Cần lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Tái cơ cấu hệ thống phân bổ nguồn lực và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế chính là nền tảng để giải quyết căn bệnh lạm phát cao tái diễn nhiều năm qua. Đây là vấn đề được các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam dành trọn một ngày để “mổ xẻ” tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 23-9 tại TPHCM.
Cần lộ trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Tái cơ cấu hệ thống phân bổ nguồn lực và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế chính là nền tảng để giải quyết căn bệnh lạm phát cao tái diễn nhiều năm qua. Đây là vấn đề được các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam dành trọn một ngày để “mổ xẻ” tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 23-9 tại TPHCM.

  • Tăng trưởng giảm, lạm phát cao

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2011 là năm tiếp nối và tích hợp những khó khăn của những năm trước. Biểu hiện cụ thể, tốc độ tăng trưởng giảm, từ mức trên 7% những năm trước, giảm xuống mức trên 6% từ năm 2007 và ẩn chứa những yếu tố không bền vững, kém hiệu quả…

Tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới dự báo, lạm phát năm 2011 có thể lên đến 20%. Đây là mức lạm phát cao nhất châu Á (mức lạm phát của các nước châu Á chỉ từ 5% - 6%) và đứng hàng đầu thế giới, chỉ sau Venezuela, do vậy không thể xem lạm phát bên ngoài là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát ở VN tăng. Lạm phát cao đã đẩy lãi suất lên rất cao, vượt xa mức lợi nhuận mà các DN có thể có.

Người dân giao dịch tại ngân hàng Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Người dân giao dịch tại ngân hàng Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Theo đó, vốn đầu tư nhà nước tăng mạnh, từ 115.100 tỷ đồng năm 2000 lên tới 371.300 tỷ đồng năm 2009, chiếm 40% tổng vốn đầu tư xã hội. Mức nợ công trong những năm gần đây đã đạt tới 18%/năm, trong khi hiệu quả đầu tư công thấp, thể hiện ở chỉ số ICOR vào khoảng 10-12, cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. Thâm hụt thương mại luôn ở mức cao, năm 2011 sẽ đạt khoảng 12 tỷ USD. Phương thức điều hành còn nhiều bất cập, lạm dụng các biện pháp hành chính. Mô hình tăng trưởng nền kinh tế bất cập, nhưng chậm được đổi mới.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, trong đó đặt mục tiêu rất rõ là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không đặt nặng vấn đề tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ với gói giải pháp này vẫn chưa giải quyết được những vấn đề căn cơ của căn bệnh lạm phát. Gần đây, chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu nới lỏng nên kết quả mang lại chưa cao. Nói như PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế VN), nền kinh tế đang rơi vào tình thế hết sức cấp bách nhưng cách thức điều hành vĩ mô và chống lạm phát vẫn nặng về hành chính, mang tính chữa cháy quá nhiều. Và rằng chúng ta đang chạy theo mục tiêu lạm phát động. Biểu hiện rõ nhất, từ đầu năm đến nay đã nhiều lần Quốc hội và Chính phủ phải điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát!

  • Thực thi nghiêm kỷ luật tài khóa

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, lạm phát có thể vượt tầm kiểm soát kéo theo những rủi ro vĩ mô khá lớn nếu như tính kiên định trong việc thực thi chính sách vì một lý do nào đó bị giảm sút. Trước mắt, cần tập trung thực hiện kỷ luật tài khóa, thực thi giảm thâm hụt ngân sách một cách cứng rắn theo lộ trình rõ ràng, trong đó ưu tiên kiểm soát chi, tạo điều kiện để giảm thu nhằm khoan sức dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng quan điểm trên, TS Võ Đại Lược cũng cho rằng, nếu muốn “cứu” lạm phát thì phải “hy sinh” tăng trưởng ở mức 4%, chứ không phải là 6% như hiện nay. Phải giảm các biện pháp hành chính và gia tăng các biện pháp về thị trường. Cách điều hành phải theo thông lệ quốc tế, lãi suất dương, tăng dự trữ bắt buộc. Giảm mức thu vào ngân sách, chỉ vào khoảng 20% GDP mới thực sự giảm chi công được. Bỏ lãi suất trần huy động 14% và trần cho vay 18% - 19%, thực hiện lãi suất thỏa thuận. Bỏ cho vay bằng đồng USD... Hệ quả là một số DN sẽ phá sản, nhưng đây là cơ hội để tái cơ cấu các DN. Chúng ta đang ưu tiên cho mục tiêu chống lạm phát nên không thể hạ lãi suất trong thời điểm này để “chiều lòng” DN!

  • Cần gia cố từ nền móng

Về lâu dài, hầu hết các ý kiến đều cho rằng không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng hiện đại nếu không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực, cũng không thể giảm nhập siêu chủ yếu bằng công cụ tỷ giá. Nên loại bỏ hình thức tăng trưởng dựa trên “tư duy nhiệm kỳ cộng với chủ nghĩa hình thức” thì nền kinh tế mới có thể phát triển nhanh và bền vững được. Theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nền kinh tế cần có 3 trụ cột chính, đó là thể chế kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao và kết cấu hạ tầng đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng và cải thiện dân sinh. Cần phân bổ nguồn lực dựa trên hiệu quả, vì nguồn lực là hữu hạn nhưng với cơ chế hiện nay còn dẫn đến tình trạng người có khả năng tạo ra hiệu quả cao thì không có nguồn lực và ngược lại.

 Cần xem Nghị quyết 11 của Chính phủ là một chính sách dài hạn để thực hiện chiến lược kéo giảm lạm phát, ổn định vĩ mô. Đây sẽ là tiền đề để kinh tế phát triển trong trung và dài hạn. Nếu chúng ta cứ thổi kèn xung trận (đặt nặng vấn đề tăng trưởng) sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Để thực hiện thành công, đòi hỏi tính đồng bộ, sự quyết tâm và đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Với thực trạng nền kinh tế hiện nay, nhiệm vụ tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có lộ trình và bước đi cần thiết, trước mắt cần tập trung làm nhanh 4 nhóm vấn đề, đó là cấu trúc lại đầu tư công; tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển các định chế tài chính, tín dụng phi ngân hàng; cần sửa đổi các đạo luật có liên quan để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN, trong đó ưu tiên tái cấu trúc DN nhà nước và tái cấu trúc thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa. Đã tới lúc không phải cái gì xuất khẩu được là xuất, không chạy theo kim ngạch mà phải tính toán giá trị nội địa hóa trong cơ cấu giá trị xuất khẩu và sử dụng nguồn lực.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tập trung cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng chỉ làm chức năng chính được nhà nước giao, không kinh doanh đa ngành. Cải cách DN nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa DN, những lĩnh vực không cần thiết, nhà nước nên chuyển hẳn cho tư nhân rút vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhà nước không kinh doanh kiếm lợi, chỉ nắm một số lĩnh vực làm công cụ điều tiết kinh tế như cầu, đường, điện…

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục