Trung Quốc - “Trái bom tài chính” sẽ phát nổ?

Hạ tuần tháng 6, ngành tài chính-ngân hàng Trung Quốc lên “cơn sốt”. Lãi suất cho vay liên ngân hàng trong một ngày có lúc lên tới gần 30%. Trước đó, vào đầu tháng, Ngân hàng đầu tư Everbright (lớn thứ 11 trên toàn quốc) tuyên bố mất khả năng thanh toán khoản nợ đáo hạn gần 1 tỷ USD. Việc chính quyền “bỏ rơi” một ngân hàng nhà nước châm ngòi cho các tin đồn chính quyền siết lại chính sách tiền tệ, và Trung Quốc có nguy cơ bị thiếu hụt tiền mặt.
Trung Quốc - “Trái bom tài chính” sẽ phát nổ?

Hạ tuần tháng 6, ngành tài chính-ngân hàng Trung Quốc lên “cơn sốt”. Lãi suất cho vay liên ngân hàng trong một ngày có lúc lên tới gần 30%. Trước đó, vào đầu tháng, Ngân hàng đầu tư Everbright (lớn thứ 11 trên toàn quốc) tuyên bố mất khả năng thanh toán khoản nợ đáo hạn gần 1 tỷ USD. Việc chính quyền “bỏ rơi” một ngân hàng nhà nước châm ngòi cho các tin đồn chính quyền siết lại chính sách tiền tệ, và Trung Quốc có nguy cơ bị thiếu hụt tiền mặt.

        Hiện tượng ngắn hạn

Trong thông cáo đề ngày 17-6 nhưng được công bố 1 tuần sau đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) khẳng định khối lượng tiền mặt của hệ thống ngân hàng nước này vẫn ở mức “hợp lý”. Trung Quốc không bị thiếu tiền mặt hay thiếu tín dụng. Vấn đề chỉ là “các khoản tín dụng không được sử dụng đúng chỗ”. Tuy nhiên sau đó, cũng định chế tài chính trung ương này đã khẳng định “sẵn sàng can thiệp trong trường hợp cần thiết” (nếu thị trường tài chính Trung Quốc bị khan hiếm tiền mặt) nhằm trấn an các nhà đầu tư. Theo các nhà phân tích, những thông tin trái ngược nhau của PBOC cho thấy Bắc Kinh còn đang lúng túng vì một bài toán nan giải: nên kiểm soát luồng tín dụng cấp cho các doanh nghiệp, tránh để thổi phồng thêm quả bóng đầu cơ (tài chính và địa ốc), hay nên bảo vệ các định chế tài chính của nhà nước, tránh để ngành ngân hàng bị sụp đổ khi kinh tế đang có dấu hiệu chững lại.

Các số liệu kinh tế Trung Quốc ngày càng u ám. Ảnh: Reuters

Các số liệu kinh tế Trung Quốc ngày càng u ám. Ảnh: Reuters

Joe Zhang, cựu chuyên gia Ngân hàng UBS, đánh giá “trái bom tài chính” có nguy cơ phát nổ tại Trung Quốc. Trong 5 năm, tín dụng ngân hàng đã tăng gấp 5 lần. Trừ một phần các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không nhận được sự hào phóng của các ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp còn lại đã quay sang hệ thống “shadow banking” (ngân hàng bóng tối). Đó là các quỹ đầu tư quốc gia, nhà cầm đồ, cơ sở cho vay lãi trên thị trường đen...

Về phần mình, PBOC cho rằng sự biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ hồi tháng 6 chỉ là hiện tượng ngắn hạn, sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Về tổng thể, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc dồi dào. Sự thay đổi thích ứng của lãi suất thị trường tiền tệ có lợi cho việc phát huy tác dụng đòn bẩy giá cả, thúc đẩy các tổ chức tiền tệ kinh doanh thận trọng, ổn định, lành mạnh, làm cho các tổ chức tài chính hỗ trợ hữu hiệu hơn nữa việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế và nâng cấp kinh tế. Trước đó, PBOC đã công bố báo cáo số liệu thống kê tài chính 6 tháng đầu năm, trong đó cho biết đến cuối tháng 6, nguồn cung tiền M2 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 1,8 điểm phần trăm so với cuối tháng 5. Theo PBOC, trong giai đoạn sắp tới, ngân hàng này sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ ổn định, lành mạnh, tổng hợp vận dụng các công cụ chính sách tiền tệ, hoàn thiện khung chính sách vĩ mô thận trọng và điều tiết tốt tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

        Nguy cơ dài hạn

Nhiều nhà quan sát cho rằng những tuyên bố “thắt chặt chính sách tiền tệ” của Bắc Kinh với mục đích “lành mạnh hóa” các hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng sẽ chỉ là những tuyên bố suông. Cốt lõi của vấn đề là các hoạt động tài chính “không chính thức” tại Trung Quốc đã chiếm tỷ trọng quá lớn. Theo thẩm định của Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ), các khoản cho vay “chợ đen” hiện tương đương 69% GDP của Trung Quốc. Khi kinh tế không còn tăng trưởng với nhịp độ thần kỳ từ 8%-10% thì các “con nợ” sẽ phải xoay xở để trả lãi suất trên 10%/tháng.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc thiếu tính thanh khoản, các ngân hàng không thể vay lẫn nhau, khiến lãi suất tăng vọt và cổ phiếu Thượng Hải mất giá nặng nề. Biến cố ấy manh nha từ cuối tháng 5, nhưng khi ngân hàng khát vốn kêu cứu nhà nước thì ban lãnh đạo Trung Quốc nhất quyết duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, tức là không bơm tiền cấp cứu ngân hàng như đã từng làm trước đây. Từ 5 năm nay, Bắc Kinh ào ạt bơm tín dụng để kích thích sản xuất khi kinh tế thế giới bị suy giảm. Dòng tín dụng trong thời gian này đã gấp đôi GDP và tăng nhanh gấp hai lần nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tức phân nửa lượng tín dụng không đóng góp cho sản xuất mà chỉ thổi lên bong bóng đầu cơ và gây lãng phí. Vì thế, Bắc Kinh không muốn can thiệp vào một yêu cầu ngắn hạn là bơm tiền cứu các ngân hàng làm ăn bất cẩn vì như thế sẽ lại duy trì tật cũ.

Đánh giá về nguy cơ dài hạn, các nhà phân tích cho rằng quy luật có vay có trả khiến Trung Quốc sẽ vào chu kỳ trả nợ, tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay nhiều nước châu Âu trước khi bị khủng hoảng. Tuy nhiên, khi lâm nạn, mỗi nước lại giải quyết một cách. Kinh tế Mỹ bị suy sụp và tài sản mất giá nặng ngay trong năm 2008 trước khi chạm đáy và lên dần. Hàn Quốc hồi năm 1998 cần Quỹ tiền tệ quốc tế cấp cứu nhưng ba năm sau đã phục hồi. Châu Âu mất 5 năm kể từ vụ khủng hoảng 2008 và đến nay chưa chạm đáy. Nhật Bản bị khủng hoảng từ năm 1990 và đến nay vẫn chưa thoát hiểm. Từ đó có thể suy ra Trung Quốc sẽ trải qua một thời đen tối khi phải trả nợ, bị mất nợ và cần cải cách từ cơ chế đến chính sách. Nhanh hay chậm, nặng hay nhẹ, có bị xáo động hay không chưa biết được, nhưng nếu họ cải cách thành công thì đà tăng trưởng của 5 năm tới không thể 9%-10%/năm như 20 năm trước hoặc 7,5% như họ dự báo cho năm nay.

Dự báo kinh tế Trung Quốc chững lại và tăng trưởng dưới 6%-7% hàng năm không còn là kịch bản xa vời. Những dấu hiệu dễ bị tổn thương đang dần tích tụ trong nền kinh tế Trung Quốc.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục