Đi tìm giá trị gia tăng

Thu hút thành công, nhưng...
Đi tìm giá trị gia tăng

Cả nước có 3 khu công nghệ cao (KCNC) nằm tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng với kỳ vọng sẽ là nơi thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Như mong đợi, KCNC TPHCM và Hòa Lạc (Hà Nội) đã khá thành công trong vai trò thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên để tạo giá trị gia tăng, phát triển doanh nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu… thì đây là câu chuyện không dễ. 

Một góc Khu công nghệ cao TPHCM, nơi khá thành công trong thu hút đầu tư.

Một góc Khu công nghệ cao TPHCM, nơi khá thành công trong thu hút đầu tư.

Thu hút thành công, nhưng...

Tại Hòa Lạc, đã có 68 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 52.241 tỷ đồng, trong đó 20 dự án đã đi vào hoạt động và 13 dự án đang trong quá trình xây dựng. Còn tại KCNC TPHCM, qua 10 năm thành lập, đã thu hút và cấp phép 66 dự án đầu tư với tổng vốn đạt 2.219,40 triệu USD và đến nay có 56 dự án còn hiệu lực (3 dự án sáp nhập thành 1 dự án và 13 dự án rút giấy chứng nhận đầu tư) với tổng vốn đạt 2.240,7 triệu USD, trong đó có 33 dự án FDI với vốn đầu tư 1.805,7 triệu USD và 38 dự án trong nước với vốn 435 triệu USD. Trong số này, có các nhà đầu tư thuộc các tập đoàn, công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như: Intel sản xuất, lắp ráp chipset và Jabil sản xuất linh kiện điện tử của Hoa Kỳ; Datalogic sản xuất thiết bị đọc mã vạch của Italia...

Tuy nhiên, kỳ vọng không chỉ thu hút đầu tư vào KCNC mà còn là mong ước nơi đây sẽ là nơi “chuyển giao công nghệ”, được tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại và doanh nghiệp trong nước được tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới bằng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… Nhưng xem ra, doanh nghiệp trong nước muốn “đóng góp” vào sản phẩm của các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang ở ngay trên “sân” của mình không phải là chuyện dễ. Đơn cử, Intel đã nỗ lực tìm kiếm rất nhiều doanh nghiệp Việt cung ứng các linh kiện phụ trợ cho sản phẩm của nhà máy chỉ lắp ráp chip (đóng tại quận 9, TPHCM) đã không phải là chuyện dễ dàng. Không dễ vì hầu như tập đoàn công nghệ nào cũng có những tiêu chuẩn khắt khe, dù là cái bù lon hay thùng các tông; trong khi đó doanh nghiệp trong nước đa phần sản xuất thủ công, khi nói đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng… thì gặp ngay khó khăn.

Cần nói thêm rằng, lợi ích của công nghiệp hỗ trợ là mang lại giá trị gia tăng cao và thực tế, dù là nước có nhiều điểm mạnh về xuất khẩu, nhưng nền công nghiệp hỗ trợ lại phát triển chậm nên tại các KCNC, nhà nước đầu tư “sân chơi” cho “khách chơi” là chủ yếu. Tại KCNC TPHCM, có thể thấy rõ qua 10 năm, đã thực hiện được thu hút đầu tư, lựa chọn lĩnh vực phù hợp thu hút để tiếp thu công nghệ cao, cũng như kinh nghiệm quản lý, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, tăng năng lực xuất khẩu... Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra hàng năm, Ban Quản lý KCNC TPHCM cho biết, giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 15% - 17% trên giá thành sản phẩm, phần lớn nguyên vật liệu chủ yếu được nhập khẩu.

Kỳ vọng tạo cú hích

Không chỉ ở các KCNC, ở các lĩnh vực khác cũng èo uột. Như với ngành công nghiệp điện - điện tử, mặc dù ngành này khá phát triển nhưng sản xuất linh phụ kiện điện tử chỉ chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư của ngành, không đủ để cung ứng cho lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng chiếm 67% và điện tử chuyên dụng chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong quý 1-2013, xuất khẩu từ khối doanh nghiệp FDI đạt 19,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2012; kim ngạch nhập khẩu 16,1 tỷ USD, tính chung xuất siêu 1,18 tỷ USD. Lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu là hàng điện tử chiếm 95%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phần lớn nhập nguyên liệu, gia công xuất khẩu... Đáng nói, chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ không phải là không có. Nhiều năm về trước, Bộ Công thương đã có chính sách về quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, song tính từ thời điểm chính sách đó được phê duyệt (năm 2007) đến nay vẫn chưa có chuyển biến lớn.

Còn ở các KCNC, rất nhiều bàn thảo phát triển doanh nghiệp hỗ trợ song cũng chưa đến đâu. Giữa năm 2013, KCNC TPHCM đã xây dựng “Đề án Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ”, chờ trình UBND TPHCM. Qua mục tiêu của đề án này thấy rõ, nếu thực hiện thành công, nó sẽ thêm giá trị còn thiếu bấy lâu nay, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá riêng. Mục tiêu ghi rõ: Nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu hàng xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm nhập siêu. Phấn đấu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao gấp 6 lần so với năm 2010 và chiếm tỷ trọng 10%; tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm công nghệ cao, phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong KCNC tới năm 2015 là 25%, năm 2020 là 40%; hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng các sản phẩm hỗ trợ công nghệ cao của doanh nghiệp Việt Nam, tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao có hàm lượng nội địa được cung ứng từ ít nhất là 20 doanh nghiệp trong nước và thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ sản phẩm công nghệ cao vào KCNC, ít nhất là 20 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thượng nguồn....

Giá trị gia tăng đã thấp, lại không tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu, không có nền công nghiệp hỗ trợ… có lẽ do các chính sách đi chậm và quá chú trọng đến thu hút đầu tư. Qua đây còn thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò chủ yếu trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều cơ hội tham gia vào cuộc chơi lớn nên cứ lạc lõng khi bị yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn… Cho nên, sẽ còn mất nhiều hơn nếu không có công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao vì thực tế thấy rằng, vòng đời nhà máy của các tập đoàn này cũng có khoảng thời gian nhất định, không “tranh thủ” được, nhà máy dọn đến quốc gia khác thì bao kỳ vọng xem như... không thành.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục