Hậu trường Olympic - Cuộc chiến giành quyền đăng cai- Bài 1: Nụ cười Luân Đôn và nước mắt Paris

Hậu trường Olympic - Cuộc chiến giành quyền đăng cai- Bài 1: Nụ cười Luân Đôn và nước mắt Paris

(SGGP 12G).- Dường như có điềm gở báo trước: Khi khoảng 10.000 người tụ tập trước màn hình khổng lồ tại Tòa thị chính Paris để nghe Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Jacques Rogge tuyên bố quốc gia được chọn đăng cai Thế vận hội 2012, mưa bắt đầu rơi như trút nước. Và rồi, nước mưa đã hòa lẫn nước mắt trong tâm trạng não nề của dân kinh đô Ánh sáng khi nghe tin đối thủ Luân Đôn chiến thắng với tỷ lệ phiếu 54/50.

Chiến thắng của vận động hậu trường?

Hậu trường Olympic - Cuộc chiến giành quyền đăng cai- Bài 1: Nụ cười Luân Đôn và nước mắt Paris ảnh 1
Dân Luân Đôn phấn khích khi nhận được tin đăng cai Thế vận hội 2012

Tấm bảng điện khổng lồ ghi “Paris 2012” tại Tòa thị chính tắt cái phụp, đem lại nỗi thất vọng ê hề một lần nữa trong 20 năm liên tiếp mà Pháp vận động chiến dịch đăng cai Olympic một cách bất thành!

Trước đó vài ngày, dân Anh đã kèn trống rùm beng kỷ niệm 200 năm ngày Lord Nelson đánh bại Napoleon tại trận chiến Trafalgar. Người Pháp - vốn có tật “cả nghĩ” - đã xem thất bại vận động Olympic là một nỗi nhục và không giấu giếm sự bất mãn. Thị trưởng Paris Bertrand Delanoe cho rằng “điều chúng tôi mất ở đây là sự công bằng… Tôi đã hỏi nhiều thành viên IOC nhưng họ cho biết chính họ còn không hiểu nổi!”. Và Pascal Bildstein - phó chủ tịch Liên đoàn điền kinh ba môn phối hợp của Pháp - chua chát than thở: “Đây là chiến thắng của màn vận động hậu trường của Luân Đôn và là một sự mất mát giá trị chân đích của tinh thần Thế vận hội”. Nếu đây là chiến thắng lần thứ ba của Anh (1908 và 1948) thì cũng lại là thất bại lần thứ ba của Pháp (1992 và 2008).

Tất cả 5 quốc gia lọt vào danh sách tranh cử cuối cùng - Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha - đều đến Singapore (nơi công bố kết quả đăng cai) với lực lượng hùng hậu, trong đó có Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, Thượng nghị sĩ Mỹ Hillary Clinton…, chưa kể nhiều vận động viên tên tuổi như tay đấm huyền thoại Mỹ Mohammed Ali hoặc ngôi sao bóng đá Anh David Beckham.

Một trong những cốt lõi của chiến dịch tranh cử là khả năng diễn giải năng lực tổ chức. Phần Luân Đôn, người Anh nhấn mạnh yếu tố đa văn hóa (có 300 ngôn ngữ được sử dụng tại Luân Đôn), tinh thần thể thao cũng như sự ủng hộ của tất cả ban ngành chính phủ. Trong thực tế, không chỉ tinh thần thể thao, hầu hết chiến dịch vận động đăng cai Olympic đều ít nhiều ảnh hưởng chính trị. Trong hai ứng cử viên cuối cùng lọt vào vòng cuối tiến trình bầu chọn - Luân Đôn và Paris - rõ ràng Luân Đôn nhỉnh hơn về nhiều phương diện. Không nói thẳng ra thì ai cũng biết Tony Blair trên bình diện quốc tế lẫn trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đã hơn hẳn so với vai trò lép vế của Jacques Chirac vài năm trước khi rời ghế tổng thống.

Chiến thắng Luân Đôn tất nhiên cũng gặt hái được nhờ kỹ thuật vận động thành công. Theo London Times, một nhân vật uy tín mạnh từng ủng hộ Pháp trong vòng bỏ phiếu đầu đã bất ngờ chuyển sang ưu ái Ănglê. Đó là Chủ tịch Liên đoàn điền kinh thế giới Lamine Diack (người Senegal). Đây cũng là kết quả vận động hậu trường thành công của Lord Sebastian Coe - chủ tịch Ủy ban vận động đăng cai Thế vận hội của Anh. Và tại sao có ba thành viên IOC không tham gia bỏ phiếu ở vòng cuối đến nay tiếp tục là câu hỏi mà Pháp đang gào khản tiếng yêu cầu làm sáng tỏ đến nơi đến chốn.

Henri Serandour - Chủ tịch Ủy ban Olympic Pháp - cho rằng các thành viên IOC ủng hộ Madrid ở vòng trước đã không chuyển lá phiếu của họ cho Paris ở vòng cuối mà lại dồn cho Luân Đôn. “Thế là thế nào, tại sao lại như thế?” - Henri Serandour phát biểu với báo chí Pháp. Người ta cũng nóng lòng đào bới nguyên do gì mà hai thành viên IOC người Phần Lan (Peter Tallberg và Jari Kurri) bỗng nhiên “trở mặt 180°” với Pháp. Chẳng lẽ hai vị này “quê” Pháp và muốn trả thù cho bõ ghét? Số là trước tiến trình bỏ phiếu vòng cuối vài ngày (trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir V. Putin và Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tại Berlin), Tổng thống Jacques Chirac đã nhận xét một cách “quý phái và lịch lãm kiểu Tây”, rằng ẩm thực Phần Lan là “tệ không thể tưởng”, chỉ hơn được mỗi nước Anh trong “tổng thể văn hóa ẩm thực châu Âu”.

“Canh bạc” nhiều rủi ro

Luân Đôn đã bắt đầu lên kế hoạch cho dự án phát triển - nâng cấp thành phố với kinh phí khổng lồ 15,8 tỷ USD, chưa kể nhiều khoản chi khác (Hy Lạp đã chi hơn 12 tỷ USD cho Olympic Athens 2004 và Trung Quốc chi khoảng 40 tỷ USD cho Olympic Bắc Kinh 2008). Cần nhấn mạnh, đầu tư Thế vận hội là “canh bạc” nhiều rủi ro.

Ngay khi có tin Luân Đôn thắng đăng cai, giá cổ phiếu các công ty xây dựng, giao thông và quảng cáo đã tăng vọt tại Thị trường chứng khoán Luân Đôn nhưng giới kinh tế gia đã nhắc lại nhiều tiền lệ lỗ lã khi bán chác cái giá trị tinh thần thể thao của Olympic. Tuy nhiên, một số người vẫn tin rằng Olympic sẽ giúp đem lại cho nền kinh tế Luân Đôn khoảng 9 tỷ bảng (12,8 tỷ USD). Nếu đạt mức này thì thật ra chẳng bõ bèn gì so với nền kinh tế quốc gia Anh, với tổng giá trị khoảng 1,2 ngàn tỷ bảng (2,1 ngàn tỷ USD) - tính ở thời điểm 2004.

Tuy nhiên, dù thế nào, chỉ riêng việc hình ảnh quốc gia được quảng bá và được cả thế giới chú mục trong suốt thời gian tổ chức Olympic cũng luôn đem lại niềm kiêu hãnh và tự hào dân tộc cho bất cứ nước nào tổ chức ngày hội thể thao hoành tráng nhất hành tinh. Việc bằng mọi giá giành giật quyền đăng cai Thế vận hội thời hiện đại thật ra cũng một phần nằm ở ý nghĩa này.


Việt bình


Bài 2: Nước đăng cai được gì?

Tin cùng chuyên mục