Nghi vấn thiếu tướng Cao Ngọc Oánh “nhúng chàm”:

Có phải là cuộc “đấu đá nội bộ”?

Có phải là cuộc “đấu đá nội bộ”?

Sau thời gian dài giữ im lặng, cuối tuần qua, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát mới đưa ra mổ xẻ, kết luận có hay không cuộc “đấu đá nội bộ” trong vụ cá độ bóng đá và PMU18. Theo một cán bộ điều tra, điều này được khẳng định rõ sẽ trút bỏ được sức nặng tâm lý, thống nhất được tư tưởng để “làm” triệt để nghi vấn tiếp tay chạy án của thiếu tướng Cao Ngọc Oánh.
 

Có phải là cuộc “đấu đá nội bộ”? ảnh 1
Như SGGP đã đưa tin, vụ PMU18 được phát hiện từ một vụ án “nội bộ” trong ngành công an do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) điều tra. Có người đã đặt câu hỏi: Tại sao lại là C14 phát hiện, điều tra ra chứ không phải là C15 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ)? C15 có cả một phòng chuyên theo dõi về lĩnh vực giao thông, công nghiệp sao không phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng ở PMU18? Trách nhiệm của C15 trong vụ này như thế nào? 

Đặc biệt là dư luận băn khoăn nhiều về thời điểm tung ra tin thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an có liên quan đến chạy án. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, ông Oánh nhận được tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao để từ đó giới thiệu với Đại hội Đảng lần thứ X xem xét bầu vào Trung ương. Tương tự, ở cơ quan, ông Cao Ngọc Oánh cũng được tín nhiệm. Ông đã được cơ cấu lên làm Thứ trưởng Bộ Công an, thăng hàm, khen thưởng...

Tuy nhiên, ngay trước ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 14, một báo cáo đã được “gửi tắt” lên Bộ Chính trị với những thông tin về việc tướng Oánh có liên quan đến đường dây chạy án tại PMU18. Chính vì trường hợp tướng Oánh rất nhạy cảm như vậy nên có dư luận cho rằng có yếu tố “đấu đá nội bộ”.

Và, cuộc họp của Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát cuối tuần qua đã đi đến kết luận rất quan trọng: không có chuyện đấu đá nội bộ trong vụ tướng Oánh. Dĩ nhiên, yếu tố “đấu đá nội bộ” sẽ còn được Đảng ủy Cơ quan Bộ Công an xem xét đánh giá và kết luận, nhưng có một thực tế là: các vị tướng  dày dạn kinh nghiệm tham gia cuộc họp cũng yêu cầu tướng Oánh cầu thị, trung thực hơn để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra làm việc. Thiếu tướng Oánh một lần nữa khẳng định quan hệ của ông với Dũng Huế là quan hệ thông thường, ông không nhận tiền chạy án của Dũng Huế.

Trong khi đó C14 lại tiếp tục phát hiện thêm sự liên quan của tướng Oánh tại phi vụ này. Trong tập ảnh chụp chung với nhiều quan chức thu được tại phòng riêng của Dũng Huế ở nhà nghỉ Kim Chi, Hà Nội có ảnh liên hoan tại nhà ông Oánh. Thậm chí, theo nguồn tin từ C14, cơ quan này còn phát hiện một cuộc điện thoại của ông Oánh gọi cho một vị ở C14 có trách nhiệm chỉ đạo, điều tra vụ PMU18, ý nói chưa nên bắt Bùi Tiến Dũng.

Tướng Oánh cũng gọi cho một vị cán bộ khác ngoài ngành về vụ này. Chưa hết, theo một nguồn tin cho hay, C14 đã nhận được thông tin là Dũng Huế đã từng nhờ tướng Oánh “giúp đỡ” một đối tượng trong vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo, chiếm đoạt thông qua mua bán thiết bị tại 29 bưu điện thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (hiện nay, số bưu điện liên quan đã lên tới gần 40).

Trong vụ án do C15 điều tra, khám phá này, một giám đốc bưu điện ở miền Trung đã đưa cho Dũng Huế 1 tỷ đồng để đi chạy án. Tuy nhiên, chưa biết Dũng Huế đã đưa số tiền này cho ai? Thực tế là Dũng Huế nhờ tướng Oánh hay nhờ người khác? C14 đang cử người vào miền Trung điều tra, xác minh.

Những lời khai mới nhất của Bùi Tiến Dũng và một số đồng phạm cho thấy: ông Cao Ngọc Oánh chỉ là một trong 10 đến 20 cán bộ mà các bị can này nhắm tới để chạy tội.

Trong khi đó, một cán bộ khác là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm cũng đang tiếp tục được làm rõ có tiếp tay chạy án cho Bùi Tiến Dũng hay không. Căn cứ vào kết luận của cơ quan chức năng, C14 mới quyết định có làm thủ tục triệu tập ông Lâm hay không.

Thông tin liên quan:

Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh kiểm điểm chưa thành khẩn

Yêu cầu ông Cao Ngọc Oánh thành khẩn

Công an, quan chức cũng tham gia chạy án

Tin cùng chuyên mục