Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào?

Bài 2: Thời của “công dân doanh nghiệp”

Bài 2: Thời của “công dân doanh nghiệp”

(SGGP 12G).- Wal-Mart, vốn từng bị chỉ trích là một trong những công ty “vô trách nhiệm” nhất thế giới, cũng tung ra nhiều chương trình bảo vệ môi trường. Năm 2005, họ tuyên bố đầu tư 500 triệu USD/năm cho các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng; hạn chế 25% chất thải rắn trong ba năm tới và yêu cầu 60.000 nhà cung cấp của họ giao các loại hàng hóa không gây hại môi trường...

  • Hai “khẩu quyết” của giới doanh nhân Nhật

Đầu năm 2006, lãnh đạo 14 công ty hàng đầu Anh (từ dầu khí Shell đến hãng điện thoại Vodafone) từng viết kiến nghị gửi Thủ tướng Tony Blair yêu cầu chính phủ đưa ra mục tiêu cụ thể và mốc thời gian rõ ràng cho kế hoạch giảm hiệu ứng nhà kính từ 2006 đến năm 2025.

Tại Nhật, khoảng 800 công ty phải công bố báo cáo thường niên cho biết họ có kế hoạch giảm chất thải carbon ra sao cũng như chỉ tiêu biến sản phẩm lẫn nhà máy họ trở nên “xanh” hơn như thế nào. CSR (xu hướng xã hội của doanh nghiệp) từng là một trong những nền tảng kinh doanh trong lịch sử doanh nghiệp Nhật. Bất kỳ doanh nhân Nhật nào mới bước vào thương trường đều nằm lòng hai “khẩu quyết”: shobaido (cách làm doanh nghiệp) và shonindo (cách làm thương nhân). 

Bài 2: Thời của “công dân doanh nghiệp” ảnh 1
Chương trình những sản phẩm xanh thân thiện môi trường (“Ecomagination”) của General Electric

Không chỉ hô hào suông, không ít viên chức lãnh đạo công ty cũng cầm cờ tiên phong trong làn sóng CSR. Điển hình là Peter Bakker, tổng giám đốc điều hành hãng vận tải-hậu cần Hà Lan TNT.

Từ bỏ máy bay riêng, chuyển sang sử dụng chiếc Prius sử dụng năng lượng sạch thay vì chiếc thể thao sang trọng Porsche, chỉ đi xe hơi hơn là máy bay suốt chặng đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Davos (Thụy Sĩ), Bakker cho biết việc đứng vị trí đầu trong vấn đề ý thức môi trường cùng sự nhận thức thay đổi khí hậu là nhu cầu ưu tiên một của hoạt động TNT.

Năm 2007, Bakker tung ra chiến dịch “Planet Me” nhằm kiểm soát mức độ khí thải một cách toàn diện cho TNT, bất cứ khi nào có thể, chẳng hạn ngân sách đi lại được cắt 20% (tiết kiệm được 3,2 triệu euro/năm) và thay vào đó là lắp hệ thống hội thảo video trị giá 2,8 triệu euro. Năm 2010, tổng hành dinh TNT sẽ được dời về một cao ốc sử dụng “năng lượng xanh”. Tương tự TNT, General Electric (GE) là một trong những công ty hàng đầu hiện nay về chính sách thân thiện môi trường.

Năm 2005, GE tung ra chiến dịch “Ecomagination” với mục tiêu thúc đẩy đầu tư kỹ thuật xanh và mở rộng doanh số bán các sản phẩm-dịch vụ có ảnh hưởng tốt với môi trường, từ bóng đèn, turbine khí, đến động cơ máy bay. GE không tiếc tiền đầu tư cho kỹ thuật xanh. Ngân sách R&D (nghiên cứu và phát triển) riêng cho lĩnh vực kỹ thuật xanh của GE dự kiến tăng từ 700 triệu USD năm 2005 lên 1,5 tỷ USD năm 2010. Lúc đó, GE hy vọng doanh thu từ các sản phẩm “Ecomagination” sẽ đạt ít nhất 20 tỷ USD.

Những cảnh tỉnh từ các tổ chức nhân quyền khiến doanh nghiệp phải nghĩ lại mình. Các nhà đầu tư (bỏ vốn) vào Exxon Mobil chẳng hạn, đã yêu cầu công ty phải công bố báo cáo về tác hại môi trường mà công ty có thể gây ra. “Cách đây vài năm, báo cáo tài chính là tất cả. Bây giờ, nó chỉ là một phần” - theo Leslie Gaines-Ross, chuyên gia nổi tiếng của công ty quan hệ công chúng Weber Shandwick.

Công ty xây dựng được tên tuổi trong hoạt động xã hội ở nước ngoài còn nâng cao được hình ảnh quốc gia họ và công ty nào giúp cải thiện hình ảnh quốc gia họ ở nước ngoài cũng tạo dựng được tên tuổi trong nước - theo Charles Fombrun, giám đốc điều hành Reputation Institute. Ví dụ điển hình là Nokia của Phần Lan.

Rõ ràng trách nhiệm với cộng đồng trước hết là vì lợi ích công ty. Không chỉ là hình thức xây dựng hình ảnh thương hiệu, công ty còn có thể đem lại lợi ích kinh tế về cho chính họ. Newsweek cho biết 43 tập đoàn đa quốc gia (Bayer, British Telecom, DuPont…) đã tiết kiệm được 11,6 tỷ USD năm 2005 khi cải thiện hiệu năng năng lượng, giảm chất thải và khai thác tốt hơn năng lượng mặt trời. Đó là lý do tại sao CSR đang được toàn cầu hóa bởi tính thuyết phục của xu hướng này…

  • Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Để biết người tiêu dùng ngày nay ý thức vấn đề CSR như thế nào, chỉ cần thực hiện vài “phép thử” đơn giản. Apple Computer từng tiến hành một thí nghiệm như vậy, khi bán dòng sản phẩm iPod với hai giá - một 99 USD và một 125 USD. Apple nói rằng 26 USD cộng thêm cho chiếc iPod tương tự sẽ được dùng cho các chương trình xã hội chẳng hạn giáo dục và môi trường. Nếu sẵn lòng chi thêm 26 USD, người tiêu dùng đã bày tỏ sự ủng hộ cho mục tiêu tốt đẹp của Apple. “Phép thử” còn được thực hiện ở một số lĩnh vực khác.

Bắt đầu từ năm thuế khóa 2002, chính quyền bang Massachusetts đã đưa ra biểu thuế tùy chọn mới, trong đó người đóng thuế thu nhập có quyền được quyết định đóng cao hơn hay không và phần thuế cao hơn này sẽ được chính phủ dùng cho các công tác từ thiện-cộng đồng. Trong 16 tỷ USD thuế mà công dân Massachusetts nộp năm đó, 100 triệu USD do những người tình nguyện nộp thêm.

Khắp thế giới, vô số doanh nghiệp đang thể hiện một tư duy chưa từng có về trách nhiệm đối với xã hội. Một cách nào đó, có thể nói họ đang cứu thế giới. Hiện tượng này đang được nhắc đến bằng vài cái tên: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, trách nhiệm doanh nghiệp hoặc công dân doanh nghiệp. Cùng CSR, khái niệm “công dân doanh nghiệp” (corporate citizenship) cũng bắt đầu hình thành để chỉ làn sóng mang tính xu hướng thể hiện trách nhiệm cộng đồng của nhiều tập đoàn lớn. Tại Sri Lanka sau trận sóng thần năm 2004, hàng trăm trẻ em được đưa đến các ngôi trường mới và hàng ngàn người được giúp đỡ bằng loạt trạm xá di động ra đời từ tài trợ của hãng sản xuất đồ chơi Hasbro (Mỹ).

Tại lưu vực Hoàng Hà (Trung Quốc), 300.000 nữ lao động nhập cư đang được dạy về quyền lao động, dịch vụ pháp lý và kỹ năng sống - nhờ chương trình giáo dục của hãng hàng jeans Levi Strauss. Ở châu Phi, châu Á và một số khu vực nhiệt đới khác, bệnh chân voi (nguy cơ khiến 1 tỷ người có thể bị tàn tật) có khả năng được xóa sổ vào trước năm 2020, một phần nhờ đóng góp 1 tỷ USD từ hãng dược khổng lồ GlaxoSmithKline. Đóng góp doanh nghiệp thế giới tăng 22,5% (13,77 tỷ USD) năm 2005 - theo tổ chức Giving USA Foundation. Gần 1.000 công ty đang được đánh giá là “công dân doanh nghiệp”, so với chẳng công ty nào cách đây 10 năm.

LÊ THẢO CHI

Bài liên quan:

>> Bài 1: Tiêu điểm “trách nhiệm” trong kinh doanh thế kỷ 21
>> Bài 3: Giáo dục ý thức cộng đồng đối với doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục