Thảm họa tràn dầu trên biển Hoa Đông

Vụ tràn dầu từ một tàu chở dầu của Iran đang chìm trên bờ biển Hoa Đông, ngoài khơi cách bờ biển Thượng Hải, Trung Quốc 530km về phía Đông Nam đang lan rộng nhanh chóng. Các nhà môi trường học cảnh báo về mối đe dọa đối với cuộc sống các sinh vật biển và chim.
Tàu Sanchi cháy trước khi chìm
Tàu Sanchi cháy trước khi chìm
Nguy cơ lớn
Chiếc tàu chở dầu Sanchi chở 136.000 tấn dầu dễ cháy khi đâm vào tàu chở hàng CF Crystal của Trung Quốc vào ngày 6-1 đến nay đã gần nửa tháng. 32 thuyền viên đã chết, trong đó có 30 người Iran và 2 người Bangladesh. Đến nay, chỉ mới tìm được xác 3 thuyền viên.
Theo Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri, các nỗ lực tìm kiếm thi thể của 29 thủy thủ đoàn đã tạm dừng khi dầu bắt đầu tràn ra biển vì nguy cơ khí độc do vụ cháy trên tàu gây ra. Hiện chưa rõ nguyên nhân va chạm giữa tàu Sanchi và tàu CF Crystal.
Theo New York Times, hiện nay có vết dầu loang khổng lồ với diện tích khoảng 135km² so với chỉ 10km² một vài ngày trước. Gió mạnh đã đẩy vết dầu tràn về phía Nhật Bản, cách xa Trung Quốc và hiện chỉ còn cách Naha, Nhật Bản chưa đầy 320km.
Một mối quan ngại khác là kể từ khi tàu Sanchi bị chìm, sinh vật biển đã bị đe dọa. Các chuyên gia tiếp tục lo ngại đến dầu cặn ở đáy tàu, thậm chí còn bẩn hơn nữa sẽ phóng thích ra biển, gây cực kỳ nguy hiểm cho sinh vật biển.
Tổ chức Greenpeace đã bày tỏ sự cảnh báo về mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển ở biển Hoa Đông. Đây cũng là một trong những tuyến đường biển tấp nập nhất trên thế giới. Biển Hoa Đông cũng nằm trên con đường di cư của nhiều loài động vật có vú ở biển như cá voi lưng gù và cá voi xám. Dầu thô nhẹ từ tàu Sanchi khi tràn chất ngưng tụ có thể tạo ra cặn dưới nước sâu làm hủy hoại đến sinh vật biển.
Thảm họa tràn dầu từ tàu Sanchi có thể là sự cố tràn dầu lớn nhất thế giới kể từ năm 1991, khi một vụ nổ đã khiến tàu chở dầu ABT rò rỉ 260.000 tấn dầu ngoài khơi Angola. Hiroshi Takahashi, một quan chức thủy sản ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, cho biết, chính phủ đã theo dõi hướng dầu lan vì lo sợ rằng có thể hướng thẳng tới thành phố Kagoshima thuộc tỉnh cùng tên, cực Nam Nhật Bản.
Dầu thấm qua bộ lông của chim biển, làm giảm khả năng cách ly của lông và vì vậy làm cho chim trở nên dễ bị tổn thương với sự thay đổi nhiệt độ bất thường và làm giảm độ nổi trên mặt nước của chúng. Dầu cũng làm giảm khả năng bay của chim, càng làm chúng khó thoát các động vật săn mồi. Khi cố gắng rỉa lông, chim thường nuốt dầu vào bụng, dẫn tới làm hại thận và các cơ quan nội tạng.
Sự thay đổi cân bằng hormon bao gồm luteinizing protein cũng có thể xảy ra ở một số loài chim khi tiếp xúc với dầu. Hầu hết chim bị ảnh hưởng do dầu tràn đều chết, trừ khi có sự can thiệp của con người. Các động vật có vú ở biển bị dính dầu cũng bị ảnh hưởng tương tự như với chim. Dầu phủ lên bộ lông của rái cá và hải cẩu làm giảm khả năng trao đổi chất và làm giảm thân nhiệt. Khi ăn phải dầu, động vật sẽ bị chứng mất nước và giảm khả năng tiêu hóa. Do dầu nổi trên mặt nước làm ánh sáng giảm khi xuyên vào trong nước, hạn chế sự quang hợp của các thực vật biển. Điều này làm giảm lượng cá thể của hệ động vật và ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái.
Chạy đua với thời gian
Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để làm mọi cách ngăn chặn dầu loang. Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã triển khai robot dưới nước để tìm ra nơi rò rỉ dầu và ngăn chặn dòng dầu tràn ra thêm.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, hôm 17-1, tàu tuần tra biển Haixun 166 đã đến khu vực tàu Sanchi, bắt đầu đánh giá xác tàu đắm để tìm cách chôn số dầu còn lại trên tàu. Theo ông Gong Yongjun, chuyên gia về hoạt động hàng hải tại Đại học Hàng hải Đại Liên, có rất nhiều loại thiết bị robot  công nghệ sản xuất trong nước và nhập khẩu có thể được sử dụng trong nỗ lực này.
Nhiệm vụ chính của robot và thợ lặn là tìm ra lỗ hổng trên xác tàu. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, hiện tàu Sanchi nằm dưới mực nước 115m. Hộp đen trên tàu Sanchi có chứa dữ liệu đi biển và ghi âm của tàu đã được các nhân viên Trung Quốc phục hồi vào ngày 13-1. 
Theo báo chí Iran, Tư lệnh Hải quân Iran, Đô đốc Khanzadi cũng đã hợp tác với phía Trung Quốc ngay từ những ngày đầu sau khi xảy ra vụ va chạm. Phía Iran đề nghị, cho phép hải quân Iran đến tàu Sanchi để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, nhưng phía Trung Quốc không chấp nhận lực lượng vũ trang nước ngoài đến khu vực tàu Sanchi gặp nạn vì họ sợ tình hình phức tạp hơn và đề nghị phía Iran cử các đơn vị cứu hộ không mặc quân phục, đồng thời phía Trung Quốc sẽ cung cấp cho Iran các trang thiết bị cần thiết. Quá trình này kéo dài cho đến ngày 14-1 thì tàu Sanchi đã chìm. 
Thảm họa tràn dầu trên biển Hoa Đông ảnh 1 Một số sự cố lớn tràn dầu trên biển
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khang cho biết, công việc ngăn chặn dầu tràn là một trong những trọng tâm của Bắc Kinh.
Theo chuyên gia tư vấn dầu tràn dầu của Mỹ Richard Steiner, đây có thể được xem là sự tràn dầu khí nhẹ ra biển lớn trong lịch sử. Theo nhận định của ông, không có kho chứa nhiên liệu nào trên tàu Sanchi có thể còn nguyên sau 1 tuần tàu bị cháy trước khi chìm và do đó tất cả thùng dầu đều đã bị hỏng và tràn ra biển bất cứ lúc nào. Thậm chí nếu chỉ có 20% số dầu của tàu tràn ra biển, đây vẫn sẽ là số dầu tương đương với sự cố tràn dầu Exxon Valdez năm 1991 ở Alaska. Đó là chưa kể dầu để chạy tàu. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, thùng nhiên liệu dùng chạy tàu Sanchi có thể chứa được khoảng 1.000 tấn dầu diesel hạng nặng.
Không giống như dầu thô, dầu nhẹ lắng dước đáy biển tạo ra chất độc hại với sinh vật biển, đó là chất hydrocacbon. Chất này làm các loài chết nhanh hoặc suy giảm sinh lý, suy giảm khả năng sinh sản và bệnh mãn tính.
Theo các nhà khoa học, dầu trên bề mặt biển ít không có nghĩa là có tác động nhỏ. Giai đoạn nhiễm độc dưới đáy biển kéo dài vài tháng và tổn hại với quần thể sinh vật biển có thể kéo dài rất lâu.

Tin cùng chuyên mục