Những sản phẩm độc hại của Monsanto và Dow Chemical

Ngay sau khi Báo SGGP đăng loạt bài về cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, một số nhà nghiên cứu ở Mỹ đã gửi cho chúng tôi nhiều thông tin về những sản phẩm kinh hoàng của hai công ty hóa chất Mỹ Monsanto và Dow Chemical, hai trong số những công ty sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Những sản phẩm độc hại của Monsanto và Dow Chemical

Ngay sau khi Báo SGGP đăng loạt bài về cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, một số nhà nghiên cứu ở Mỹ đã gửi cho chúng tôi nhiều thông tin về những sản phẩm kinh hoàng của hai công ty hóa chất Mỹ Monsanto và Dow Chemical, hai trong số những công ty sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Theo trang web GM Watch, từ năm 1980 đến nay, Monsanto và Dow Chemical bị các tòa án trên thế giới và tại Mỹ xử phạt hàng chục lần vì quảng cáo dối trá, hối lộ, che giấu những nghiên cứu có hại cho cộng đồng, đổ rác thải nguy hại ra môi trường... Hai công ty hóa chất này đang có mặt ở Việt Nam.

  • Bán kèm và cỏ “con hoang”

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, có 3 giống cây trồng biến đổi gien (GM) đang được trồng rộng rãi là lúa, ngô và bông của các công ty như CP, Monsanto, Bioseed, Pacific... Riêng giống ngô DEKALB C919 và đậu nành Roundup Ready của Tập đoàn Monsanto đã có mặt tại Việt Nam trên 10 năm nay.

Tuy nhiên, vì chuyển đổi gien, các giống ngô DEKALB C919 và giống đậu nành Roundup Ready chỉ trồng được một lần và trên thực tế, các hạt giống GM mang tính năng đặc biệt của riêng công ty cung ứng. Chẳng hạn, đậu nành Roundup Ready của Monsanto chỉ sống được nếu dùng kèm thuốc diệt cỏ Roundup của nhà sản xuất Monsanto!

Cánh đồng đậu nành dùng thuốc diệt cỏ Roundup

Cánh đồng đậu nành dùng thuốc diệt cỏ Roundup

Năm 1970, Monsanto đã nghiên cứu hóa chất diệt cỏ dại glyphosate có tên thương mại “Roundup”. Tuy nhiên, ngay tại thị trường Mỹ, Roundup cũng “lên bờ xuống ruộng” khi vấp phải hàng loạt các cuộc điều tra và phản đối từ giới khoa học cũng như nông dân.

Các nhà khoa học đã chứng minh glyphosate có liên quan đến bệnh ung thư bạch cầu và làm chết tế bào gốc của con người vì nó tồn tại trong sản phẩm nông nghiệp 5 tháng sau khi được phun xịt trên cánh đồng. Năm 1996, Tổng chưởng lý New York đã phạt công ty 50.000USD vì tuyên bố dối trá rằng Roundup tự phân hủy và tốt cho môi trường.

Còn theo tiến sĩ Mae-Wan-Ho, nhà sinh học nổi tiếng của Viện Khoa học Luân Đôn, các công ty của Mỹ, như Monsanto chẳng hạn, đã cấy vào các hạt giống những thành phần chịu được các chất diệt cỏ nhờ công thức không phản ứng với glyphosate của gien enzyme mà chất diệt cỏ nhằm vào tiêu diệt. Enzyme này phát sinh từ một vi khuẩn trong đất, gọi là agrobacterium tumefaciens. Còn khả năng kháng sâu rầy lại do một hoặc nhiều gien độc của loại vi khuẩn trong đất Bt (baccillus thuringiensis) tạo ra.

Hiện nay ở Mỹ, cây biến đổi gien đã chiếm lĩnh 85%-91% diện tích trồng 3 loại cây chính nói trên, tức xấp xỉ 692.000km². Theo tiến sĩ Ho, sau nhiều năm sử dụng liên tục các chất diệt cỏ có glyphosate, chẳng hạn loại thuốc diệt cỏ Roundup rất nổi tiếng của Monsanto, ngày nay thiên nhiên đã phản ứng lại bằng việc phát sinh “các loại cỏ cực hại” khác có khả năng kháng các chất diệt cỏ. Việc kiểm soát các loại cỏ cực hại này sẽ đòi hỏi nhiều thuốc diệt cỏ mạnh hơn hẳn.

Năm 2010, hãng truyền hình ABC đã sản xuất một phim tài liệu mới nhan đề “Những loại cỏ cực nguy hiểm không thể diệt”, trong đó các nhà nông nghiệp và khoa học ở bang Arkansas đã mô tả về sự xâm lấn các cánh đồng của các loài cỏ Amaranthus pahmeri khổng lồ, có khả năng thách thức tất cả các vụ phun thuốc diệt cỏ chứa glyphosate đang được sử dụng như Roundup.

Trong số báo ra ngày 19-10-2010, báo Le Monde có đăng bài viết với nhan đề “La mauvaise graine de Monsanto” (Hạt mầm dại của Monsanto), theo đó các nông trại ở bang Arkansas (Mỹ) cũng đặt câu hỏi về tương lai khi những cánh đồng chỉ sử dụng hạt mầm biến đổi gien Roundup Ready và thuốc trừ cỏ Roundup từ rất lâu đang bị xâm chiếm bởi cỏ dại amaranthus palmeri.

Loại cỏ này lan tràn nhanh, mỗi ngày có thể tăng trưởng đến 5cm và đạt đến chiều cao tới 2m, với hình dạng kỳ quái và những cái rễ cứng tới nỗi có thể làm gãy cả lưỡi máy cày. Loại cỏ này chịu được độ nóng cao trong thời tiết hạn hán kéo dài, sinh sản ra hàng ngàn hạt và hệ thống rễ có thể hút hết chất dinh dưỡng trong đất. Một số nhà nông đã bắt buộc phải bỏ đất của mình. Cỏ này là “con hoang” không chờ đợi của những hạt giống biến đổi gien Roundup Ready của hãng Monsanto.

Đến nay, ngoài bang Arkansas, sự xâm lấn của cỏ amaranthus palmeri ở các vùng trồng cây GM cũng đã được xác nhận ở các bang Georgia, Carolina Nam, Carolina Bắc, Tennessee, Kentucky, New Mexico, Mississipi và mới đây là ở Alabama và Missouri. Người ta cũng đã thấy hiện tượng này ở Trung Quốc, Ireland, Tây Ban Nha hay Canada.

  • Dị tật bẩm sinh - Bí mật được che giấu suốt 30 năm

Trong bài viết vừa được phát hành ngày 7-6 vừa qua, trang web của tổ chức phi chính phủ Earth Open Source tiết lộ rằng Roundup - thuốc diệt cỏ bán chạy nhất thế giới hiện nay của Monsanto - chính là một trong những nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh ở con người. Song, đau lòng thay, bí mật này đã được giấu trong suốt hơn 30 năm qua.

Những sản phẩm độc hại của Monsanto và Dow Chemical ảnh 2

Hình ảnh cỏ dại amaranthus palmeri - đứa “con hoang” của Roundup được giới thiệu trên trang Wikipedia.

Bài viết có tựa đề “Roundup and birth defects: Is the public being kept in the dark?” do một nhóm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quốc tế công bố. Bài viết kết luận ngành công nghiệp hóa chất và các nhà quản lý đã biết sự thật này từ những năm 1980 và 1990, nhưng họ không công bố rộng rãi cho công chúng.

Bài viết tiết lộ rằng, glyphosate, một thành phần hoạt chất của Roundup, là nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh cho các con vật trong phòng thí nghiệm. Ủy ban châu Âu (EC) ít nhất được biết sự thật này từ năm 2002, khi đó họ ngưng phê duyệt Roundup chứa glyphosate. Thay vì công khai, một số cơ quan chức năng đã đánh lừa công chúng bằng những dối trá về độ an toàn của glyphosate.

Chỉ mới năm ngoái, Văn phòng Bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm Liên bang Đức (BVL) còn nói với EC rằng “không có bằng chứng về sự quái thai” đối với glyphosate. Tuyên bố của BVL nhằm để bác bỏ kết luận của một nghiên cứu độc lập do các nhà khoa học người Argentina công bố trước đó chỉ ra rằng Roundup và glyphosate gây dị tật ở ếch, gà với nồng độ thấp hơn nhiều nồng độ thuốc sử dụng trên những cánh đồng trong nông nghiệp.

Cuộc nghiên cứu này được tiến hành sau khi người ta nhận được nhiều báo cáo cho thấy tỷ lệ dị tật bẩm sinh và bệnh ung thư bùng phát mạnh ở khu vực Nam Mỹ - nơi đang phát triển đậu nành biến đổi gen (GM) Roundup Ready cùng với thuốc diệt cỏ Roundup có chứa glyphosate của Monsanto. Trong một số trường hợp, những hiệu ứng này xảy ra ở liều thấp.

Từ vài năm trước, sản phẩm Roundup của Monsanto khó kiếm đất sống ở Mỹ và châu Âu, thế là Monsanto đưa loại thuốc diệt cỏ này sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trên những cánh đồng Việt Nam hiện nay, ngoài loại thuốc diệt cỏ Roundup có chứa các chất độc hại của Monsanto, còn có thuốc diệt cỏ và trừ bệnh lúa, xoài như Clincher Clipper, Beam, Dithane của Dow Chemical…

Claire Robinson, đồng tác giả của bài viết được NGO Earth Open Source công bố cáo buộc: “30 năm che giấu của ngành công nghiệp hóa chất và các nhà quản lý đã đẩy công chúng vào vòng nguy hiểm. Roundup không chỉ được nông dân sử dụng trên những cánh đồng mà còn được những người làm vườn đưa vào trong vườn cây sân trường hay những nơi công cộng, một phần vì những “đảm bảo dối trá” về sự an toàn của loại thuốc diệt cỏ này”.

Báo cáo trên được đưa ra chỉ vài tháng sau khi một số nhà nghiên cứu Mỹ cũng phát hiện những vụ mùa biến đổi gien có sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup có chứa vi khuẩn pathogen có thể gây sẩy thai ở động vật.

Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack, Don Huber, nhà nghiên cứu bệnh học thực vật, cựu giáo sư của ĐH Purdue (Mỹ), đã cảnh báo Roundup - loại thuốc diệt cỏ được dùng phổ biến ở Mỹ và trên toàn thế giới, có thể sản sinh ra “một mầm bệnh siêu nhỏ có thể gây bệnh cho chính cây trồng, vật nuôi và cả con người”.

Theo ông, mầm mống loại bệnh này liên quan đến việc sử dụng glyphosate, thành phần chủ yếu của Roundup. Mầm bệnh được tìm thấy với mật độ cao ở đậu và ngô Roundup Ready, loại ngũ cốc được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Các thử nghiệm khoa học cũng chỉ ra sự hiện diện của những sinh vật này trong lợn, trâu bò và các loại vật nuôi bị bệnh khác.

Huber viết: “Tôi tin rằng chúng ta đang đối mặt với mối đe dọa độc nhất và vô cùng nguy hiểm. Bệnh này cần được coi là trường hợp khẩn cấp”.

Tất nhiên, những nhà quản lý nông nghiệp Mỹ đã phớt lờ.

XUÂN HẠNH (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Tin cùng chuyên mục