Hướng nghiệp cho học sinh vẫn còn bị xem nhẹ

Hướng nghiệp cho học sinh vẫn còn bị xem nhẹ

Đó là nhận định của một cán bộ nhiều năm phụ trách công tác tuyển sinh ở một trường đại học tại TP.HCM. Công tác hướng nghiệp cho học sinh là rất quan trọng, tuy nhiên mỗi nơi làm một kiểu...

Nơi “khát” thông tin

Học sinh ở các vùng ngoại thành, vùng sâu vùng xa chỉ biết chọn nghề theo cảm tính, đăng ký cùng bạn bè “cho vui”. Hồng Phượng, quê Cà Mau, học viên Trường Trung cấp KTNV Phú Lâm, cho biết: “Đến gần ngày hết hạn nộp hồ sơ dự thi nhưng em chưa biết thi vào trường nào, nên theo mấy bạn đăng ký vào trường này vừa đỡ tốn kém lại  dễ xin việc. Còn thông tin về ngành học, trường lớp thì em chỉ biết qua cuốn sách Những điều cần biết về tuyển  sinh ĐH-CĐ của nhà trường.

Hướng nghiệp cho học sinh vẫn còn bị xem nhẹ ảnh 1

Nữ sinh nhưng phải học môn điện!

Ông Văn Hồng Dư với hơn 10 năm làm công tác tuyển dụng nhân sự tại một công ty truyền thông nhấn mạnh: “Nhà trường phải giúp đỡ các em định hướng đúng đắn để bước vào cuộc sống. Khi được hỏi về việc chọn nghề thì hầu như em nào cũng đều trả lời… chọn đại, hên xui về sau sẽ rõ”.

Một thực tế dễ nhận thấy là hiện nay cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy như máy tính, phòng thí nghiệm... ở một số trường ngoại thành còn thiếu thốn đã gây không ít sự cản trở về khả năng tìm tòi, sáng tạo của học sinh.

Trong buổi giao lưu cơ hội nghề nghiệp với tân sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM năm học vừa qua, một giám đốc trẻ là khách mời, phát biểu: “Đường đời được lựa chọn đúng đắn biểu hiện ở chỗ hiểu được những yêu cầu của mỗi nghề nghiệp đề ra cho con người và hiểu được năng lực từng người”.

Ở các thành phố lớn, những hình thức và phương tiện hướng nghiệp phổ biến nhất hiện nay ở các trường là tổ chức cho học sinh PTTH gặp gỡ, giao lưu với những đại biểu các nghề nghiệp và lĩnh vực lao động khác nhau.

Tổ chức những buổi học dã ngoại như tham quan các xí nghiệp, các nông trường quốc doanh cũng được lãnh đạo một số trường chú trọng đến nhưng xem ra con số này chưa nhiều. Những chuyến tham quan trong ngày hay một buổi ở các truờng đại học, cao đẳng, các trường TCCN, dạy nghề thật sự cũng chưa thấm vào đâu đối với yêu cầu về hướng nghiệp.

Hướng nghiệp: Hiệu quả chưa cao

Từ nhiều năm nay, một tiết học nghề của học sinh ở trung tâm hướng nghiệp (TTHN) chỉ được phép thu 500đ/tiết. Đề án tăng học phí của Sở GD – ĐT TPHCM trình lãnh đạo thành phố có đề cập đến học phí học nghề nhưng chưa được đồng ý.

Như vậy, với học sinh khối 8, 9 học chương trình 90 tiết thì cả khóa học học sinh chỉ đóng 45.000đ và khối 11 với chương trình 180 tiết thì mất 90.000đ/khóa. Lương cho giáo viên dạy nghề phổ thông tại trường hiện nay vẫn còn quá thấp, một tiết dạy chỉ từ 5.000-10.000đ, một số trường phải trích một phần tiền dạy thêm để bù vào cho “dễ coi”.

Một giáo viên dạy nghề tại một trường ở quận 4 cho biết: “Với đồng lương ấy thật là chưa xứng đáng với công sức mình bỏ ra nhưng đó là tình hình chung biết làm sao bây giờ”. Với mức học phí như vậy, các trường, trung tâm sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các khoản phải chi như tiền điện, tiền lương và chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Hiện nay tại một số trường THCS trên địa bàn TPHCM việc dạy nghề cho học sinh còn nhiều khó khăn. Các ngành học đều phụ thuộc vào nhân lực của trường, cơ sở vật chất... Một số địa phương như quận 1, 6, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh... đều tổ chức dạy nghề cho học sinh bằng cách chuyển các em đến trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (TTKTTH.HN) của quận. Tất nhiên, trung tâm có trang thiết bị máy móc, phương tiện hiện đại kích thích học sinh hứng thú, đam mê học nghề.

Nhiều phụ huynh có con em đang theo học nghề tại trường bức xúc: “Con tôi thích học môn vi tính nhưng nhà trường không tổ chức nên phải học bộ môn dinh dưỡng nấu ăn; con trai nhưng phải theo học nghề đan, thêu... Vậy về sau, con tôi có thể phát huy cái nghề mà mình không yêu thích ấy trong cuộc sống hàng ngày?”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân tình trạng này do nhà trường không liên kết với trung tâm kỹ thuật tổng hợp. Theo quy định công tác quản lý các lớp nghề phổ thông năm học 2006-2007 thì các trường trung học, các trung tâm GDTX cần chủ động phối hợp với trung tâm KTTH.HN để giới thiệu rộng rãi các nghề phổ thông và hướng dẫn học sinh tự nguyện đăng ký theo học. Không được ép buộc học sinh phải học nghề mà đơn vị có tổ chức tại trường.

Cũng theo văn bản này, các trung tâm phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu của chương trình dạy nghề và có đủ giáo viên chuyên môn nhưng trên thực tế, chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất chỉ là tạm bợ.

Trước thực tế này, học sinh chọn nghề theo kiểu đi “ăn giỗ”, tức trên mâm cỗ của gia chủ có món gì thì ăn món đó chứ không có quyền đòi hỏi nên hầu hết học sinh không mấy hứng thú, học cho có học.

Trần Trọng Tri

Tin cùng chuyên mục