Ngày hội của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo

Ngày 20-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đến thăm và chúc mừng đội ngũ giảng viên, sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20- 11-2016).
Ngày hội của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo

 (SGGPO). – Ngày 20-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đến thăm và chúc mừng đội ngũ giảng viên, sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20- 11-2016).

Thủ tướng cũng chủ trì buổi làm việc để nghe báo cáo, kiến nghị nhằm giải quyết những vướng mắc của ĐH Quốc gia TPHCM.

Ngày hội truyền thống tôn sư trọng đạo

Chia sẻ cảm xúc trước hơn 1000 thầy cô, lãnh đạo ĐH Quốc gia qua các thời kỳ cùng các sinh viên, Thủ tướng xúc động: “Ngày 20-11 là ngày hội lớn không chỉ của ngành giáo dục, của các thầy giáo, cô giáo và các sinh viên mà còn là ngày hội của trái tim, của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn trong suốt chiều dài lịch sử, văn hiến của dân tộc ta”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM)

Thủ tướng chia sẻ: “Ở nhiều nơi có những thầy cô không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho các em học sinh trong những điều kiện khó khăn mà còn kiêm cả vai trò là người cha, người mẹ, chăm sóc, động viên từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em”.

Thủ tướng nhấn mạnh, trải qua 34 năm, kỷ niệm ngày 20-11 luôn là sự kiện đặc biệt, giàu cảm xúc của toàn ngành giáo dục và của mọi người dân Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ cảm xúc: “Hôm nay, cho phép tôi thay mặt Đảng, Nhà nước bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến toàn thể các thầy giáo, cô giáo trên cả nước, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Chính phủ và nhân dân ta luôn ghi nhớ, biết ơn tấm lòng, sự hy sinh và mọi cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo”.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương ĐH Quốc gia TPHCM đã luôn đi tiên phong cả nước về công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, với việc hình thành hệ thống hơn 70 phòng thí nghiệm và hơn 30 tổ chức khoa học công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình nghiên cứu trọng điểm.

ĐH Quốc gia TPHCM đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong hầu hết các lĩnh vực khoa học trọng điểm.

Trung bình mỗi năm công bố từ 180-200 bài báo trên các tạp chí danh tiếng quốc tế, đồng thời đã hợp tác với quốc tế, với cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết: “Tôi đặt hàng đến năm 2020 ĐH, Quốc gia TPHCM phải tăng gấp đôi công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín của quốc tế. Tôi sẽ ủng hộ 500 USD cho mỗi công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới, có chỉ số ảnh hưởng cao”.

Với những thành quả đạt được, Thủ tướng đánh giá ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện rất tốt tầm nhìn và kỳ vọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có công sáng lập hai ĐH quốc gia này.

Khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp

Thủ tướng cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là thách thức, là sức ép đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học. Nó đòi hỏi thầy và trò tương tác với nhau, tri thức được tạo ra cho đến sự tiếp cận và lĩnh hội tri thức cũng thay đổi đáng kể”.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới và khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp. Do đó, ĐH Quốc gia TPHCM cần chú trọng xây dựng những kỹ năng cần thiết, ươm trồng những tài năng và ước mơ khởi nghiệp. Những hoạt động nghiên cứu khoa học có sự tham gia của sinh viên, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các đề án, ý tưởng do sinh viên đề xuất, nhằm đem đến những thay đổi tích cực cho nhà trường. Nếu khuyến khích được những điều này chính là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo trong thế hệ trẻ.

Thủ tướng khẳng định: “Khởi nghiệp chính là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo".

Chia sẻ với các sinh viên, Thủ tướng nêu rõ: Sinh viên hiện nay có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất. Vấn đề là tận dụng và phát huy những điều kiện đó.

Trong bài phát biểu đầu tiên khi được Đảng và nhân dân giao phó trách nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ, tôi đã nói rõ, chúng ta phải làm sao để con em nông dân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai.

Cá nhân tôi thấy không có gì ý nghĩa hơn khi được trò chuyện với các tài năng trẻ của đất nước. Các bạn không chỉ là tiềm năng, tương lai mà còn là động lực, là những người quyết định đến vận mệnh phát triển của dân tộc Việt Nam.

Tôi kêu gọi các bạn hãy mạnh dạn hơn nữa, làm chủ việc học tập của chính mình. Sinh viên phải là người có trách nhiệm cao nhất với quyết định của mình, là người gánh chịu nhiều thiệt hại nhất nếu để lãng phí thời gian, tiền của trong quá trình học đại học.

Phải chủ động nghiên cứu, tăng cường trao đổi với bạn bè, với thầy cô, tham gia hoạt động cộng đồng, thực tập ở doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, kỹ năng qua khảo sát thực tiễn và hãy nhớ học thật tốt ngoại ngữ vì đó chính là chìa khóa không giới hạn. 

Phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho ĐH Quốc gia TPHCM

Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt ĐH Quốc gia TPHCM qua các thời kỳ, Thủ tướng đã đi thực tế khảo sát toàn bộ khuôn viên của trường, lắng nghe những kiến nghị của ĐH Quốc gia TPHCM.

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng yếu cầu: “Các bộ, ngành phải tập trung hỗ trợ tối đa và tháo gỡ những vướng mắc về tài chính để ĐH Quốc gia TPHCM có điều kiện đầu tư phát triển hơn nữa. Những việc gì mà các bộ, ngành làm được thì làm ngay, không chần chừ. Nếu cần Thủ tướng quyết thì cứ làm đề xuất trình lên để Thủ tướng xem xét, giải quyết”.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng cho ĐH Quốc gia TPHCM, Thủ tướng nhấn mạnh: “Lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo tỉnh Bình Dương phải lập ngay ban chỉ đạo để làm dứt điểm và làm cho xong việc giải phóng mặt bằng. Các đồng chí phải làm quyết liệt chứ để tình trạng này kéo dài thêm là không ổn. Song song đó, hai địa phương cũng tìm cách tháo gỡ khó khăn về tài chính để ĐH Quốc gia TPHCM đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, ổn định tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa”.
 

Thanh Hùng


Trường ĐH Tôn Đức Thắng kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
 

(SGGP).-  Ngày 20-11, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức lễ kỷ niệm 34 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu, Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng Hội đồng sáng lập trường, ban giám hiệu, tập thể giảng viên, viên chức và gần 1.200 sinh viên trường.

Phát biểu tại buổi lễ, GS-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng nhà trường đã gửi lời chúc mừng đến tất cả giảng viên, viên chức đã và đang công tác tại trường.

Giáo sư vui mừng khen ngợi những thành tựu thầy và trò đã nỗ lực đạt được cũng như khích lệ, động viên tinh thần phấn đấu thi đua toàn trường để đạt được nhiều thành tích cao hơn trong thời gian tới.

Nhân dịp này, GS-TS Lê Vinh Danh vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.

Cũng trong dịp này, Trường ĐH Tôn Đức Thắng khánh thành hệ thống cung cấp điện năng lượng mặt trời cho tòa nhà D và E của trường. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước tiến mới về nghiên cứu tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng xanh, sạch phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập tại trường mà còn giúp cho sinh viên ngành điện-điện tử có cơ hội được thực hành và nâng cao kỹ năng chuyên môn.


Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục