Gỡ khó cho nền kinh tế Việt Nam

Khơi dậy các nguồn lực

Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013

Kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là giải pháp quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2013 và những năm tiếp theo. Ý kiến trên được các đại biểu đồng tình trong ngày làm việc thứ 2 tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013, chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng 2014: nỗ lực thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại TP Huế vào ngày 27-9.

Khơi dậy các nguồn lực

Theo các chuyên gia kinh tế, phía trước còn không ít khó khăn nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ tươi sáng hơn năm 2013. Trong đó, nền kinh tế vẫn đang đi vào ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát và nhiều khả năng đạt mức mong muốn. An sinh xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo được đảm bảo… Đây là những yếu tố quan trọng, tạo đồng lực cho kinh tế Việt Nam phát triển. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhìn nhận, kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp nhất, cán cân thương mại thâm hụt thấp, cán cân tổng thể thặng dư lớn tạo điều kiện để ổn định tỷ giá và thực hiện được một bước tiến quan trọng trong việc chống “đô la hóa” và “vàng hóa”. Giải pháp cho những tháng cuối năm 2013 và trong trung hạn vẫn tiếp tục củng cố và tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc thực hiện các chính sách vĩ mô (đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa) một cách chặt chẽ và thận trọng. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để giải quyết triệt để các yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế đã tích tụ trong một thời gian dài.

Nhìn từ thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2013, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần tái cơ cấu đầu tư công bằng việc tập trung sử dụng Luật Ngân sách chuyển sang hệ thống ngân sách “cứng”, ưu tiên áp dụng Luật Ngân sách hàng năm. Tái cơ cấu DNNN bằng việc tái cơ cấu chỉ từ 2 - 3 tập đoàn kinh tế nhà nước nhanh trong vòng 6 tháng, theo cách từ trên xuống, sau đó mở rộng 2 năm. Tái cơ cấu ngân hàng bằng việc tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo. Trong trung hạn cần soát xét, thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên tạo một tọa độ đột phá chiến lược (tọa độ mở cho các vùng kinh tế trọng điểm) và các đặc khu kinh tế quốc gia (thay vì cấp tỉnh).

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, chúng ta còn nhiều tiềm năng để huy động nguồn lực tái cấu trúc lại nền kinh tế. Nhà nước cần khơi dậy các nguồn lực từ tài sản của DNNN, dự trữ quốc gia, lấy từ đất đai, tiết kiệm chi… Làm thế nào để khắc phục những bất ổn nền kinh tế Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo Vietinbank, cho rằng: Cần có biện pháp huy động nguồn vàng trong dân. Phải xử lý, quyết liệt nợ xấu. Thực tế, nợ xấu không chỉ diễn ra giữa doanh nghiệp và ngân hàng mà còn Trung ương và địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, ngân hàng với ngân hàng. Đồng thời, phải quan tâm đến lĩnh vực vốn kinh tế tư nhân gắn với hệ thống vốn ngân hàng thương mại. Nên xem xét một cách đúng mức hơn về số liệu thống kê để đưa ra số liệu chuẩn xác thì mới có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Gỡ khó từng vấn đề

Tại diễn đàn, một số đại biểu cho rằng, muốn phát triển kinh tế thì phải từ bỏ tư tưởng chính sách đa mục tiêu. Mỗi chính sách phải có sự ưu tiên và phải có sự chấp nhận những tác động tiêu cực. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết các vấn đề dài hạn thì phải giải quyết ngay những vấn đề gây trở ngại cho ngắn hạn. Cần sớm ban hành luật đầu tư công. Phải đưa ra các chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô như nợ xấu ngân hàng để quản lý đồng tiền. “Điều quan trọng nhất là tập trung tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây là điều kiện, là cái tiền đề cơ sở để tăng trưởng hợp lý cũng như khôi phục tăng trưởng, tạo ra những bước phát triển mới cho những năm tới” - ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, đã hoan nghênh tất cả các đề xuất tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013. Diễn đàn đã thu hút được rất nhiều ý kiến đóng góp phong phú, có chất lượng. Song Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn sau khi kết thúc diễn đàn vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp. Đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại diễn đàn để hình thành báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục