Sẵn sàng cho “đại tiệc” TPP

Đến nay, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đi được gần 2/3 chặng đường và nếu mọi việc suôn sẻ, cuối năm nay hoặc đầu năm 2014, Việt Nam sẽ chính thức tham gia hiệp định. Tuy thế, khái niệm TPP thậm chí vẫn còn khá mới mẻ đối với đại đa số doanh nghiệp Việt Nam. Rất ít doanh nghiệp ý thức được cần phải chuẩn bị như thế nào cho một cuộc chơi mới, một sự hội nhập mà theo các chuyên gia, còn sâu rộng hơn cả WTO! TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đưa ra ý kiến của mình với Báo SGGP.
Sẵn sàng cho “đại tiệc” TPP

Đến nay, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đi được gần 2/3 chặng đường và nếu mọi việc suôn sẻ, cuối năm nay hoặc đầu năm 2014, Việt Nam sẽ chính thức tham gia hiệp định. Tuy thế, khái niệm TPP thậm chí vẫn còn khá mới mẻ đối với đại đa số doanh nghiệp Việt Nam. Rất ít doanh nghiệp ý thức được cần phải chuẩn bị như thế nào cho một cuộc chơi mới, một sự hội nhập mà theo các chuyên gia, còn sâu rộng hơn cả WTO! TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đưa ra ý kiến của mình với Báo SGGP.

        Lượng sức để “mặc cả”

Cái lợi khi Việt Nam tham gia một thỏa thuận tự do thương mại như TPP là không khó nhận ra. Về nguyên tắc, nhìn chung là càng ít rào cản trong thương mại và đầu tư thì lợi nhuận càng lớn. Nhưng vấn đề miếng bánh lợi nhuận đó được phân chia như thế nào cho các đối tác trong TPP. Một nghiên cứu của Giáo sư Peter Petri (Đại học Brandeis - Hoa Kỳ), được giới truyền thông nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua, cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP, với GDP năm 2025 nếu có TPP cao hơn 10,5% so với nếu không có TPP, tương đương mức cao hơn khoảng 35,7 tỷ USD. Ngoài những lợi ích đo đếm được, sức ép gián tiếp từ các cam kết trong TPP để thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa các cải cách khuôn khổ chính sách pháp luật thương mại ở Việt Nam cũng là cái được rất lớn.

Nhưng có hoàn toàn “ngon ăn” như thế không? Tôi cho rằng TPP là một bữa tiệc, nhưng là chuyện “vì ta cần nhau”, nên các bên đều phải góp “món” và tham gia “nấu nướng”, nghĩa là phải chuẩn bị nguyên liệu, phải đổ mồ hôi để cắt gọt nguyên liệu, đun nấu củi lửa và hoàn toàn có thể bị đứt tay, hay bị bỏng trong quá trình chế biến đó. Nói một cách khác, sẽ có những cái giá phải trả cho việc đó.

Muốn giảm cái giá phải trả ấy, việc trước mắt phải làm ngay là lượng sức để “mặc cả”. Các chuyên gia nhận lãnh trách nhiệm đàm phán cần phải có được những thông tin đầy đủ, chính xác về đường hướng chính sách, sức khỏe của nền kinh tế, những điểm mạnh yếu của doanh nghiệp để thương thuyết về những mốc thời gian “hạ rào” thuế quan. Và phải thống nhất với nhau từ ở Hà Nội thì mới mong rút ngắn được thời gian đàm phán, ký kết hiệp định với kết quả hợp lý cho ta.

Doanh nghiệp dệt trong nước sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn khi Việt Nam gia nhập TPP. Ảnh: Cao Thăng

Doanh nghiệp dệt trong nước sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn khi Việt Nam gia nhập TPP. Ảnh: Cao Thăng

        Doanh nghiệp phải mạnh

So sánh nào cũng có chỗ khập khiễng, nhưng hãy thử tưởng tượng thế này: có một câu lạc bộ của những người đi xe Mercedes. Thành viên câu lạc bộ ấy dành cho nhau nhiều ưu đãi theo kiểu các bên cùng có lợi. Nhưng dĩ nhiên những người đi xe Matiz chưa thể gia nhập câu lạc bộ được, nếu có vào cũng bị bắt nạt, chèn ép. Vậy thì phải làm sao để có Mercedes đã!

Tôi cho rằng hiện nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung chưa đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ trong TPP để được hưởng ưu đãi thuế quan 0%. Đơn cử như hàng dệt may, nếu cứ theo quy tắc muốn hưởng thuế 0% khi xuất sang các nước TPP thì mọi công đoạn từ sợi trở đi phải được làm ở các nước TPP, vì vậy hầu như chẳng có sản phẩm nào từ Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ bởi vải nhập từ Trung Quốc, sợi chỉ từ Hàn Quốc, các loại phụ kiện chủ yếu từ một số nước Đông Nam Á... Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh như giày dép, đồ gỗ, điện tử, công cụ cũng tương tự và tình trạng này không thể đảo ngược được trong một vài năm, thậm chí 5 - 10 năm!

Nông sản lại là chuyện khác, tuy không vướng quy định về xuất xứ, nhưng liệu có vượt qua được các rào cản kỹ thuật về kiểm dịch, tồn dư kháng sinh, quy cách nhãn mác theo đúng quy định của nước nhập khẩu hay không? Cần nhớ, quyền áp dụng các rào cản đó vẫn nằm trong tay nước nhập khẩu và các nước phát triển trong TPP không tỏ ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ hạn chế các quyền này. Ngược lại, những hàng rào kỹ thuật tương tự lại chưa được quan tâm xây dựng ở Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng Việt. Đó là chưa kể những vấn đề về sở hữu trí tuệ, cụ thể là yêu cầu nâng rất cao mức độ bảo hộ bản quyền sáng chế đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (hóa chất nông nghiệp), thuốc thú y. Điều này sẽ khiến giá thành sản phẩm đội lên rất cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu.

        “Dọn mình” để đón TPP

Kết quả đàm phán về quy tắc xuất xứ sẽ quyết định chúng ta có được tận hưởng bữa tiệc TPP hay không; nhưng ai cũng hiểu dù có khéo léo đàm phán đến mấy cũng chỉ được đôi phần. Cốt yếu là doanh nghiệp phải tích cực chuẩn bị chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu cho “khít” với cái khuôn của TPP. Những ngành nghề xưa nay được bảo hộ cao thì nay khả năng tự bơi sẽ càng kém, do đó nỗ lực càng phải lớn!

Không ai có thể “khuyên bảo” các doanh nghiệp một cách thật cụ thể họ phải làm những gì, vì mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm riêng biệt. Chỉ có họ, sau khi tìm hiểu thật kỹ các quy định của TPP mới rút ra được chỗ mạnh chỗ yếu của chính mình để lộ trình bổ khuyết đạt hiệu quả. Cũng sẽ không có chuyện mọi doanh nghiệp đều được “ăn tiệc” TPP. Cứ nhìn lại bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng lợi từ WTO thì rõ. Nhưng tôi cho rằng có một điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên để ý học tập, đó là cách thức mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị để vào “ăn tiệc”! Họ tính toán rất kỹ xem có thể mua nguyên vật liệu ở đâu, sản xuất ở đâu và bán cho ai để đạt được lợi nhuận tối đa. Họ lại có thế mạnh “sẵn nong sẵn né” nhờ chuỗi cung ứng toàn cầu sẵn có.

TS VÕ TRÍ THÀNH

GS-TSKH Nguyễn Mại: Nhà nước phải xây dựng chính sách tốt

Tôi cho rằng sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giúp doanh nghiệp có cơ hội tận dụng được TPP là rất cần thiết, nhưng không phải ở chỗ chỉ bảo doanh nghiệp đi tìm kiếm thị trường hay nâng cao năng lực như thế nào. Chẳng hạn, thông thường nếu trời mưa bão thì ra công văn yêu cầu nông dân đi tát nước. Làm thế để làm gì, vì người ta có thể thấy ngay và sẽ làm ngay, không đợi bảo. Điều cần làm là xây dựng hệ thống đê kè chắc chắn từ trước đó, khi thiên tai xảy ra thì đảm bảo có đầy đủ vật tư để khắc phục, đảm bảo cấp điện đầy đủ để chạy máy bơm và trong quá trình khắc phục hậu quả thì giảm thuế, miễn thuế cho người ta như thế nào. Tương tự, nếu muốn thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phải có chính sách khấu hao hợp lý, thấy có lợi, tự khắc người ta sẽ làm.

Nói cách khác, vai trò của Nhà nước là xây dựng khung pháp lý tốt, phát huy được nội lực của doanh nghiệp; thống nhất ý chí chính trị và đánh giá đúng nội lực để đàm phán kiên quyết và khôn khéo, phải đấu tranh để bảo vệ tối đa chỗ đứng và điều kiện sản xuất của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cần xây dựng đầy đủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật chặt chẽ để không vi phạm cam kết nhưng vẫn giúp cho hàng nội không bị lép vế, thua thiệt trước “dòng thác” hàng nhập khẩu.

 

Những thách thức doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện khi tham gia TPP

- Thị trường nội địa sẽ phải mở cửa cho tất cả các dòng sản phẩm với mức thuế nhập khẩu giảm nhanh chóng về mức 0%. Nhiều mặt hàng được nhập khẩu với số lượng lớn, giá rẻ hơn nhiều so với hiện nay có thể đánh bại sản phẩm nội cùng loại.

- Ngành nông nghiệp bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ, Australia, Canada.

- Nhiều tập đoàn quốc tế với chuỗi cung ứng toàn cầu được khai thác triệt để (điều trước đây họ chưa làm được do chính sách bảo hộ sản xuất trong nước) sẽ thu hút lao động và khai thác tài nguyên trong nước để phát triển sản xuất kinh doanh, gây khó cho doanh nghiệp nội cùng lĩnh vực.

- Để được hưởng ưu đãi nội khối, doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ các nước TPP thay vì Trung Quốc. Giá thành sản phẩm sẽ cao hơn, khó bán hàng trên thị trường nội địa.

- Sản phẩm từ Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn của TPP về tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... nếu không cũng không được hưởng ưu đãi.

CẨM HÀ tổng hợp


Báo SGGP trân trọng kính mời các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, tài chính, quản lý đô thị… cùng quý bạn đọc tham gia viết bài, đóng góp ý kiến, phản hồi cho chuyên mục Góc nhìn chuyên gia. Bài viết, ý kiến phản hồi xin gửi về: Ban Kinh tế-Báo SGGP, 399 Hồng Bàng, phường 14 quận 5 TPHCM. Email: bankinhtesggp@gmail.com. Trân trọng cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục