Bạo lực học đường - Bài 1: Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Bạo lực học đường - Bài 1: Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Tuổi thơ vốn dĩ là thời gian đầy ắp những điều kỳ diệu và sự vui vẻ nhưng thực tế đối với không ít học sinh lại hoàn toàn khác. Nhiều em là nạn nhân của nạn bạo lực học đường (school bullying) - một hiện tượng khá phổ biến tồn tại từ lâu và ngày càng phát triển trên thế giới.  

Hiện tượng phổ biến

Bạo lực học đường - Bài 1: Chuyện nhỏ mà không nhỏ ảnh 1
Bạo lực học đường khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái suy nhược

Các hành động như đánh, đá, đẩy, đấm, giật tóc, búng mũi… hay những lời nói mang tính đe dọa, mắng nhiếc, trêu chọc… là những hình thức khác nhau của cùng một hiện tượng mà không ít học sinh trên khắp thế giới phải chịu đựng trong thời gian cắp sách tới trường - nạn bạo lực học đường.

Những nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy cứ 7 phút lại có một trẻ em bị bắt nạt. Cứ 4 trẻ lại có một trẻ thừa nhận đã bị bắt nạt. Và cứ 5 trẻ, có một trẻ thừa nhận đã từng bắt nạt những trẻ khác.

Một cuộc thăm dò thực hiện ở trẻ có độ tuổi 12-17 cho kết quả các em đều thừa nhận bạo lực đang gia tăng ở trường học của mình.

Mỗi tháng, có 282.000 học sinh ở các trường trung học cơ sở Mỹ bị tấn công. Còn theo các nghiên cứu thực hiện ở châu Âu, bạo lực học đường xảy ra thường xuyên ở trường tiểu học, liên quan tới khoảng 15% số học sinh.

Ở trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh bị bắt nạt là từ 3% - 10%, với mức độ cao đột biến ở độ tuổi 13 - 14, khi các em học sinh bắt đầu tuổi dậy thì. Đến cấp trung học phổ thông, nạn bạo lực học đường bắt đầu có xu hướng giảm đi.

Ở Anh, những nghiên cứu mới nhất được thực hiện từ năm 2005 cho thấy hơn 60% học sinh London tin rằng bạo lực diễn ra nghiêm trọng trong lớp các em. Có tới 2/3 học sinh thừa nhận đã quấy rối bạn học của mình. Nạn bạo lực học đường nghiêm trọng tới mức số học sinh bị các trường đuổi học đã tăng 14% năm 2005.

Những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ viễn thông, nạn “khủng bố” qua điện thoại di động và Internet cũng gia tăng. Tại Anh, có tới 1/5 số học sinh cho biết thường xuyên phải nhận thư điện tử hoặc các tin nhắn ác ý qua điện thoại di động. Tại Mỹ, nghiên cứu của Hội đồng phòng chống tội phạm quốc gia (NCPC) khẳng định 43% học sinh cả nam lẫn nữ thuộc độ tuổi từ 13-17 tuổi từng bị dọa nạt hoặc chế giễu trên Internet.

Thủ phạm và nạn nhân tiềm năng

Dựa trên những nghiên cứu thực hiện ở Na Uy, nhà tâm lý học Dan Olweus cho rằng thủ phạm của các vụ bạo lực học đường thường có nhu cầu rất lớn được thể hiện mình là người có khả năng thống trị, là “đàn anh” trong mắt những đứa trẻ khác.

Thường thì thủ phạm có ngoại hình khỏe hơn những đứa trẻ khác nhưng lại có kết quả học tập tương đối thấp. Những trẻ này thường xuất thân từ những gia đình ít có điều kiện vật chất hoặc các gia đình bất ổn, nhiều bạo lực và độc đoán. Ở đó, những người cha, người mẹ thiếu tình yêu thương và luôn sử dụng bạo lực đã tác động mạnh đến suy nghĩ và hành động của con trẻ.

Theo Dan Olweus, đôi khi bạo lực do một nhóm học sinh gây ra. Thường thì nhóm này do một hoặc một vài “thủ lĩnh” đứng đầu. Ngoài những thủ lĩnh này, các học sinh khác thường bị lôi kéo, chỉ hành động theo tâm lý đám đông.

Trong khi đó, nạn nhân của bạo lực học đường thường là một học sinh khuyết tật hoặc có sự khác biệt về hình thể (sắc tộc, màu da, cân nặng) hoặc những khác biệt về xã hội (giàu có, nghèo khó, cha mẹ làm một nghề nghiệp nào đó đặc biệt).

Các em học sinh có xu hướng sống khép mình, ít bạn bè càng dễ trở thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường. Theo một nghiên cứu của Adrienne Katz và các đồng nghiệp được thực hiện ở Anh công bố năm 2001, có đến 25% học sinh xuất thân từ các dân tộc thiểu số là nạn nhân của nạn bạo lực học đường, so với mức trung bình là 12% - 13%.

Có phải “trò chơi con trẻ”?

Những sự việc nhỏ nhặt như bị ăn cắp giày trong phòng thay đồ tập thể dục, cặp xách bị biến thành quả bóng đá của lũ bạn… đôi khi chỉ được người lớn và các thầy cô giáo coi là trò chơi của con trẻ, không để ý đúng mức.

Tuy nhiên, khi lặp đi lặp lại với cùng một nạn nhân, những hành động tưởng như nhỏ nhặt đó lại có thể tạo ra những hậu quả nguy hiểm. Hậu quả đầu tiên là những trẻ bị bắt nạt thường sợ tới trường.

Tại Anh, mỗi ngày có khoảng 20.000 học sinh bị dọa nạt, sợ đến nỗi không dám tới trường. Tại Mỹ, Hiệp hội Y tế Mỹ ước tính có 160.00 trẻ từ chối đến trường mỗi ngày vì sợ bị bắt nạt. Những thống kê khác ở Mỹ cho thấy do lo sợ bị bắt nạt, có tới 8% học sinh nghỉ học ít nhất một ngày/tháng; 43% học sinh khẳng định sợ bị bắt nạt khi ở trong phòng thay đồ của trường học.

 Về lâu dài, hậu quả của nạn bạo lực học đường có thể nghiêm trọng hơn. Những trẻ là nạn nhân của nạn bạo lực học đường thường dễ mắc các chứng như suy nhược, lo âu, sự tự tin và sức khỏe tinh thần suy yếu. Nhiều nạn nhân nghĩ tới việc tự tử như một giải pháp để thoát khỏi nạn bạo lực học đường.

Một nghiên cứu do nhà nghiên cứu Mottot Florence thực hiện ở châu Âu, đăng trên tạp chí Sciences Humaines của Pháp (số tháng 2/2008) khẳng định có đến 61% nạn nhân của bạo lực học đường có ý định tự tử. Còn theo số liệu của tòa khám nghiệm y lý bang Victoria (Mỹ) năm 2007, có tới 40% nạn nhân các vụ tự tử từng là đối tượng của nạn bạo lực học đường.

Đối với một số em, những di chứng của một thời thơ ấu bị bắt nạt còn kéo dài cho tới khi trưởng thành. Thậm chí, do nỗi ám ảnh của nạn bạo lực học đường, một số nạn nhân sau này đã trở thành thủ phạm của chính các hành động bạo lực tại trường học.

Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Catherine Blaya thuộc Đại học Bordeaux 2 (Pháp), khoảng 20% - 46% nạn nhân của các vụ bạo lực học đường đã tái diễn chính những hành động bạo lực mà các em từng phải chịu đựng nhằm vào các nạn nhân khác.

Hà Vy (tổng hợp)
(SGGP 12G)

>>Bài 2: Không để chuyện con trẻ hủy hoại tương lai 

Tin cùng chuyên mục