Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào?

Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào?

 Bài 1: Tiêu điểm “trách nhiệm” trong kinh doanh thế kỷ 21

Khó có thể tưởng tượng được ngày nay mà vẫn còn những công ty kinh doanh bất chấp lợi ích cộng đồng và đặt mục tiêu doanh thu lên trên trách nhiệm xã hội khi thực hiện những thủ đoạn bê bối lấp liếm để che đậy “kỹ năng” tàn phá môi trường. Đó thật sự là hành động không thể tha thứ. Và nó cũng đi ngược lại với xu hướng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) mà khắp thế giới đang cổ xúy và được nhiều công ty áp dụng…

Vấn đề lớn trong thế kỷ 21

Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào? ảnh 1

Cùng Chương trình Lương thực thế giới -Liên Hiệp Quốc (WFP), TNT đã thực hiện vô số chuyến hàng cứu trợ khắp thế giới

Khi trận lụt kinh hoàng tàn phá Bangladesh tháng 11-2007, nhóm phản ứng khẩn cấp của hãng vận tải hậu cần Hà Lan TNT đã sẵn sàng vác ba lô lên đường.

Trụ sở chính tại Amsterdam, hãng cung ứng dịch vụ hậu cần khổng lồ TNT luôn có 50 người sẵn sàng tác chiến tại bất cứ địa điểm nào trên thế giới trong vòng 48 tiếng từ khi nhận được lệnh.

Đây là một phần trong chương trình hợp tác 5 năm qua giữa TNT và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên Hiệp Quốc.

Nhóm “đặc nhiệm” TNT đã tham gia hơn 20 tình huống khẩn cấp toàn cầu, trong đó có sự kiện sóng thần châu Á năm 2004. Có mặt đúng lúc để giúp công tác cứu nạn không là việc làm duy nhất của TNT. Họ còn tổ chức gây quỹ ủng hộ nạn nhân thiên tai (góp được 2,5 triệu euro năm 2007).

Gần đây, TNT cũng cải thiện hệ thống cung cấp thực phẩm cho các ngôi trường Liberia, giúp nâng tính hiệu quả cho WFP lên 15%-20% và họ có kế hoạch tương tự tại Congo. Chủ trương trách nhiệm xã hội của TNT mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực.

Trong cuộc thăm dò năm 2006, 68% nhân viên công ty cho biết họ hãnh diện là “người” của TNT. Năm 2007, TNT đứng đầu bảng Chỉ số bền vững Dow Jones (Dow Jones Sustainability Index) và vẫn đứng đầu trong danh sách năm nay (công bố ngày 8-9-2008).

“Sự tồn tại sống còn của con người trong môi trường sẽ là vấn đề lớn trong thế kỷ 21” - phát biểu của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Coca-Cola Neville Isdell, khi đề cập đến những dự án bảo vệ nguồn nước thế giới của công ty mình.

Tại PepsiCo, Tổng Giám đốc điều hành Indra Nooyi nhấn mạnh tầm quan trọng của các công ty trong việc theo đuổi “mục đích tốt đẹp” bên cạnh yếu tố doanh thu với những sản phẩm “đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với văn minh loài người”.

Với một số tập đoàn khổng lồ, chương trình hành động của họ mang tính quy mô khu vực hoặc thậm chí toàn cầu. Coca-Cola đang hợp tác cùng Procter & Gamble, Tổ chức CARE (Cooperative for Assistance and Relief Everywhere), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và nhiều tổ chức phi lợi nhuận-phi chính phủ khác với loạt dự án tham vọng.

Năm 2005, Coca-Cola (với hơn 800 nhà máy tại khoảng 200 quốc gia) đã khởi động chương trình Community Water Partnership nhằm cải thiện nguồn nước dùng tại các nước nghèo. Cần nhấn mạnh, trung tuần tháng 9-2008, Coca-Cola đã được trao Giải Golden Peacock cho trách nhiệm xã hội năm thứ hai liên tiếp từ Hội đồng quản trị tập đoàn thế giới.

Luật trách nhiệm công ty

Năm 2005, cùng các đối tác, Coca-Cola đã thành lập Global Water Challenge (GWC). Tháng 1-2007, GWC sử dụng 500.000 USD để mở rộng hệ thống trường học tại Kenya (1.500 trường trong 5 năm tới). Không chỉ hành động đơn lẻ, nhiều doanh nghiệp còn “liên thủ” với các tổ chức khác để cùng đưa bộ “nguyên tắc ứng xử” nhằm đảm bảo CSR luôn được tôn trọng và tuân theo.

Đối tượng hợp tác gồm chính phủ, các cơ quan Liên Hiệp Quốc và tổ chức phi chính phủ (NGO). Đây là một trong những xu hướng nổi bật nhất của làn sóng CSR. Trong công nghiệp khoáng sản chẳng hạn, doanh nghiệp hợp tác với các chính phủ trong khuôn khổ Sáng kiến minh bạch các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI), được (cựu) thủ tướng Anh tung ra năm 2002, nhằm giải quyết vấn đề loại trừ tham nhũng cấp nhà nước tại các quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản.

Anh, Mỹ, Na Uy và Hà Lan cùng nhiều NGO cũng như các công ty khổng lồ trong ngành năng lượng và khoáng sản còn ký Bộ nguyên tắc tình nguyện về nhân quyền và an ninh. Và nhóm công ty đưa yếu tố nhân quyền vào hoạt động doanh nghiệp (BLIHR) bây giờ có 14 thành viên (trong đó có Công ty May mặc Gap).

Với một số công ty, mục tiêu phát triển kinh doanh không bỏ qua lợi ích cộng đồng thậm chí được nâng lên tầm chính sách, cũng vĩ mô như chính sách cấp chính phủ. Tháng 7-2006, Sony cho biết họ sẽ giảm 7% chất thải carbon (tính từ mức năm 2000) đến trước năm 2010.

Ngay cả một tập đoàn chỉ kinh doanh dịch vụ và chẳng dính dáng gì sản xuất như Ngân hàng HSBC cũng vào cuộc. Hiện HSBC tiến hành chương trình biến 11.000 trụ sở họ tại 76 quốc gia thành công trình nhà ở mẫu mực của tiết kiệm năng lượng. United Technologies Corporation (UTC), với những sản phẩm đa dạng từ máy bay đến máy điều hòa nhiệt độ, đã giảm mức độ thải carbon đến 19% trong 10 năm qua trong khi vẫn tăng gấp đôi sản lượng.

Năm 2008, UTC nhắm đến mục tiêu tăng trưởng 10% trong khi giảm khí thải thêm 5%. Tập đoàn hóa chất khổng lồ DuPont hiện bắt đầu đặt mục tiêu tăng doanh thu chủ yếu từ các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tháng 9-2007, tại hội thảo Sáng kiến toàn cầu Clinton (do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đề xướng), Ngân hàng Standard Chartered (hoạt động mạnh tại những thị trường mới nổi) đã hứa chi 8-10 tỷ USD trong 5 năm cho các dự án đầu tư năng lượng tái sinh tại châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Từ khi Levi Strauss thiết lập luật trách nhiệm công ty năm 1991, Mattel, Nike và khoảng 1.000 công ty khác cũng áp dụng chính sách tương tự, theo tổ chức phi lợi nhuận Business for Social Responsibility (trụ sở San Francisco).

Lê Thảo Chi (SGGP 12G)

Bài liên quan

>> Bài 2: Thời của “công dân doanh nghiệp”
>> Bài 3: Giáo dục ý thức cộng đồng đối với doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục