Nghề chạy xe ôm và những bất trắc

Nhiều người chạy xe ôm GrabBike hay Go-Viet ở TPHCM là những sinh viên làm thêm bán thời gian, mới vào nghề. Do vậy, không phải ai cũng có nhiều kinh nghiệm ứng phó khi đối mặt với những bất trắc trong nghề.
Nhiều người chạy xe ôm công nghệ ở TPHCM là những sinh viên làm thêm bán thời gian, mới vào nghề
Nhiều người chạy xe ôm công nghệ ở TPHCM là những sinh viên làm thêm bán thời gian, mới vào nghề

Nghề nhiều rủi ro

Những người đăng ký để chạy xe ôm công nghệ được dự một buổi tập huấn về nghiệp vụ. Tuy vậy, vẫn có những bất trắc trong nghề khó có thể lường trước được. Do chạy xe ôm thường đối mặt với nhiều rủi ro, vất vả, nên rất hiếm phụ nữ chọn và gắn bó với nghề này. Chị H.T.T. (25 tuổi, trú tại quận 9, TPHCM) đã từng là một trong số những nữ GrabBike hiếm hoi ở TPHCM, kể: “Thật khổ khi buổi tối chở phải khách say xỉn. Thấy phụ nữ chạy xe ôm, họ thường buông lời chọc ghẹo, thậm chí có những hành động không được tế nhị. Do đã trót nhận cuốc xe rồi, không hủy được, nên tôi đành bấm bụng chở cho xong, vừa chạy xe vừa nơm nớp lo lắng. Có khách cố tình đụng chạm thân thể, rủ đi nhà nghỉ sẽ có tiền nhiều hơn chạy xe ôm. Gặp tình huống như vậy, tôi cũng phải tìm mọi lý do và nhẹ nhàng từ chối. Chưa hết, có không ít khách nam còn lấy số điện thoại của tôi liên tục gọi điện, nhắn tin làm quen, gạ tình, thậm chí là dọa dẫm. Vì bị làm phiền, quấy rối quá nhiều, nên buộc tôi phải chuyển nghề và thay số điện thoại mới”.

Nam sinh viên T.V.D. chia sẻ: “Có một vài trường hợp mình bị khách gay dụ dỗ đi nhà nghỉ, thuyết phục mình rằng không cần phải chạy xe cực khổ, chỉ cần theo anh ta sẽ có nhiều tiền. Mình cảm thấy sợ, nhưng rồi kịp bình tĩnh lựa lời từ chối khéo léo. Có nhiều trường hợp khách gọi xe nhưng không đi, chỉ nhờ giao hàng, trường hợp này mình phải đề nghị xem xét hàng, nếu là hàng cấm thì phải từ chối, vì đã có không ít người chạy xe ôm bị kẻ xấu lợi dụng làm công cụ giao ma túy hoặc chất cấm, có thể liên lụy”.

Cẩn trọng cảnh giác

Sau nhiều lần va chạm với các đối tượng khách khác nhau, người chạy xe ôm đúc kết ra những kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống, cách nhận diện, thậm chí là đoán tâm lý khách. Anh V.C. (ở đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, có hơn một năm gắn bó với nghề chạy xe ôm GrabBike), chia sẻ kinh nghiệm: “Đã có những vụ giết người chạy xe ôm để cướp xe máy, nên tôi phải rất cẩn trọng cảnh giác. Khi nhận khách, mình phải chú ý thái độ của họ, nếu thấy khách có vẻ mặt hung dữ hoặc mình có cảm giác không an toàn, thì từ chối chở khách. Tôi cũng chú ý ghi chép vào sổ tay về những địa điểm thường có khách đi xe là con nghiện, và cũng ghi nhớ những số điện thoại của khách đã quỵt tiền đi xe, để lưu ý tránh xa và đăng tải lên trang mạng những hội nhóm của GrabBike để các đồng nghiệp cùng cảnh giác. Tôi đã có những kinh nghiệm xương máu, đã không ít lần bị con nghiện trấn lột, nên khi nhận chở khách, tôi chú ý quan sát thái độ của họ như thế nào. Khi gặp con nghiện có hành động trấn lột thì hãy thật bình tĩnh, tỏ ra sẵn lòng giao nộp hết tài sản, lợi dụng một vài giây đối tượng không chú ý, kéo ga vọt nhanh. Trường hợp cảm thấy khó thoát hiểm thì hãy giao nộp tài sản để đảm bảo an toàn tính mạng. Còn nếu lỡ gặp khách là dân anh chị thì đừng sợ hãi, hãy cứng rắn, để họ cảm giác không bắt nạt được mình”. Còn anh V.T.V.  (ở quận 8) đúc kết kinh nghiệm: “Chạy xe ôm nên tránh di chuyển tại các khu vực vắng người vào giờ tối muộn. Trong khung giờ từ đêm trở về sáng, cũng không nên chở khách đi về những vùng hoang vắng, ít người qua lại, cũng không nên nhận đi tỉnh xa, vì nếu xảy ra tình huống hư xe hay bị cướp, sẽ không có ai giúp đỡ. Đối với khách là sinh viên, nhân viên văn phòng, phụ nữ, thì nên bắt chuyện với họ để tạo thiện cảm để họ sẽ đánh giá “sao” cho mình cao hơn, đôi lúc còn có tiền bồi dưỡng”.

Trên các trang mạng hội nhóm của giới chạy xe ôm công nghệ, mọi người cũng thường xuyên chia sẻ những mẹo ứng phó khi gặp tình huống bất trắc. Bên cạnh đó, họ cũng kể nhau nghe những câu chuyện về những hành khách tốt, những chuyện đồng nghiệp giúp nhau lúc hoạn nạn giữa đường, giúp lan tỏa những hành động đẹp. Làm một nghề khá gian nan, nhiều vui buồn và bất trắc, nên nhiều người chạy xe ôm cho biết họ theo nghề chỉ là giải pháp tạm thời để kiếm sống, khi chưa chọn được công việc gì tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục