Đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong - Lợi ít, thiệt nhiều

Ngày 31-7, Hàn Quốc một lần nữa kêu gọi CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) chấp nhận đàm phán để có thể mở cửa trở lại Khu công nghiệp chung Kaesong. 6 phiên đàm phán trước đó đã diễn ra nhưng không thể quyết định ngày mở cửa trở lại khu công nghiệp này.
Đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong - Lợi ít, thiệt nhiều

Ngày 31-7, Hàn Quốc một lần nữa kêu gọi CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) chấp nhận đàm phán để có thể mở cửa trở lại Khu công nghiệp chung Kaesong. 6 phiên đàm phán trước đó đã diễn ra nhưng không thể quyết định ngày mở cửa trở lại khu công nghiệp này.

        Đôi bên đều thiệt

Thành lập từ năm 2004, Khu công nghiệp phức hợp Kaesong là kết quả của hội nghị thượng đỉnh lịch sử tổ chức năm 2000 giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Kim Jong-il nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế liên Triều. Việc Triều Tiên rút toàn bộ 53.000 lao động ở Khu công nghiệp Kaesong từ tháng 4 năm nay khiến các công ty Hàn Quốc làm ăn ở đây thiệt hại tới 935 triệu USD.

Theo Viện Nghiên cứu Peterson, về lâu dài, thiệt hại sẽ lớn hơn, có thể lên đến 5,5 tỷ USD, vì các công ty Hàn Quốc đầu tư vào khu công nghiệp này có thể bị phá sản. Đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong, Triều Tiên cũng phải trả một cái giá khá đắt khi nước này đang nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho thấy, riêng năm 2012, Triều Tiên đã thu được lợi nhuận 80 triệu USD trong khoản doanh thu trị giá 470 triệu USD từ những hàng hóa sản xuất tại khu công nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp dệt may tại Khu công nghiệp Kaesong lo ngại nếu hai bên không sớm đạt được thỏa thuận, họ sẽ không giành được các đơn đặt hàng vào cuối tháng 8, đồng nghĩa với việc không có việc làm trong nửa đầu của năm tiếp theo. Việc mở cửa các nhà máy sau thời điểm đó có thể sẽ trở nên vô nghĩa với nhiều doanh nghiệp ở Kaesong.

Doanh nghiệp Hàn Quốc rời khỏi Khu công nghiệp Kaesong.

Doanh nghiệp Hàn Quốc rời khỏi Khu công nghiệp Kaesong.

Theo Financial Times, việc Triều Tiên đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong chung với Hàn Quốc cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng đặt các vấn đề chính trị lên trên những cải cách kinh tế cần thiết. Quyết định cứng rắn của chính quyền Kim Jong-un gây “khó hiểu” cho giới chuyên gia bởi trước đó có nhiều tín hiệu cho thấy Triều Tiên đã sẵn sàng hội nhập khi liên tục phát ra tín hiệu muốn thay đổi nền kinh tế.

Trên thực tế, nền kinh tế tự cung tự cấp của Triều Tiên hiện không đủ sức đáp ứng các nhu cầu về lương thực và năng lượng của người dân. Tuy nhiên, phía Triều Tiên vẫn tỏ ra không khoan nhượng khi đánh mất “con bò sữa Kaesong”.

Theo ông Scott Snyder, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về các vấn đề Triều Tiên tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của Mỹ, việc đóng cửa Kaesong đã gửi đi một thông điệp nhiễu loạn tới các nhà đầu tư phương Tây, cho thấy Triều Tiên vẫn chưa sẵn sàng mở cửa. Bằng chứng rõ nét nhất là vào tháng 4 vừa qua, chuỗi khách sạn cao cấp Kempinski của châu Âu đã rút khỏi kế hoạch vận hành khách sạn cao 105 tầng ở Bình Nhưỡng do căng thẳng liên Triều gia tăng.

Từ khi thành lập đến nay, Kaesong hầu như bị “miễn nhiễm” trong những lúc quan hệ ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên rơi vào căng thẳng. Tuy vậy, cũng không ít lần Triều Tiên đem Kaesong ra làm lá bài mặc cả với Hàn Quốc, nhưng việc đóng cửa kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay là lần Bình Nhưỡng có hành động mạnh tay nhất. Vậy Bình Nhưỡng hy vọng vào điều gì khi quyết định ngưng hoạt động tại khu công nghiệp trên?

Wall Street Journal đặt ra 2 giả thuyết. Ở giả thuyết đầu tiên, trong những cuộc khủng hoảng trước đây, Triều Tiên thường đưa ra tất cả các kiểu đe dọa quyết liệt để làm gia tăng căng thẳng nhưng cuối cùng cũng dịu giọng sau khi đạt được những thỏa thuận về kinh tế, ngoại giao với Hàn Quốc cũng như các bên liên quan. Bởi vậy, có thể nghĩ rằng động thái lần này của Triều Tiên cũng mang mục đích tương tự là gây sức ép để dễ dàng đạt được một thỏa thuận nào đó mà nước này muốn hướng tới. Thứ hai, Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác. Một khi Bình Nhưỡng đã tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc thì đương nhiên họ không thể tiếp tục hợp tác sản xuất hàng hóa với đối tác láng giềng.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa các nhà máy trong khu công nghiệp cũng là một thông điệp mạnh mẽ mà Triều Tiên muốn gửi tới Hàn Quốc, ngụ ý “tiền chẳng có nghĩa lý gì đối với thể chế của họ và chương trình tên lửa hạt nhân cũng không phải dùng để mua bán và cũng không thể đánh đổi bằng tiền”.

        Hậu quả khó lường

Ông Go Myong-hyun, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, cho rằng Bình Nhưỡng dám đóng cửa Kaesong là do quan hệ thương mại với Trung Quốc ngày càng lớn. Theo số liệu ông Go đưa ra, thương mại Trung - Triều đã tăng lên mức 5,9 tỷ USD vào năm 2012, từ mức 3,4 tỷ USD vào năm 2010. Hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên trong các lĩnh vực giao thông, phát điện và cơ sở hạ tầng đều tập trung ở đặc khu kinh tế Rason nằm ở phía Đông Bắc của nước này. Khu Rason có quy mô lớn hơn nhiều so với Kaesong và được xem là nền móng cho các hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Triều Tiên.

Theo Open Source Center, một tổ chức cung cấp thông tin tình báo thuộc Chính phủ Mỹ, khoảng 2/3 trong số 351 liên doanh của Triều Tiên với nước ngoài là liên doanh với Trung Quốc, còn lại là các liên doanh với Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.

Ông Go nhận định có thể Bình Nhưỡng tự tin sẽ bù đắp được bất kỳ thiệt hại nào do việc đóng cửa Kaesong gây ra. Đối với hơn 50.000 công nhân mất việc, Bình Nhưỡng có thể đưa họ quay lại những đơn vị lao động quốc doanh mà họ đã làm việc trước kia. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng gần đây đang làm phương hại tới quan hệ kinh tế Trung - Triều. Dường như Trung Quốc đã mất kiên nhẫn trước thái độ dọa nạt mà Bình Nhưỡng nhằm vào Hàn Quốc và các nước đồng minh của Seoul.

Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên giảm 13,8%, còn 720 triệu USD.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục