Lãng phí đào tạo

Chúng ta dành 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục - con số ấn tượng với một quốc gia đang phát triển để có thể tự hào khi Nhà nước luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế chất lượng giáo dục, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” của giáo dục đại học (ĐH), nhiều năm qua vẫn chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng để trực tiếp tham gia đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù chất lượng đào tạo như vậy nhưng chỉ tiêu ĐH, cao đẳng (CĐ) vẫn cứ tăng liên tục và ngân sách vẫn phải chi đều đặn là điều khó có thể chấp nhận được.

Chúng ta dành 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục - con số ấn tượng với một quốc gia đang phát triển để có thể tự hào khi Nhà nước luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế chất lượng giáo dục, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” của giáo dục đại học (ĐH), nhiều năm qua vẫn chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng để trực tiếp tham gia đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù chất lượng đào tạo như vậy nhưng chỉ tiêu ĐH, cao đẳng (CĐ) vẫn cứ tăng liên tục và ngân sách vẫn phải chi đều đặn là điều khó có thể chấp nhận được.

Thống kê mới đây cho thấy cả nước có 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ (không tính giáo dục nghề nghiệp) lại tăng 10% mỗi năm. Cũng trong giai đoạn này, nguồn tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT lại giảm đến 201.000. Sẽ càng chua xót hơn khi biết rằng trong số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ấy phần lớn học phí là 50% ngân sách nhà nước gánh, đồng thời cũng có không ít cử nhân ngành sư phạm (được ngân sách nhà nước lo 100%). Một sự lãng phí nguồn nhân lực lẫn ngân sách quốc gia quá khủng khiếp!

Mặc dù là thừa đến như vậy nhưng một nghịch lý đang tồn tại, đó là làn sóng mở trường, nâng cấp vẫn tiếp tục không dừng lại. Mới đây, tại Cần Thơ đề xuất xin thành lập thêm 3 trường ĐH, tỉnh Bến Tre thành lập một trường ĐH và tỉnh Đồng Nai cũng đang xin nâng cấp Trường CĐ Y tế Đồng Nai lên thành trường ĐH. Trường ĐH Tiền Giang là một trường ĐH tỉnh bề thế nhất cả nước, sau vài năm xây dựng cơ sở mới hoành tráng giờ không có người học, phải tính… bán trường.

Các trường ĐH tỉnh hiện nay hầu hết là nâng cấp từ trường CĐ sư phạm của tỉnh. Tuy nhiên, nếu xem cụ thể từng ngành học ở những trường ĐH lên đời này thì mới biết họ chỉ có cái “vỏ”, chứ “ruột” rất nghèo nàn. Chưa nói đến thành lập trường ĐH mới, để nâng cấp từ một trường CĐ lên thành trường ĐH thì chí ít cũng phải tiêu tốn ngân sách hết hàng trăm tỷ đồng, nhưng cái được duy nhất chỉ là cái danh ĐH.

Ngược lại với thực trạng thất nghiệp “khủng” của ĐH, thạc sĩ, sau 5 năm thực hiện chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp nghề, cao đẳng nghề chỉ đạt 53,4% kế hoạch. Nhưng thực tế nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề cao ở các KCN, KCX là rất lớn. Nghịch lý này dẫn đến sản xuất công nghiệp và giá trị sản phẩm công nghiệp ở nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong môi trường toàn cầu hóa của ta còn nhiều điểm yếu. Đáng nói hơn, cơ cấu lao động của nước ta quá bất hợp lý, cứ 1 cán bộ tốt nghiệp ĐH thì chỉ có 0,43 cán bộ trung cấp chuyên nghiệp và 0,56 công nhân kỹ thuật. Trong khi, tỷ lệ này của thế giới là 1 - 4 - 12.

Về tốc độ tăng trưởng sinh viên, hiện nay Việt Nam đạt khoảng 13%, là không cao so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia luôn trên 15%. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ mãi chạy theo cái danh ĐH, chạy theo số lượng mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo thì ắt hẳn nguồn nhân lực trong tương lai sẽ đối diện với thực tế thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Nhu cầu học tập của xã hội hiện nay rất lớn và đó là điều đáng mừng vì nước ta có truyền thống hiếu học. Song, học phải có sự phân tầng, ĐH phải ra ĐH. Mở trường thì phải đảm bảo chất lượng chứ đừng biến trường ĐH thành trường CĐ, trung cấp. Có trường chỉ mới từ trung cấp lên CĐ vài năm đã nâng cấp lên ĐH. Như vậy, việc chuyển hóa đội ngũ, công tác quản lý còn không theo kịp nói gì đến chất lượng đào tạo!

Thực tế cho thấy, một khi chạy đua theo số lượng chắc chắn sẽ xem nhẹ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên trong đào tạo. Con số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là hồi chuông cảnh báo để Bộ GD-ĐT cần phải chấm dứt chạy theo số lượng, tăng quy mô chỉ tiêu tuyển sinh để chú trọng nâng chất lượng đào tạo, điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành nghề của đất nước. Hơn ai hết, tân thủ lĩnh ngành giáo dục phải mạnh dạn đề xuất điều chỉnh ngay quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực, mạng lưới các trường ĐH, CĐ cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, việc thành lập trường hay nâng cấp trường nếu không hợp lý phải loại bỏ, không trình lên Chính phủ. Khi giáo dục ĐH siết lại thì ắt hẳn giáo dục nghề nghiệp, phân luồng sau THPT sẽ có lời giải và thực trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu sẽ không tái diễn. Song song đó, Bộ GD-ĐT đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, khuyến khích đẩy mạnh khối giáo dục tư thục có chất lượng nhưng không vì lợi nhuận, tạo điều kiện cho các trường ĐH công được tự chủ để không sống bám vào bầu sữa ngân sách.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục