Những năm tháng không thể nào quên ( bài 1 đến bài 4)

Bài 1: Gặp lại nữ anh hùng đầu tiên trên dải Trường Sơn
Những năm tháng không thể nào quên ( bài 1 đến bài 4)

Bài 1: Gặp lại nữ anh hùng đầu tiên trên dải Trường Sơn

(SGGP-12G).- Chiến tranh đã lùi xa, những người lính “đi qua” cuộc chiến – những người đã đổ máu xương để tô thắm lá cờ tổ quốc, dù người còn người mất, nhưng kỷ niệm “Những tháng năm không thể nào quên” thì còn mãi với hậu thế. Nhân kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, SGGP xin giới thiệu với độc giả những câu chuyện cảm động, những tấm gương anh dũng của những người lính – những con người bình dị đã làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử nhưng những con người “xuyên qua” cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vẫn còn đó với thời gian, với lòng người thế hệ hôm nay và mai sau… Và trong chuyến đi công tác miền Trung vừa qua, chúng tôi đã đến thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) gặp nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) đầu tiên trên dải Trường Sơn hùng vĩ Hồ Kan Lịch, sinh năm 1943, người dân tộc Pa Kô. Trong căn nhà nhỏ, bà hồi tưởng về những năm tháng hào hùng…

Bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường

Nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch

Nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch

Hồ Kan Lịch tham gia cách mạng từ năm 1958, lúc đầu làm liên lạc với nhiệm vụ chuyển công văn, thư từ cho cán bộ, du kích trong xã. “Đi liên lạc, tận mắt chứng kiến cảnh tượng dã man khi quân thù mặc sức đàn áp, bắn giết đồng bào nên mình quyết định trốn nhà tham gia du kích Hồng Bắc vào năm 1961 với mong muốn được góp phần giết giặc, giải phóng quê hương” - nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch hồi tưởng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Kan Lịch đã lãnh đạo đội du kích Hồng Bắc gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ, trong đó, bà nhớ nhất kỷ niệm về lần đột kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường của Pháp.

Năm 1964, Hồ Kan Lịch được Quân khu Trị Thiên giao nhiệm vụ bằng mọi cách phải tổ chức đội du kích Hồng Bắc bắn rơi máy bay Mỹ. Làm thế nào để bắn rơi máy bay bằng súng trường của Pháp? Hằng tháng trời trăn trở, cuối cùng chị quyết định: “Muốn bắn rơi được máy bay địch thì phải vào tận sân bay A Lưới tập ngắm và bắn”.

Triển khai kế hoạch, Hồ Kan Lịch cùng 4 chiến sĩ trong đội du kích Hồng Bắc tổ chức vào phục sát sân bay A Lưới. Ba ngày nhịn đói, nhịn khát giữa đồi tranh nắng cháy, kiên trì mai phục, cuối cùng khi máy bay của địch cất cánh tại sân bay A Lưới chở quân lính đi càn, Hồ Kan Lịch đã dùng súng trường bắn trúng két xăng khiến máy bay bốc cháy cách nơi xuất phát khoảng 1km, 60 tên lính và một đại tá Mỹ đi trên máy bay bị tiêu diệt.

 Cùng với chiến công bắn rơi máy bay địch bằng súng trường của Pháp, chỉ tính riêng từ năm 1961-1965, Hồ Kan Lịch đã trực tiếp tiêu diệt 150 lính Mỹ - ngụy, trong đó có một đại tá Mỹ, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Với những thành tích xuất sắc trên, Đảng và Nhà nước đã tặng bà Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu AHLLVTND vào tháng 7-1967.

Từ cõi chết trở về để gặp Bác

Bác Hồ và 5 chiến sĩ anh hùng - Kan Lịch (đội nón tai bèo bên phải). Ảnh: Tư Liệu

Bác Hồ và 5 chiến sĩ anh hùng - Kan Lịch (đội nón tai bèo bên phải). Ảnh: Tư Liệu

Trung tuần tháng 5-1968, để thỏa ước mong gặp nữ anh hùng người dân tộc Pa Kô đầu tiên bắn rơi máy bay địch bằng súng trường trên dải Trường Sơn của Bác Hồ kính yêu, Quân khu Trị Thiên đã tổ chức đưa Hồ Kan Lịch ra Hà Nội.

Trên chiến trường khốc liệt không hề bị một viên đạn nhưng chuyến ra Bắc lần đầu tiên của nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch phải tạm hoãn giữa đường vì căn bệnh sốt rét ác tính.

“Nhận được tin mình đã chết vì căn bệnh sốt rét ác tính, Bộ Chính trị cử đồng chí Hoàng Văn Thái đến Bộ Tư lệnh 559 tổ chức làm lễ khâm liệm. Nhưng thật may mắn, khi đồng chí Thái đến nơi thì các bác sĩ phát hiện mạch đập của mình hoạt động trở lại sau 4 tiếng đồng hồ… Nhận được điện của đồng chí Hoàng Văn Thái báo Kan Lịch vẫn còn sống, Bác Hồ yêu cầu phải đưa ngay mình về Viện 108 điều trị”.

Nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch bồi hồi nhớ lại và tiếp tục câu chuyện trong ngấn lệ - “Sau một tháng điều trị, mình đã được gặp Bác. Lần này, Bác mời mình ăn cơm cùng với Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Trong bữa ăn, Bác nói: “Món ăn xứ Huế do đồng chí Tố Hữu nấu đấy, cháu Kan Lịch ăn nhiều vào, ăn no cho khỏe để mà đánh Mỹ”. Quá sung sướng và cảm động, mình trả lời Bác: “Bác ơi! Cháu ngắm Bác đã no rồi”.

Sau bữa cơm, mọi người quây quần quanh Bác uống nước, ăn bánh kẹo và nói chuyện. “Bác còn tặng cho mình bút viết, đài radio và ân cần dạy bảo mình từ việc chung cho đến việc riêng. Ngay cả chuyện tình cảm của mình, Bác cũng biết nên khuyên: “Cháu hãy viết thư ngay cho chú Lích (tức Hồ Văn Chiến, sau nay là chồng của AHLLVTND Hồ Kan Lịch) báo cho chú ấy và gia đình biết đã ra đây được gặp Bác, ăn cơm với Bác. Đã hứa với ai thì cháu phải chung thủy, giữ lời hứa cho trọn vẹn”, AHLLVTND Hồ Kan Lịch bồi hồi nhớ lại.

Bây giờ, nữ AHLLVTND Hồ Kan Lịch đã về nghỉ hưu sau khi trải qua nhiều cương vị nhưng khắc ghi lời Bác dạy, bà luôn nỗ lực để không chỉ trở thành một người vợ tháo vát, người mẹ, người bà tốt mà còn sống chan hòa, giúp đỡ chị em trong vùng mỗi khi họ gặp khó khăn. “Từ sau ngày được gặp Bác, đi đâu, làm gì mình cũng khắc ghi lời Bác dạy: Cháu Lịch đã làm ra anh hùng đã khó mà giữ anh hùng lại càng khó hơn. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy tác dụng của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn và dừng tại chỗ”, AHLLVTND Hồ Kan Lịch tâm niệm.

Bài 2: 11 cô gái sông Hương huyền thoại

Ngày 9-2-2009 vừa qua, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương thuộc LLVT TP. Huế đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại TP. Huế, chúng tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với hai cô gái sông Hương huyền thoại là chị Hoàng Thị Nở và chị Nguyễn Thị Hao về những chiến công xuất sắc của Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

  • Anh dũng bám địch mà đánh

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử. Ký ức lịch sử này lại càng thiêng liêng hơn với Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương lúc đó đều đang độ tuổi mười tám, đôi mươi. Với nhiệm vụ tải thương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực mở cuộc tiến công, họ đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại, có xe tăng, máy bay yểm trợ ngay giữa TP. Huế.

Bảy cô gái sông Hương còn lại sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

Bảy cô gái sông Hương còn lại sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

Trong căn nhà cấp 4 thuộc hẻm 40, đường Duy Tân, TP. Huế, chị Nguyễn Thị Hao xúc động nhớ lại: “11 đứa con gái chúng mình lấy dòng sông Hương đặt làm tên chung đều sinh ra và lớn lên tại làng nón Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày ấy, trước ngày Bộ Chính trị quyết định mở cuộc “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” khoảng hai tháng, tụi mình được các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Huế giao nhiệm vụ nắm tình hình tại các địa điểm đóng quân của địch tại TP Huế, chuẩn bị dẫn đường và tải thương khi bộ đội ta từ vùng ven đồng loạt tấn công vào thành phố. Triển khai nhiệm vụ, tụi mình vào vai con gái làng nón đưa sản phẩm làng nghề đi bán dạo cho người dân khắp khu vực phía Nam thành phố để ghi nhận tình hình”.

Đêm 11 rạng sáng ngày 12-2-1968, sau 10 ngày hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dẫn đường, tải thương giúp bộ đội ta bất ngờ mở đợt tấn công địch tại TP. Huế, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương được đồng chí Hoàng Lanh, lúc đó giữ chức Bí thư Thành ủy Huế, giao tiếp nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan đợt phản công của quân thù từ Phú Bài (huyện Hương Thủy) đổ lên TP. Huế theo QL 1A.

Trước một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ hùng mạnh, có xe tăng và máy bay yểm trợ, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương do chị Phạm Thị Liên chỉ huy gan lì sử dụng súng AK, K44, một số mìn và lựu đạn, tận dụng nhà dân dàn trận khắp các địa điểm tại khu vực phường Phú Hội và phường Xuân Phú để đánh địch.

Bốn cô gái sông Hương tham gia đánh trận đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù gồm chị Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Sau, Hoàng Thị Hết, Nguyễn Thị Diên. Dù đau lòng nhưng những người con gái sông Hương còn lại vẫn quyết tâm đánh địch và diệt được 70 lính Mỹ, 4 xe tăng, thu giữ một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch, đẩy lùi một tiểu đoàn tinh nhuệ của Mỹ có vũ khí hiện đại và máy bay, xe tăng yểm trợ phải rút khỏi TP. Huế, tạo điều kiện cho quân ta làm chủ TP. Huế trong 25 ngày đêm liên tục của đợt tập kích đầu tiên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

  • Giữ mãi một huyền thoại

Với chiến công hiển hách ấy, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương thuộc LLVT TP. Huế đã vinh dự được Bác Hồ tặng bài thơ khen ngợi chiến công: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định dựng bia tưởng niệm chiến công và sự hy sinh anh dũng của các cô gái sông Hương tại phường Xuân Phú - địa điểm gắn với chiến công của họ 41 năm về trước. Đặc biệt, ngày 9-2-2009 vừa qua, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương lại vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Không thỏa mãn với chiến công, sau ngày vinh dự được Bác Hồ tặng thơ khen ngợi, những cô gái sông Hương còn lại vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu trên khắp chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa. Sau ngày đó có 2 người tiếp tục ngã xuống - Đỗ Thị Cúc hy sinh năm 1969, Phạm Thị Liên hy sinh năm 1972. Năm 1975, năm người còn lại của Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương huyền thoại bước ra khỏi cuộc chiến tranh cùng dân tộc trở về với cuộc sống đời thường. Dù ở đâu, làm gì họ cũng nỗ lực vượt lên số phận để giữ mãi hình ảnh tuyệt vời 11 cô gái sông Hương huyền thoại ngày ấy và bây giờ.

Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương hiện giờ chỉ còn 5 người gồm chị Hoàng Thị Nở, chị Nguyễn Thị Hao, chị Nguyễn Thị Hợi, chị Chế Thị Mừng (đều sống ở Huế) và chị Nguyễn Thị Xê (sống tại Ninh Bình). Tất cả đều đã bước sang tuổi 60.

Bài 3: Người anh hùng bên dòng Thạch Hãn 

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đã có mặt bên dòng Thạch Hãn - Quảng Trị để ghi lại những chiến công của bao lớp cha anh trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Trong vô vàn chiến công ấy, có câu chuyện của người chiến sĩ an ninh hoạt động sâu trong nội thành Thành Cổ và lập nhiều chiến công.

Người chiến sĩ an ninh

Bằng chất giọng Quảng Trị đặc sệt, ông Trần Hữu Thủy (bạn bè thường hay gọi ông là người chiến sĩ an ninh Thành Cổ) nói: “Chuyện của tui thì có chi mà kể, thấm vào đâu so với những chiến công của anh em đồng đội”. Nói vậy nhưng rồi chúng tôi cũng được nghe ông kể...

Năm 1963, ông Thủy vừa tròn 20 tuổi, cũng là lúc ông tham gia hoạt động dân quân du kích xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Một năm sau, ông được cấp trên rút lên đơn vị an ninh thị xã Quảng Trị (đơn vị an ninh Quảng Hà lúc bấy giờ). Đầu năm 1964, ông bắt đầu trà trộn vào phong trào sinh viên, học sinh chống lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy rồi bí mật nắm bắt hoạt động của bọn ác ôn, báo cho cơ sở để tiêu diệt.

Ông Thủy đang chăm sóc người vợ trong những ngày đau ốm cuối đời

Ông Thủy đang chăm sóc người vợ trong những ngày
đau ốm cuối đời

Ông bảo, suốt mấy mươi năm qua, câu chuyện về cuộc đời hoạt động an ninh trong nội thành Thành Cổ là chuyện không bao giờ ông quên được.

Năm 1967, sau khi đã qua được rất nhiều trạm canh gác của địch, đi sâu vào nội thành Thành Cổ, ông bất ngờ gặp một chiếc xe chở lính ngụy chạy qua, bỗng trên xe có tiếng hét lớn: “Thằng Thủy! Thằng Thủy! Mày ở đâu ra đấy?”. Chưa kịp hiểu chuyện gì, tui nghe tiếp: "Nghe bảo mày theo Việt cộng vào rừng sao giờ lại ăn mặc thế kia?. Đến lúc đó, tui mới nhận ra đó là thằng Quang, thằng Vinh, thằng Đính - bạn học hồi cấp 3, đi lính ngụy mấy năm nay”.

Ông Thủy kể tiếp, “Chiếc xe dừng lại trước mặt, tui nghĩ là mình chết chắc rồi! Lúc ấy nếu chạy thì sẽ lộ và không hoàn thành nhiệm vụ, còn nổ súng thì đây là một cuộc chiến không cân sức vì lúc đó chúng rất đông. Vừa kịp trấn an tinh thần thì họ nhảy xuống xe tiến lại gần… bắt tay và bảo “mày oai hơn bọn tao nhiều”.

Thì ra, lúc đó tui đã cải trang thành lính dù của Mỹ - ngụy (lính dù là lực lượng quân tinh nhuệ, có uy tín trong hàng ngũ quân địch lúc bấy giờ tại Thành Cổ, chúng sẵn sàng bắn bất cứ ai có hành vi gọi là xúc phạm mà không ai làm gì, trừ cấp trên của chúng).

Sau lần thoát chết đó, tui và đồng đội đã cung cấp thông tin chính xác để đội 10 bộ đội đặc công, bộ đội K14, lực lượng biệt động Quảng Hà đánh sâu vào nội thành Thành Cổ, giải thoát 260 tù chính trị vào tối ngày 5 và rạng sáng ngày 6-5-1967.

Sau chiến công ấy, anh em chúng tôi phải tạm lùi về tuyến sau hoạt động một thời gian. Đến năm 1971-1972, quân Mỹ - ngụy đẩy mạnh xâm chiếm vùng giải phóng nhằm đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi các khu dân cư và vùng giáp ranh, cấp trên quyết định đưa chúng tôi (tổ hoạt động an ninh gồm 3 người) trở lại vùng nội thành Thành Cổ để liên lạc nắm bắt thông tin.

Tui được lệnh bằng mọi giá phải đột nhập vào sâu nắm thông tin để chuẩn bị cho bộ đội thực hiện chiến dịch tấn công vào Thành Cổ (trận 81 ngày đêm Thành Cổ đỏ lửa) vì lúc đó tui là người nắm rất rõ ngõ ngách của Thành Cổ, nếu có sự cố gì tui cũng dễ dàng thoát thân hơn các anh em khác. Và trong trận chiến ấy tui đã bị trúng bom B-52 của địch nên được đưa về tuyến sau để cấp cứu”.

Ở lại Thành Cổ để tri ân đồng đội

Hòa bình lập lại, ông Thủy cùng vợ (cũng là bộ đội thuộc bộ phận Cơ yếu An ninh Cục miền Nam) và 4 người con chọn mảnh đất Thành Cổ để sinh sống. Đến năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông tâm sự, sở dĩ ông chọn ở lại Thành Cổ bởi từ trong sâu thẳm, ông thấy mình phải có trách nhiệm với những người đã hy sinh để mình được sống. Hằng ngày, ông thắp những nén hương lên từng thửa đất Thành Cổ để tri ân đồng đội đã chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất này. Và thêm một nguyên nhân nữa, ông muốn ở lại Thành Cổ để làm một nhân chứng sống về tội ác của Mỹ - ngụy…

 Vừa qua, nhân chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh miền Trung, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ghé thăm và tặng quà gia đình ông Trần Hữu Thủy. Tại đây, Tổng Bí thư đã ghi nhận những chiến công mà ông Thủy cống hiến cho cách mạng để giải phóng dân tộc là vô cùng lớn lao.

Bà Nguyễn Thị Hoa, một lão thành cách mạng ở khu phố 3, thị xã Quảng Trị, cho biết: “Sau ngày giải phóng đến nay, ngày nào tui cũng thấy ông Thủy vào Thành Cổ, ra bờ sông Thạch Hãn lặng lẽ thắp hương, “nói chuyện” với đồng đội. Suốt mấy mươi năm qua ông vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn ở Hội Cựu chiến binh thị xã. Không những thế, ông còn thường xuyên làm công tác khuyến học cho con em có hoàn cảnh khó khăn từ đồng lương thương binh hạng 2 ít ỏi (khoảng 1,5 triệu đồng/tháng) của mình”.

 Cả cuộc đời gắn bỏ và cống hiến với mảnh đất Thành Cổ là vậy nhưng số phận gia đình ông lại không may mắn. Ông có 4 người con, trong đó 1 người bị nhiễm chất độc dioxin và vợ của ông hiện lâm bệnh hiểm nghèo... Ông Thủy tâm sự: “Mong muốn lớn nhất cuộc đời tui đến lúc này là làm sao để thế hệ con cháu hôm nay biết nhiều hơn về cuộc chiến mà cha ông đã phải đổ máu mới có được. Để rồi mai đây, khi những người thuộc thế hệ như tui không còn nữa sẽ có thế hệ kế tiếp thắp lên Thành Cổ những nén hương tri ân đến các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập của nước nhà”.

Vũ Văn Thắng

Bài 4: “Đội nghĩa tình” trên đồi Bến Tắt

Nơi đó, mồ hôi và tấm lòng của những người làm công tác quản trang đã hòa cùng 10.263 ngôi mộ. Đó là những thanh niên nguyện hiến dâng sức trẻ và có cả những người lính suốt mấy mươi năm nay vẫn thầm lặng cống hiến trọn tuổi xuân. Họ là những nhân viên thuộc Ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn…

Ấm lòng người yên nghỉ

Từ trên cao của tượng đài chính, chúng tôi nhìn xuống các khu mộ nằm lẩn khuất sau những rặng thông xanh rờn rất sạch sẽ, uy nghiêm mà cảm thấy thật ấm lòng. Anh Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh nghĩa trang, kể về những công việc và ân tình mà tất cả mọi người trong ban quản trang đã gắn bó bấy lâu nay.

Quản trang Nguyễn Thị Bé (người đứng) cùng thân nhân liệt sĩ thắp hương tại nghĩa trang Trường Sơn.

Quản trang Nguyễn Thị Bé (người đứng) cùng thân nhân liệt sĩ thắp hương tại nghĩa trang Trường Sơn.

Ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn có 20 người, công việc của họ mỗi ngày là đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước, tổ chức cho du khách xem phim về con đường Trường Sơn những tháng ngày khốc liệt, phục vụ làm lễ viếng ở Nhà khánh tiết, dẫn đường vào Đài tưởng niệm, đi xuống các khu mộ, chăm sóc cây cảnh, làm vệ sinh toàn bộ 39,8ha và bảo vệ khu nghĩa trang.

Cứ mỗi năm một lần họ lại cọ sạch rong rêu trên 10.263 bia mộ, thay cát cho từng ấy bát hương. Mỗi người một việc nhưng tất cả đều chung một tâm niệm là để các liệt sĩ an lòng, để người dân đến đây thăm viếng cảm thấy sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với các anh.

Trong số 20 nhân viên Ban quản trang, chị Nguyễn Thị Bé là người gắn bó lâu nhất với 30 năm lặng lẽ cống hiến. Chị Bé sinh ra tại một thôn nghèo của huyện Triệu Phong. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, bom đạn xé nát từng tấc đất quê hương, chị đã trốn gia đình tham gia bộ đội.

Sau ngày đất nước thống nhất, như một món nợ ân tình, chị tình nguyện xin về công tác tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đó là một ngày giữa tháng 10-1979, lúc ấy chị mới tròn 22 tuổi. Ngày đó, chị chỉ nghĩ đến điều thiêng liêng nhất là chăm sóc, hương hỏa cho những đồng chí, đồng đội của mình đã nằm xuống dọc đường Trương Sơn, mặc cho nghĩa trang rộng gần 40ha nằm giữa đồi thông vắng lặng.

Thời gian đầu mới nhận công việc, nghĩa trang chưa được xây dựng và quy hoạch hoàn thiện, lại nằm trên ngọn đồi thông bát ngát, chị cũng cảm thấy lo ngại nhưng chị biết công việc lúc này đòi hỏi sự quyết tâm, lòng hy sinh thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công việc thường ngày vốn đã khó khăn, đến khi có gia đình chị lại gánh thêm bội phần công việc.

Chồng của chị là một thương binh, khi trở về với cuộc sống chẳng giúp được gì cho chị nhiều, thế nhưng không một ngày nào chị vắng mặt ở nghĩa trang. Chị đều đặn nhặt từng chiếc lá, lau chùi sạch sẽ trên từng tấm bia, ngôi mộ. Suốt 30 năm nay chị vẫn gắn bó với nghĩa trang, cái cảm giác các đồng chí, đồng đội hy sinh được yên nghỉ trên một nghĩa trang sạch sẽ, uy nghiêm làm cho chị có thêm động lực và thêm yêu công việc của mình.

Những thế hệ tiếp nối

Với anh Hồ Tất Ái, những tưởng đến với công việc quản trang chỉ là nhất thời, thế nhưng sau 10 năm anh cảm thấy đây là cơ duyên của mình. Quê ở Đông Thanh - Đông Hà, trước kia anh Ái đi bộ đội rồi phục viên, trải qua biết bao công việc, anh được phân công về nghĩa trang Trường Sơn và làm việc cho đến hôm nay.

Hằng ngày, anh Ái và những người trong Ban quản trang chăm sóc từng phần mộ, đón tiếp biết bao tấm lòng ở mọi miền gần xa về tri ân các anh hùng liệt sĩ, đón thân nhân liệt sĩ về đây thăm viếng. Có nhiều thân nhân liệt sĩ ở xa không đến viếng thường xuyên được thì nhờ Ban quản trang thay mặt họ ngày ngày thắp hương, dâng lễ.

Cùng với những người lính năm xưa đã gắn bó mấy chục năm với nghĩa trang, còn có những thanh niên trẻ tuổi nguyện hiến dâng sức trẻ để góp phần chăm sóc, hương khói cho các anh hùng liệt sĩ. Năm 2002, Ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn tiếp nhận thêm 7 người vào làm việc. Hoàng Kim Hải là một trong số đó.

Cùng thế hệ với Hải, Hoàng Đức Hùng, quê ở Vĩnh Linh cũng chọn cho mình công việc tại nghĩa trang ngay từ khi mới ra trường. Với quá trình phấn đấu không ngừng, vừa qua, Hải và Hùng đã chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng, 5 nhân viên còn lại cũng được đi học lớp đối tượng Đảng. Nhờ những thế hệ nối tiếp không mệt mỏi như thể, suốt những năm qua, phòng truyền thống của Ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn càng dày thêm những tấm bằng khen, giấy khen của các cấp từ T.Ư. đến địa phương.

Ông Hoàng Văn Hùng, quê ở Vĩnh Phúc, có thân nhân là liệt sĩ tại đây tâm sự: “Chúng tôi thật xúc động khi tận mắt chứng kiến công việc của các quản trang. Thật ấm lòng khi mà người thân của chúng tôi được các anh chị chăm sóc, tri ân một cách chu đáo…”.

Bài 5: Người vẽ mô phỏng hàng rào điện tử McNamara

Hoàng Anh - Văn Tú

Tin cùng chuyên mục