WikiLeaks và 10 tiết lộ chấn động thế giới

Theo tờ Wall Streer Journal, mỗi năm, WikiLeaks cần đến 200.000 USD để duy trì hoạt động của mình. Số tiền này chỉ đủ trang trải các khoản phí để sử dụng dịch vụ mạng Internet, phí lưu trữ thông tin, bảo trì và nâng cấp phần cứng… Với 5 nhân viên làm việc chính thức, việc thanh toán lương cũng là vấn đề mà nhà sáng lập WikiLeaks cân nhắc. Nếu tính toán chính xác, chi phí cần thiết để duy trì hoạt động của trang web này cũng như trang trải những chi phí về nhân sự thì WikiLeaks cần đến 600.000 EUR (khoảng 837.000 USD). Hiện nay, WikiLeaks đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động của trang web này nhưng không phải ai cũng sẵn lòng. Quỹ Wau Holland của Đức đang là tổ chức cung cấp tiền hỗ trợ hoạt động đều đặn nhất cho WikiLeaks. Đến nay, Wau Holland đã hỗ trợ WikiLeaks khoảng 64.000 USD. Tuy nhiên, danh tính của người đứng sau Wau Holland vẫn là một bí mật vì WikiLeaks muốn bảo đảm cho sự an toàn của “mạnh thường quân” này và theo luật pháp Đức, danh tính người đứng sau Wa
WikiLeaks và 10 tiết lộ chấn động thế giới

Ngày 23-10, đúng như tuyên bố đưa ra trước đó, trang WikiLeaks đã chuyển 400.000 tài liệu về cuộc chiến tranh ở Iraq đến với công chúng trên toàn thế giới. Hiệu ứng mới nhất của thông tin về cuộc chiến Iraq là LHQ đã chính thức kêu gọi Mỹ điều tra những vụ bắn giết bừa bãi, tra tấn dã man tù nhân mà lính Mỹ đã làm tại Iraq.

  • Thà giết nhầm

Ngày 5-4 vừa qua, WikiLeaks tung lên mạng một video clip cho thấy một nhóm người đang đi trên đường phố thủ đô Baghdad (Iraq) vào tháng 7-2007 thì bị 2 chiếc máy bay Apache tấn công. Trong nhóm này có phóng viên ảnh Namir Noor - Eldeen và lái xe Saeed Chmagh của Hãng tin Reuters (Mỹ). Đoạn băng dài 38 phút ghi lại hình ảnh khó tin nhưng có thật về một cuộc truy sát kinh hoàng của lính Mỹ.

WikiLeaks cho rằng việc công bố nội dung tin nhắn không xâm phạm quyền riêng tư mà chỉ là cách chia sẻ sau sự kiện ngày 11-9.
WikiLeaks cho rằng việc công bố nội dung tin nhắn không xâm phạm quyền riêng tư mà chỉ là cách chia sẻ sau sự kiện ngày 11-9.

Một người em của phóng viên Reuters bị giết trong vụ này đã chỉ trích: “Làm sao các phi công giỏi của Mỹ với các phương tiện kỹ thuật hiện đại lại không phân biệt được giữa một máy quay phim và một khẩu súng phóng tên lửa?”. Dư luận càng phẫn nộ hơn khi biết quân đội Mỹ từ chối kỷ luật những lính Mỹ trên chiếc trực thăng đó và cho rằng những người bị truy sát là quân nổi dậy Iraq và quân Mỹ đang ở trong tình thế cấp bách bị phục kích. Thế nhưng, sự thật đây chỉ là những thường dân và người của Hãng tin Reuters.

Trong đoạn băng có những tiếng hét của lính Mỹ: “Bắn chúng đi!” và “Bắn đi, bắn đi!”. Sau hàng loạt phát súng nhắm bắn chính xác, lính Mỹ đã hạ được gần hết số người trong nhóm này. Một người trong số đó cố trốn vào bãi đậu xe gần đó nhưng cũng không thoát khỏi sự truy sát. Lái xe Saeed Chmagh của Hãng tin Reuters bị thương phải bò trên đường. Đúng lúc đó, một xe tải nhỏ chở bốn người Iraq (hai người đàn ông và hai trẻ em) trờ tới định đưa nạn nhân đi cấp cứu. Trong lúc hai người đàn ông khiêng Saeed Chmagh vào xe, hai máy bay trực thăng Mỹ quay lại nã đạn khiến cả ba người chết tại chỗ. Hai trẻ em trong xe bị thương và được quân đội Mỹ đến sau đó trao trả cho cảnh sát Iraq.

  • Nhà tù Guantanamo

Cuốn sổ tay hướng dẫn “Các thủ tục điều hành tiêu chuẩn dành cho nhà tù Guantanamo” (Mỹ gọi là trại Delta) được phát cho lính Mỹ để đối xử với tù nhân ở đây được WikiLeaks công bố năm 2007. Trong quyển sổ tay này có những hướng dẫn chính thức như tù nhân có thể bị từ chối quyền được gặp Hội chữ thập đỏ, hay có thể được nhận phần thưởng đặc biệt cho thái độ hợp tác tốt và phần thưởng là một cuộn giấy vệ sinh.

Nhà tù Guantanamo.

Nhà tù Guantanamo.

  • Tiết lộ về giáo phái Khoa luận giáo

Năm 2008, WikiLeaks công bố những cuốn kinh thánh bí ẩn về Khoa luận giáo, trong đó bao gồm một số công việc nội bộ và cách hành đạo kỳ lạ gây tranh cãi của giáo phái này. Trong đó có 8 cấp bậc điều hành trong giáo phái được cho là hậu duệ của Thetans, một chủng người bị đày xuống hành tinh này 75 triệu năm trước. Thetans bậc 8 là cao nhất và mọi người theo giáo phái này phải kính trọng. Có những hướng dẫn cho môn đồ thực tập do người sáng lập giáo phái là L.Ron Hubbard soạn thảo. Các luật sư của Khoa luận giáo đã tìm mọi cách buộc WikiLeaks xóa thông tin về giáo phái này nhưng họ đã từ chối.

  • Những bức thư điện tử của cơ quan nghiên cứu khí hậu

Hơn 1.000 thư điện tử gửi qua lại trong vòng 10 năm qua giữa các nhân viên của cơ quan nghiên cứu khí hậu thuộc Khoa nghiên cứu khí hậu, Đại học East Anglia đã được một hacker lấy cắp và trao cho WikiLeaks đưa lên mạng. Những bức thư này cho thấy các nhà khoa học đã dính líu tới một trò lừa đảo nhằm ủng hộ ý kiến cho rằng sự nóng lên toàn cầu là có thật và do con người tạo ra. Một bức thư viết: “Tôi vừa hoàn thành trò lừa bịp của tạp chí Nature bằng cách thêm vào nhiệt độ thực tế cho quá trình 20 năm sau của cuộc nghiên cứu (kể từ năm 1981)”. Những tiết lộ này được xem là “vụ bê bối khoa học tồi tệ nhất của thế hệ chúng ta” và giám đốc cơ quan này là giáo sư Phil Jones đã phải từ chức sau khi những bức thư được công khai.

  • Danh sách các trang web đen của Australia

Năm ngoái Chính phủ Australia dự định đặt bức tường lửa của Australia để ngăn chặn những trang web không thích hợp. WikiLeaks đã có trong tay bản danh sách này và tung lên mạng bất chấp chính quyền cảnh báo những trang web này rất nguy hại cho cộng đồng nhất là các bậc phụ huynh vì lo ngại con em họ có thể tìm đến những địa chỉ này.

  • Báo cáo mật của công ty buôn dầu Trafigura

Năm 2009, dù Trafigura đã cố gắng chặn thông tin nhưng WikiLeaks cũng tung lên mạng một nghiên cứu về tác hại của việc đổ chất thải của công ty này ở châu Phi đối với sức khỏe con người. Bản báo cáo do nhà khoa học John Minton viết cho rằng các chất hóa học mà Trafigura dùng để làm sạch dầu tồn đọng là những loại không được công nhận và đang để lại những hợp chất chất sulphur gây nguy hại cho môi trường.

Những hợp chất này có thể gây cháy da và phổi, loét mãn tính, thiệt hại giác mạc, nôn mửa, tiêu chảy, mất ý thức và thậm chí dẫn đến cái chết cho những người tiếp xúc trực tiếp với nó. Báo Guardian sở hữu bản báo cáo và Trafigura đã kiện báo này ra tòa. Tuy nhiên, WikiLeaks cũng nhận được báo cáo và trong vòng vài giờ thông tin Guardian bị cấm đăng tải tài liệu này đã được đưa lên mạng xã hội Twitter.

  • Danh sách thành viên đảng cực hữu ở Anh

Tên tuổi, địa chỉ và nghề nghiệp của 13.500 thành viên đảng cực hữu Dân tộc Anh đã được đưa lên trang web của WikiLeaks năm 2008. Trong danh sách có tên tuổi của nhiều sĩ quan cảnh sát, quan chức cao cấp quân đội… Đảng này chủ trương chủ nghĩa dân tộc cực đoan đề cao giá trị quân đội Anh. Sau đó, ít nhất một người trong danh sách này đã bị sa thải.

  • Tài khoản email của bà Palin

Tháng 9-2008, giai đoạn các ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử của mình thì ứng viên phó Tổng thống đảng Cộng hòa Sarah Palin (Thống đốc bang Alaska khi ấy) đã gặp rắc rối từ sự cố tài khoản trên thư Yahoo! của bà bị đánh cắp. Những bức ảnh, thư từ riêng tư cùng danh sách thông tin của những ai từng liên lạc với bà Sarah Palin qua địa chỉ trên Yahoo! này của bà đều bị công bố trên WikiLeaks.

Trang này cho biết đã nhận được những thông tin trên từ một nhóm tự xưng là “Anonymous” (nặc danh). Sơ hở của bà Sarah Palin chính là sử dụng tài khoản từ Yahoo!, một địa chỉ quá thông dụng và phổ biến để trao đổi thông tin về công việc. Người quản lý chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ John McCain lúc bấy giờ là Rick Davis đã khẳng định đây là một sự xâm phạm sai trái vào đời tư của thống đốc và cũng khuyến cáo những ai có được những thông tin trên hãy nhanh chóng xóa bỏ.

  • Tin nhắn trong ngày 11-9

Tháng 11 năm ngoái, WikiLeaks công bố hơn 500.000 trang nội dung tổng hợp các tin nhắn điện thoại được gửi đi trong lãnh thổ nước Mỹ vào ngày xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử quốc gia này. Trong số đó có tin nhắn từ các quan chức liên bang, các quan chức địa phương và phần lớn tin nhắn của người dân đang trong lúc hoảng loạn. Có những tin nhắn mang tính riêng tư đã bị công bố rộng rãi như: “Anh vẫn ổn. Yêu em” và nhiều tin tương tự.

Khi những tin nhắn này xuất hiện trên trang WikiLeaks, rất nhiều ý kiến phản đối nhắm đến trang mạng này. Thế nhưng, người sáng lập Julian Assang đã lên tiếng bảo vệ “đứa con tinh thần” và cho rằng những tin nhắn chỉ nhằm tạo nên những mảnh ghép đầy đủ nhất của một bức tranh cảm xúc, một phần không thể thiếu của sự kiện lịch sử 11-9. Theo ông Julian Assang, việc công bố nội dung những tin nhắn này không có chủ ý xâm phạm thông tin cá nhân của bất cứ ai.

  • Cách tránh rò rỉ thông tin

Điều thú vị là tháng 10 năm ngoái, chính WikiLeaks – một trang web nổi tiếng với những vụ rò rỉ thông tin mật đã công bố một “cẩm nang” dạy phổ biến cách chống rò rỉ thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh. Và dĩ nhiên, “cẩm nang” này thuộc loại tài liệu mật! Trong tài liệu mang ký hiệu JSP440 có đoạn khuyến cáo Trung Quốc là quốc gia muốn chinh phục tất cả các lĩnh vực về thông tin, chính trị, quân sự, thương mại, khoa học và kỹ thuật. Vì thế, việc kiểm soát thông tin chặt chẽ đối với những quốc gia như thế càng phải được đưa lên hàng đầu. “Cẩm nang” này còn nhắc đến cánh phóng viên, nhà báo với vai trò là những người nguy hiểm, có khả năng khám phá những thông tin mật như liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, tình báo, tội phạm, các băng nhóm khủng bố…

Theo tờ Wall Streer Journal, mỗi năm, WikiLeaks cần đến 200.000 USD để duy trì hoạt động của mình. Số tiền này chỉ đủ trang trải các khoản phí để sử dụng dịch vụ mạng Internet, phí lưu trữ thông tin, bảo trì và nâng cấp phần cứng… Với 5 nhân viên làm việc chính thức, việc thanh toán lương cũng là vấn đề mà nhà sáng lập WikiLeaks cân nhắc. Nếu tính toán chính xác, chi phí cần thiết để duy trì hoạt động của trang web này cũng như trang trải những chi phí về nhân sự thì WikiLeaks cần đến 600.000 EUR (khoảng 837.000 USD). Hiện nay, WikiLeaks đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động của trang web này nhưng không phải ai cũng sẵn lòng. Quỹ Wau Holland của Đức đang là tổ chức cung cấp tiền hỗ trợ hoạt động đều đặn nhất cho WikiLeaks. Đến nay, Wau Holland đã hỗ trợ WikiLeaks khoảng 64.000 USD. Tuy nhiên, danh tính của người đứng sau Wau Holland vẫn là một bí mật vì WikiLeaks muốn bảo đảm cho sự an toàn của “mạnh thường quân” này và theo luật pháp Đức, danh tính người đứng sau Wau Holland được hoàn toàn giữ bí mật.

VIỆT KHOA - NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục