Kinh tế năm 2014 sẽ sáng hơn

Cho đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất-nhập khẩu… ổn định hơn so với các năm trước. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và vẫn phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn. Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết:

Cho đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất-nhập khẩu… ổn định hơn so với các năm trước. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và vẫn phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn. Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết:

Năm 2013 là năm thứ 6 và là giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài nhất, tính từ đầu thập niên 1990 đến nay. Chúng ta đều biết, nền kinh tế lâm vào tình trạng trì trệ từ đầu năm 2012. Bước vào năm 2013, nền kinh tế phải đối mặt với thử thách, do hệ quả để lại sau 6 năm bất ổn kinh tế vĩ mô. Diễn biến tình hình kinh tế đến nay cho thấy, mục tiêu chung nhất là tốc độ tăng GDP cả năm chỉ có thể đạt được ở mức 5,2% (6 tháng đầu năm tăng 4,9%; 6 tháng cuối năm có thể đạt mức 5,5%). Tốc độ tăng giá cả tiêu dùng (CPI) cả năm ước khoảng 7%, tương đương mức tăng của năm 2012, nhưng thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra (8%). Tuy nhiên nếu không phối hợp tốt giữa 3 nhóm chính sách: tiền tệ; công chi và điều chỉnh giá những hàng hóa dịch vụ công thì khó kiềm chế được CPI theo mục tiêu.

Nhìn chung, bức tranh kinh tế năm 2013 diễn ra không mấy khác biệt so với những nhận định từ hồi đầu năm 2013. Tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lãnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể. Nhưng điểm tích cực nổi bật là các chỉ báo kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định hơn; lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng cao, bình ổn được tỷ giá VNĐ… Nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô...” thì kết quả của năm 2013 là tích cực. Nhưng những chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau, nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến của tình hình.

* Theo ông, triển vọng kinh tế năm 2014 sẽ như thế nào?

* TS Trần Du Lịch: Năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn đặt ra trong năm vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm; khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục khó khăn; khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến trong năm 2014; nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi về cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013; khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế. Tuy nhiên, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012-2013. Do đó, có thể dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

* Đâu là cơ sở để dự báo lạc quan kinh tế 2014 sẽ sáng hơn?

* Như tôi đã nói ở trên, những dấu hiệu bất ổn vĩ mô được cải thiện so với các năm trước; đặc biệt là nguy cơ lạm phát cao đã được ngăn chặn. Tốc độ tăng CPI từ hơn 18% năm 2011 đã kéo giảm xuống còn 6,81% năm 2012; và dự kiến cả năm 2013 khoảng 6,5% - 7%. Đây là kết quả nổi bật nhất trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể nói, trong ngắn hạn, lạm phát không còn là “con ngựa bất kham”. Do đó, hiện nay là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng lẩn quẩn như đã từng xảy ra.

* Theo ông, đâu là giải pháp trọng tâm cho năm 2014 - 2015?

* Về ngắn hạn, nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn, trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản, mà ngân sách đang nợ DN. Cần điều chỉnh lại Nghị quyết 02 của Chính phủ (phần liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản) theo hướng kích thích phân khúc thị trường nhà ở “phổ thông”, tức là loại nhà ở có giá dưới 1 tỷ đồng/căn hộ ở Hà Nội, TPHCM và khoảng 500 triệu đồng/căn hộ ở các địa phương khác thông qua công cụ tín dụng cho người mua nhà. Hỗ trợ trực tiếp người mua, chứ không hỗ trợ trực tiếp người bán.

* Còn về dài hạn?

* Cần phải có một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế. Thứ nhất, chương trình này kéo dài đến hết 2015. Chính sách chủ đạo của chương trình trung hạn này là thực hiện chính sách” lạm phát mục tiêu”, với mức tăng CPI khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013- 2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. Có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thị trường hóa giá cả một số loại dịch vụ công mà Nhà nước đang còn quy định giá và chính sách ngoại thương. Chương trình phục hồi kinh tế trung hạn sẽ chấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động. Mức lạm phát mục tiêu sẽ tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như lộ trình điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa công cộng, mà không gây ra lạm phát do chi phí đẩy.

Thứ hai, từ chính sách “lạm phát mục tiêu” nêu trên, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30% - 32% GDP trong 3 năm sắp đến. Ở đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa và qua đó huy động các nguồn lực bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm tổng đầu tư xã hội. Thứ ba, trước mắt trong 2 năm 2013 và 2014 cần mạnh dạn tăng công chi dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Cụ thể, tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay; phát hành trái phiếu Chính phủ (ngoài định mức hiện nay Quốc hội đã cho phép) nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở.

Thứ tư, lồng ghép vào các nhóm giải pháp trên trong chương trình trung hạn cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực DNNN. Hiệu quả sử dụng nguồn lực này là nhân tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Lực lượng DNNN không làm thay thị trường, nhưng là một lực lượng rất quan trọng để bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Trên quan điểm đó thì không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẻ, mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng DNNN hiện hữu. Nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ của Chính phủ, chứ không phải là nhiệm vụ của từng đơn vị. Nhiệm vụ của năm 2014 và 2015 là phải phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung - dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu 3 lãnh vực ưu tiên.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục