiều báo ta tại Nhật Bản đã quyết định tham gia “chặn xe tăng” cùng với bạn bè Nhật Bản mặc dù cảnh sát dã chiến Nhật đã được lệnh đàn áp theo yêu cầu của phía Mỹ.

Với bộ đồ bà ba đen, nhóm người Việt Nam tay cầm hình ảnh lính Mỹ thảm sát đồng bào ta ở Sơn Mỹ, tay phát truyền đơn tố cáo tội ác chiến tranh đồng thời một số anh em khác cầm loa phát biểu ủng hộ phong trào, kêu gọi không cho xe tăng đi chuyển về phía bến cảng.

Càng ngày số người tham gia càng đông, các nhóm đấu tranh cánh tả, giáo chức, công nhân và sinh viên dân chủ... cũng đã cắm lều trại, lập khán đài giao lưu phản chiến, mít tinh liên tục trong suốt thời gian xe tăng bị chặn, nằm ụ ở ngã tư đường.

Nhiều bà mẹ Nhật Bản đã tìm đến anh em Việt Nam động viên, tiếp sức cho anh em những nắm cơm bọc rong biển, túi trà nóng hay bánh nướng ăn đỡ đói, luôn dặn dò “nhớ gìn giữ sức khoẻ”, “hãy cố lên nghe các cháu”. Căn lều nghỉ ngơi của anh em là tụ điểm của nhiều thanh niên học sinh Nhật Bản đến thăm và đặt câu hỏi về cuộc chiến ở quê nhà, chia sẻ những gì mà đồng bào trong nước đang gánh chịu.

Một nữ sinh viên từ Trường Đại học Nagasaki mãi tận phía Nam tham dự đêm không ngủ cũng đã tìm đến chỗ anh em, tâm sự: “Chúng tôi luôn cầu nguyện cho nhân dân Việt Nam thắng lợi, vì chỉ có như thế chúng tôi mới có thể đòi lại được những vùng đất đang bị quân đội Mỹ chiếm cứ”. Chính nơi đây, chị Yokoi Kumiko, ca sĩ được gọi là “Joan Baez của Nhật” cất tiếng hát bài ca Không cho xe tăng nhích nửa bước nổi tiếng.

Sau 48 ngày giằng co, phía quân đội Mỹ định cho xe tông vào đám người đứng chặn làm đột phá khẩu ra bến cảng thì hàng trăm con người đã nằm xuống ngăn chặn ngay đầu xe tăng, trong đó có hình ảnh những chiếc áo bà ba của anh em ta nằm ở mũi đoàn xe.

Chính hình ảnh đó đã làm nức lòng những người Nhật, họ la hét, hô to những khẩu hiệu “Ngăn chặn ngay bọn giết người”, “Không cho xe tăng lên tàu” trong khi dùi cui, xe phun nước cao áp đẩy đoàn người vào hai bên lề một cách thô bạo, gây thương tích cho nhiều anh em trong đoàn.

Đến ngày thứ 50, tức gần hai tháng không hề di chuyển được, đoàn xe tăng đã phải lùi trở lại căn cứ trong tiếng hoan hô của hàng vạn người, kết thúc cuộc đấu tranh không khoan nhượng mặc dù một số anh em đã bị thương khá nặng trong những ngày cuối cùng của chiến dịch.

Ngày 8-8-1972, Đài Phát thanh Hà Nội lên tiếng phê phán và lên án việc sử dụng Nhật Bản làm căn cứ hậu cần cho cuộc chiến, biến Sagamihara làm nơi sửa chữa những chiếc xe tăng đã gây nên tội ác ở Việt Nam và đưa tin về “trận” đấu tranh chặn xe tăng lịch sử này.

Hồng Lê Thọ

Tin cùng chuyên mục