Bạo lực học đường. Bài 2: Không để chuyện con trẻ hủy hoại tương lai

Các hình thức khác nhau của nạn bạo lực học đường đang ngày ngày hủy hoại tương lai của không ít học sinh. Hiện nay, chống bạo lực học đường không còn là chuyện của riêng giới trẻ, mỗi gia đình hay của ngành giáo dục, mà cần sự tham gia của cả xã hội.
Bạo lực học đường. Bài 2: Không để chuyện con trẻ hủy hoại tương lai

Các hình thức khác nhau của nạn bạo lực học đường đang ngày ngày hủy hoại tương lai của không ít học sinh. Hiện nay, chống bạo lực học đường không còn là chuyện của riêng giới trẻ, mỗi gia đình hay của ngành giáo dục, mà cần sự tham gia của cả xã hội.

Triết lý của người Maori

Nhiều trường học ở Anh khẳng định đã tìm ra giải pháp cho vấn đề bạo lực học đường, lấy cảm hứng từ cách làm của dân tộc Maori ở New Zealand. Những gì diễn ra với bộ ba Olivia, Amy và Tammy là một ví dụ. Đến Trường Tiểu học Bell Lane (phía Bắc London) vào thời điểm hiện nay, có thể bắt gặp 3 bé gái 11 tuổi này tay trong tay chơi đùa thân thiết với nhau. Nhưng cách đây 1 năm, các em là những kẻ thù “không đội trời chung” trong một cuộc chiến bất tận. Mỗi ngày, Tammy về nhà “nước mắt lưng tròng” vì bị Olivia và Amy “khủng bố”.

Bạo lực học đường. Bài 2: Không để chuyện con trẻ hủy hoại tương lai ảnh 1

Cha mẹ cần biết chia sẻ và khuyến khích sự tự tin của con trẻ.

Biết sự việc nhưng thay vì trừng phạt Olivia và Amy, ban giám hiệu Trường Bell Lane đã họp 3 nữ học sinh và cha mẹ các em để các bên liên quan hiểu rõ những gì đang thực sự xảy ra. Tammy và mẹ của em giải thích cho các bạn Olivia và Amy rằng cuộc xung đột ở trường học đã khiến cuộc sống của em trở thành ác mộng như thế nào. Cả Olivia và Amy không tin vào tai mình nữa, bởi thực sự các em cũng không muốn bạn mình phải khổ sở đến vậy. Kết thúc buổi họp, Olivia và Amy đều hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến.

Triết lý của dân tộc Maori này đang ngày càng được phổ biến ở các trường học của Anh. Nhiều nhân vật nổi tiếng như tổng giám mục Rowan Williams và phu nhân cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, bà Cherie Booth hết lòng ủng hộ. Hiện nay, khoảng 1/3 các hội đồng trường học ở Anh tổ chức đào tạo về cách giải quyết bạo lực học đường này. Một số trường ở Canada cũng đã áp dụng triết lý của người Maori trong việc giải quyết xung đột giữa các học sinh.

Bế tắc muôn thủa

Tuy nhiên, không phải lúc nào các cuộc xung đột giữa các học sinh cũng được nhà trường giải quyết, đặc biệt là khi các nạn nhân thường cố giấu những gì xảy ra với các em. Trong một nghiên cứu công bố năm 2004, các tác giả James D. Unnever và Cornell Dewey cho biết có tới 1/4 số trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường không hề nói với bất kỳ ai và 40% không nói với một người lớn nào. Các nghiên cứu mới được thực hiện ở Mỹ cũng cho thấy khi các vụ bạo lực học đường diễn ra, các nạn nhân chỉ âm thầm chịu đựng: Có tới 85% các trường hợp không có sự can thiệp từ bên ngoài, trong khi chỉ có 4% có sự can thiệp của người lớn và 11% nhờ sự can thiệp của bạn bè.

Liên quan đến bạo lực học đường qua Internet, số liệu của Hội đồng phòng chống tội phạm quốc gia (NCPC) cũng đáng báo động: Có tới 40% học sinh là nạn nhân của những hành động dọa nạt qua Internet hoặc điện thoại di động nhưng chỉ có 10% thổ lộ với cha mẹ mình. Cứ 9 nạn nhân, có 1 em khẳng định biết ai đứng đằng sau những thông điệp gửi cho mình nhưng không dám tố cáo.
 Cũng vì nỗi lo sợ bị dọa nạt, rất nhiều học sinh đã lựa chọn cách tự vệ. Các thống kê ở Mỹ cho thấy có khoảng 100.000 học sinh mang súng tới trường. 1/3 số học sinh được hỏi nói rằng các em từng nghe thấy một học sinh khác đe dọa giết ai đó và 1/5 số học sinh biết có học sinh mang súng tới trường…

Trách nhiệm của toàn xã hội

Tại Mỹ, hơn 25 bang đã thông qua luật chống nạn bạo lực học đường tại các trường công. Mặc dù vậy, nhà trường không phải lúc nào cũng có khả năng giám sát từng học sinh, đó là chưa kể những thiếu hụt về tài chính và nhân sự.

Chính vì thế, cha mẹ học sinh - những người gần gũi con trẻ nhất - phải tham gia tích cực. Các nhà tâm lý đã chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy con trẻ đang bị dọa nạt ở trường học như: Quần áo hoặc đồ dùng cá nhân của trẻ bị hư hỏng hoặc mất; trẻ có những vết thâm tím hoặc những vết thương không giải thích được; có ít bạn; không muốn đến trường; kết quả học tập kém; trẻ kêu đau đầu, đau bụng; biếng ăn và biếng ngủ… Sau khi phát hiện con cái bị dọa nạt ở trường, cha mẹ học sinh cần gặp thầy cô giáo, thậm chí là nhờ sự hỗ trợ của hội phụ huynh học sinh để giải quyết vấn đề. Khi mọi giải pháp đều thất bại, cách làm có phần tiêu cực nhưng cần thiết là chuyển trường cho con.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất là thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa nạn bạo lực học đường. Biện pháp phòng ngừa cần sự tham gia của toàn xã hội. Mỗi gia đình phải là môi trường giáo dục con trẻ về tình yêu thương và sự chia sẻ; nhà trường phải là nơi giáo dục học sinh về những nguyên tắc ứng xử trong cuộc sống tập thể, biết tôn trọng những khác biệt của người xung quanh….

Hà Vy (tổng hợp)

Các chuyên gia ở Bệnh viện Mayo Clinic (Minnesota, Mỹ) đưa ra lời khuyên đối với các cha mẹ có con là nạn nhân của nạn bạo lực học đường:
° Khuyến khích con trẻ chia sẻ những điều phiền muộn. Cha mẹ phải bình tĩnh, chăm chú nghe con cái và thể hiện tình yêu thương với trẻ.
° Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về tình hình con trẻ.
° Dạy con trẻ cách ứng xử trước sự dọa nạt. Không khuyến khích việc trả thù hay chống lại kẻ dọa nạt mà thay vào đó khuyến khích trẻ bình tĩnh.
° Tiếp xúc với ban giám hiệu nhà trường. Cha mẹ nạn nhân không nên tự tiếp xúc với cha mẹ thủ phạm mà nên nói chuyện với nhà trường để có cách xử lý phù hợp.
° Khuyến khích sự tự tin của con trẻ.
° Cần biết khi nào phải nhờ tới sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn. Nếu trẻ bị dọa nạt, việc can thiệp sớm sẽ giúp tránh được những vấn đề có tác động lâu dài với trẻ như suy nhược, lo âu hoặc thiếu tự tin.

Tin liên quan:

Bạo lực học đường - Bài 1: Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Tin cùng chuyên mục