Mùa mưa với người không nhà

Tại TPHCM trong những ngày này thường có mưa dầm, nhiều con đường bị ngập. Với người lỡ đường, phải dầm mưa, lội nước đã thấy khổ. Với những người không nhà, ăn ngủ ngoài vỉa hè trong những ngày mưa lạnh càng khốn khổ hơn nhiều, vì khó có chỗ đỡ ướt, đỡ lạnh để có thể ngủ sau một ngày vất vả kiếm sống.
Tình cảnh gian nan
Chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng người vô gia cư tại TPHCM hiện nay, song có thể xác định TP đang là nơi có số người vô gia cư đông nhất nước. Đó là những người nghèo từ các tỉnh đổ về, không nhà ở, không tay nghề chuyên môn, lang thang kiếm sống trên vỉa hè và ăn ngủ ở vỉa hè, chịu đựng cảnh “màn trời, chiếu đất”. 
Từ sau 23 giờ, đi qua các con đường Lý Chính Thắng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Cư Trinh, Lê Quang Định... thường thấy nhiều người vô gia cư nằm ngủ lăn lóc trên vỉa hè. Những ngày nắng, họ ngả lưng ở một hiên nhà nào đó; ngày mưa ngập, nước mưa tạt, gió lạnh, khó có chỗ ngủ yên. Đó là tình cảnh đáng thương của những người vô gia cư. Đã khuya, chúng tôi ghé lại thăm hỏi 3 người đang nằm co ro ở một góc vỉa hè đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh): 2 người trung niên và 1 người già. Những thân hình gầy gò, xanh xao. Bên chỗ nằm chỉ có nửa ổ bánh mì đang ăn dở, còn để dành lại cho ngày mai.
Mùa mưa với người không nhà ảnh 1 Nhóm thiện nguyện trao quà tặng người vô gia cư. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Người phụ nữ trung niên chào chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, kể: “Ban ngày chúng tôi đi lang thang khắp TP kiếm sống. Lam lũ mà vẫn trong cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, chẳng dư được đồng nào để thuê phòng trọ, nói chi đến chuyện dành dụm gửi về cho người thân ở quê. Tối lại về đây ngủ, nhưng khó ngủ yên được trong những đêm mưa. Khổ sở lắm! Chỉ mong sao không bị đau ốm, vì nếu vậy sẽ thực sự lâm vào đường cùng”. Bà cụ cho chúng tôi biết: “Thấy bà cao tuổi mà phải ngủ lề đường nên có người cho cái áo ấm này, nhờ vậy mặc cũng đỡ lạnh”.  Họ chào tạm biệt chúng tôi bằng lời dặn: “Khi nào rảnh,  tụi con nhớ ghé lại nữa nha”. Chúng tôi hiểu họ cần lắm sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. 
Đến gặp và lắng nghe những câu chuyện buồn của những người vô gia cư trên các ngã đường TP, chúng tôi càng hiểu thấm thía nỗi gian truân của họ. Họ sống lang thang, nhưng không trộm cắp hay ăn xin, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình, như bươi rác nhặt phế liệu, đánh giày, bán đậu phộng luộc... Kiếm sống khó khăn, vậy mà có được vài chục ngàn đồng, họ cũng phải nơm nớp lo bị côn đồ, trộm cướp dòm ngó. Mỗi mảnh đời vô gia cư là một câu chuyện éo le, khốn cùng, họ không phải là người xấu, mà là những người bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, chở che.
 Bài toán khó
Hiện nay, người vô gia cư chỉ nhận được sự giúp đỡ của các nhóm từ thiện, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng, chứ chưa có sự hỗ trợ căn cơ. Các tổ chức, các nhóm thiện nguyện ân cần mang thức ăn, nước uống, quần áo cũ tặng những người vô gia cư sống ở vỉa hè. Các chương trình xã hội từ thiện này được tổ chức với mục đích phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách, qua đó cũng giúp người vô gia cư được sống trong tình cảm nhân ái của cộng đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời, giúp họ được một hai ngày, chứ không thể giúp họ mãi theo cách này được.
Giải quyết tình trạng người vô gia cư ăn ngủ ở vỉa hè thực sự là một bài toán khó. Nếu như có kinh phí để giúp người vô gia cư có nhà tình thương, nhà mở hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, thì cũng không thể lo bao nhiêu cho đủ, vì sẽ kích hoạt, hút thêm nhiều người nghèo từ các tỉnh đổ về TPHCM. Giải quyết việc làm cho người vô gia cư cũng không khả thi, do họ không có tay nghề. Để giữ trật tự và mỹ quan đô thị, công an các phường buộc lòng phải giải tỏa người vô gia cư ăn ngủ ở vỉa hè. Chính quyền và các ngành chức năng liên quan chỉ có thể tập trung lo cho các trường hợp trẻ mồ côi, người già neo đơn, người cơ nhỡ đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội. 
Thiết nghĩ, nên dành một phần quỹ phúc lợi xã hội để giúp đỡ đối tượng người vô gia cư, bằng cách giúp tiền hồi hương, giúp nơi trú tạm trong mùa mưa, xét những trường hợp rất khó khăn như người già yếu, trẻ em, người khuyết tật... để đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, vận động sự quan tâm tương trợ dành cho người vô gia cư của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục