“Trò chơi chiến tranh” giữa Israel và Iran

“Trò chơi chiến tranh” giữa Israel và Iran

Cuối tháng 2, Iran gửi thư lên LHQ cáo buộc Israel ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này như một phần trong “trò chơi chiến tranh”. Các hành động này của Israel cũng như việc tăng cường đe dọa dùng sức mạnh quân sự là một phần trong trò chơi chiến tranh chống lại Iran. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong chiến lược phá hoại tổng hợp, gồm “các hoạt động bí mật, chiến tranh mạng, chiến tranh tâm lý, cũng như đe dọa tấn công quân sự...” mà Israel và phương Tây đang tiến hành chống lại Iran.

Tàu chiến Iran tập trận ở vịnh Persia.

Tàu chiến Iran tập trận ở vịnh Persia.

  • Từ chiến dịch ám sát các chuyên gia hạt nhân

Nhiều năm qua, Israel vốn đã nổi tiếng với những phi vụ bất ngờ, từ ám sát đến đánh bom các “mục tiêu” của Iran mà Israel xem là “nguy cơ”. Tháng 11-2011, Mostafa Ahmadi Roshan là nhà khoa học thứ tư liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran bị ám sát trong vòng 2 năm qua. Vụ cài bom sát hại ông Roshan cũng như 2 nhà khoa học hạt nhân trước đó đều diễn ra theo một cách thức giống nhau là ô tô của họ bị những kẻ đi xe máy lạ mặt cài bom điều khiển từ xa.

Các vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân chủ ý nhằm răn đe các nhà khoa học mới được tuyển dụng vào làm việc trong chương trình hạt nhân của Chính phủ Iran phải khiếp sợ. Ý đồ của Mỹ và Israel là thực hiện các vụ ám sát để làm chậm lại những tiến bộ trong lĩnh vực hạt nhân của Iran và “kéo dài thời gian” cho các nhà ngoại giao cũng như các nhà hoạch định chính sách.

Mới đây, dư luận cũng rất nghi ngờ có bàn tay của Israel trong 2 vụ mưu sát 2 nhà ngoại giao của Israel tại Ấn Độ và Gruzia. Israel tố cáo chính Iran và Hezbollah là thủ phạm. Một số không đồng ý, với việc các nhà phân tích Ấn Độ tỏ vẻ hoài nghi về việc này, viện dẫn tầm quan trọng của việc Iran duy trì các mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ và cho rằng Iran và Hezbollah khó có thể có đủ “tài sản” tại Ấn Độ để trợ giúp cho chiến dịch này.

Người ta cũng không loại trừ khả năng Israel đã dựng lên màn kịch này và chấp nhận “hy sinh” nhà ngoại giao (trên thực tế chỉ bị thương) vì mục tiêu lớn hơn: có cớ để tấn công Iran. Bởi cách thức tấn công rất giống với cách mà Israel đã ám sát các nhà khoa học Iran.

  • Đến chiến tranh mạng

Ngày 15-2, Iran tuyên bố vô hiệu hóa thành công virus máy tính Stuxnet tấn công máy móc thiết bị hạt nhân của nước này. Ngày 17-2, hãng tin Reuters trích lời một số quan chức Mỹ và châu Âu (yêu cầu giấu tên) xác nhận, Iran đã thành công trong việc ngăn chặn phần mềm gây hại Stuxnet từ các cơ sở công nghiệp. Họ còn cảnh báo khả năng Iran có thể sử dụng virus Stuxnet để trả đũa phương Tây thông qua mạng lưới điện toán.

Iran tuyên bố vô hiệu hóa cuộc chiến tranh mạng của phương Tây bằng virus Stuxnet.

Iran tuyên bố vô hiệu hóa cuộc chiến tranh mạng của phương Tây bằng virus Stuxnet.

Virus Stuxnet lần đầu tiên tấn công phần mềm của các khu công nghiệp Iran, trong đó nhà máy điện hạt nhân Bushehr, vào tháng 6-2010. Stuxnet xâm nhập và làm tê liệt chương trình hạt nhân của Iran và nhanh chóng được gọi bằng cái tên “siêu vũ khí chiến tranh mạng”. Đến tháng 11, các điều tra viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết, Iran đã ngừng cung cấp uranium cho các máy ly tâm ở nhà máy ở Natanz. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nhà máy này bị ảnh hưởng nặng nề. Số lượng các máy ly tâm bị giảm 23% trong khoảng thời gian từ giữa năm 2009 đến giữa năm 2010 có thể là do nguyên nhân từ vụ tấn công của virus Stuxnet. Người ta vẫn chưa biết được mức độ thiệt hại cuối cùng như thế nào, nhưng Iran hiển nhiên bị bất ngờ trước việc các hệ thống bảo vệ của họ lại có thể bị xuyên thủng, kể cả đối với những hệ thống máy tính không kết nối với Internet được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, rất khó có thể đưa ra đánh giá về mức độ chậm lại chương trình hạt nhân của Iran. Họ vẫn tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và nỗ lực quảng bá cho chương trình này. Cụ thể, mới đây Iran tuyên bố đã làm giàu urani cấp độ 20% tại Fordow và khẳng định rằng nước này đã thành công trong việc sản xuất thanh nhiên liệu cho lò phản ứng ở Arak.

  • Và đòn chiến tranh tâm lý

Song song với chiến dịch ám sát các chuyên gia hạt nhân, chiến tranh mạng, Israel và phương Tây cũng đang nỗ lực tung đòn “chiến tranh tâm lý”: đe dọa tấn công và trừng phạt kinh tế trong chiến dịch phá hoại ngầm tư tưởng của người dân Iran.

Trong vài tuần qua, Mỹ đã điều hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân đến eo biển Hormuz. Sau đó, tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tàu khu trục Cape St. George tiến đến ngoài khơi bờ biển Iran. Israel thì thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa trên bầu trời thủ đô Tel Aviv và khẳng định tất cả vũ khí đang sẵn sàng hướng về Iran.

Chính quyền Iran cũng đã phái 2 tàu chiến đến khu vực Địa Trung Hải để đề phòng đòn chiến tranh tâm lý trên có nguy cơ trở thành sự thật và thường xuyên tập trận ở vùng vịnh Persia. Không loại trừ “trò chơi chiến tranh” có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh lớn trên thế giới. 

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục