8.000 hay nhiều hơn?

Người viết đã hỏi thử một nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian rằng thưa bác con số khoảng 8.000 lễ hội trên toàn quốc liệu nó có chính xác không? Bác này vuốt râu khề khà: Ở mình con số thống kê chỉ mang tính thống kê cho vui, chứ khái niệm “lễ hội” là gì thì… chỉ có trời biết và chỉ có ông trời mới biết con số 8.000 này (cứ chia đều trong năm thì mỗi tháng có tới 666,6 lễ hội) là chính xác hay không.

Đầu xuân, ngồi ngẫm lại mới giật mình bác ấy giỏi thật, con số lễ hội phải nhiều hơn chứ. Chỉ tính riêng lễ hội truyền thống ở 3 miền đã vượt quá con số ước đoán 8.000 lễ hội, vì một xã như ở miền Bắc thường có tới 3, 4 làng và làng nào cũng có lễ hội hoặc to hoặc nhỏ, cộng dồn lại sẽ cho con số tổng lớn hơn nhiều. Đấy là chưa kể các sự kiện kinh tế tổ chức theo kiểu “lễ hội” như festival cà phê, festival lúa gạo, festival hoa…thì nước ta chắc chắn sẽ xác lập kỷ lục thế giới về con số lễ hội trong năm.

Điều đáng nói là “lượng” nhiều vậy nhưng “chất” lại không tương xứng, nếu không muốn nói là thiếu “chất”. Đã thành lệ, cứ mỗi lần lễ hội diễn ra lại cũng là một lần người dân địa phương và du khách trẩy hội lắc đầu ngán ngẩm. Sớm nhất là lễ hội chùa Hương, dù được quảng bá mạnh mẽ về khâu tổ chức “hoàn hảo”, song vẫn luộm thuộm, nhếch nhác, với đủ thứ nạn từ tắc đường, quá tải cáp treo đến nạn chèo kéo của các chủ thuyền.

Tiếp đến các lễ hội khác như Yên Tử, Hội Lim, chùa Bái Đính, Bà Chúa Kho… vẫn dính chuyện “muôn năm cũ” không thể khắc phục triệt để là tình trạng mất trật tự, hỗn độn thay cho sự linh thiêng và yên bình của lễ hội đầu xuân. Và đỉnh điểm của đỉnh điểm lễ hội là lễ khai ấn đền Trần diễn ra trong khung cảnh chen lấn, giẫm đạp,  giành giật vì ham muốn “lộc thánh” của những người - trong đó có không ít chức sắc địa phương - không hề hiểu nguồn gốc, ý nghĩa thật sự của chiếc ấn mình đang cầm trong tay.

Dường như ngày nay, không ít người đến chùa, đến đền là để cầu xin danh lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Tại nhiều nơi thường thấy cảnh chen chúc lễ bái, đặt tiền, nghe râm ran tiếng cầu khẩn mới biết sự lạc hướng, thiếu hiểu biết của người cầu xin. Phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh mà người Việt suy tôn là một trong “tứ bất tử” với ý nghĩa bậc thần linh trừ tà, chống tham quan và những điều xấu xa, mang lại may mắn cho cộng đồng. Còn đền Bà Chúa Kho thờ tấm gương liệt nữ tận tâm, liêm khiết phục quân lương trong cuộc chiến chống quân xâm lược Tống thời nhà Lý.

Lẽ nào Mẫu Liễu Hạnh hay Bà Chúa Kho lại chấp nhận tiền “hối lộ” cho đường công danh, tham nhũng, mưu lợi cá nhân “buôn một, bán mười”, xin “lộc rơi, lộc vãi”, “vay - trả” đầy thực dụng, sòng phẳng? Chính nhận thức này đã tạo môi trường cho các tệ nạn buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan, bói toán nở rộ ở nhiều nơi. Thậm chí các cơ sở mê tín dị đoan còn công nhiên hoạt động trước sự làm ngơ, hoặc được “tạo điều kiện” phát triển từ phía chính quyền địa phương với cái mác “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”?!

Văn hóa tâm linh là một bộ phận của văn hóa dân tộc truyền thống, đã tồn tại hàng mấy ngàn năm, góp phần tạo ra bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhưng cần lưu ý rằng bản chất tâm linh, hoạt động văn hóa tâm linh là tích cực, hướng thiện và nhân văn. Nó không thừa nhận mọi suy nghĩ, hành vi, hành động trục lợi vị kỷ xấu xa, phản nhân văn. Trong dòng suy nghĩ đó, việc đánh giá, chọn lọc, định hướng và phục dựng các hoạt động lễ hội cần được cân nhắc kỹ càng để loại bỏ mặt trái không đáng có.

Cần nhấn mạnh rằng không phải yếu tố nào cũng phục dựng trọn vẹn “như xưa” mà phải thẩm định, xem xét cái nào còn phù hợp, cái nào không để làm sao cho tương thích, tương xứng, để đi đều được cả hai chân: giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời vững bước trong quá trình hội nhập văn hóa toàn cầu. Muốn vậy, nhất thiết đòi hỏi người tổ chức lễ hội phải am hiểu sâu sắc văn hóa tâm linh, văn hóa lễ hội, từ đó định hướng những giá trị tốt đẹp cho người dân tham gia lễ hội.

Điều nữa, chúng ta cần có quy hoạch tổng thể “lượng” lễ hội một cách khoa học, căn cơ, bao nhiêu là đủ cho cấp quốc gia, cấp khu vực, cấp tỉnh, 8.000 cái lễ hội hay con số khác ít hơn là vừa tầm. Và ngoài các yếu tố về không gian ảnh hưởng của lễ hội, về hiệu quả kinh tế và sức hút du khách, quan trọng nhất với một lễ hội vẫn là hàm lượng văn hóa ẩn chứa trong đó.

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục