Hàng không Việt Nam bị “rút ruột” ở mọi khâu?

Hàng không Việt Nam bị “rút ruột” ở mọi khâu?

Trong các số báo trước, SGGP đã phản ánh, việc chỉ thông qua hợp đồng làm công với luật sư người Ý Liberati, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đã bị “rút ruột” gần 6 triệu euro. Phi vụ mua động cơ cho 4 máy bay Boeing 777, Tổng Công ty 91 này tiếp tục bị thua thiệt số tiền lớn gấp nhiều lần. Tại các hợp đồng thuê máy bay, hợp đồng bảo dưỡng, mua sắm, thay thế phụ tùng... VNA có cũng dấu hiệu bị rút ruột trắng trợn, có hệ thống, ở tất cả các khâu.

  • VNA có báo cáo trung thực?
Hàng không Việt Nam bị “rút ruột” ở mọi khâu? ảnh 1

VNA mua động cơ tầm trung PW lắp vào máy bay tầm xa Boeing 777

Theo một cán bộ của Đoàn Thanh tra Chính phủ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đợt thanh tra này là làm rõ những hợp đồng thuê máy bay trong năm 2005 của VNA. Vấn đề này được một số người trong ngành hàng không tố cáo lên Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương là có nhiều dấu hiệu tiêu cực thông qua việc thuê máy bay của VNA trong những năm gần đây.

Chẳng hạn, từ sai lầm trong việc mua động cơ tầm trung PW lắp vào máy bay tầm xa Boeing 777 (B777), VNA đã tìm đến một công ty trung gian của Mỹ để thuê tiếp những máy bay B777 nhưng phải là lắp động cơ bay sang được Mỹ, châu Âu - động cơ do Hãng GE sản xuất.

Có hai điều bất thường trong phi vụ thuê máy bay này. Thứ nhất , giá thuê các tháng ban đầu chỉ hơn 400.000 USD/tháng nhưng từ tháng thứ 60 trở đi, giá tăng gấp đôi, lên 800.000 USD/tháng. Trong khi đó, theo nguyên tắc thị trường và các hợp đồng thuê B767 cũng như máy bay của Airbus: càng thuê lâu, giá thuê phải càng thấp. Thứ hai, GE chính là hãng đã tham gia đấu thầu bán động cơ cho 4 máy bay B777 của VNA nhưng đã bị thất bại một cách tức tưởi và khó hiểu.

Trong văn bản giải trình với các cơ quan báo chí về vấn đề trên, VNA khẳng định “việc chọn lựa động cơ là một việc làm đặc thù, có tính chuyên ngành cao”; “VNA được Thủ tướng cho phép chào hàng kín khi mua động cơ” (thay vì đấu thầu như quy định)... Tóm lại, VNA cho rằng mình đã làm đúng quy định và đã được Thường trực Chính phủ cho phép.

Song, vấn đề đặt ra là VNA có báo cáo đầy đủ, trung thực để Thường trực Chính phủ có đủ thông tin để chỉ đạo hay không? Theo một báo cáo của Thứ trưởng Bộ GT-VT kiêm Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam Nguyễn Tiến Sâm lên Thủ tướng thì, số liệu mà VNA đã dẫn về thị phần động cơ trong tờ trình gửi Thủ tướng mâu thuẫn với chính bản giải trình của tổ đàm phán.

Tờ trình của VNA nêu thị phần của PW là lớn nhất, chiếm 71,2%; RR chiếm 20,7 và GE chiếm 8,1%. Trong khi đó, theo giải trình của tổ đàm phán thì RR chiếm thị phần lớn nhất với 45,1%; PW chiếm thị phần nhỏ nhất, chỉ 21,3%. Thậm chí, theo số liệu mà Trưởng đại diện Boeing tại Việt Nam đưa ra thì máy bay B777-200ER-LGW mà VNA đã mua, thị phần của động cơ PW 4084D chỉ chiếm... 0%!

Ông Nguyễn Tiến Sâm khẳng định, khi chở đầy tải, máy bay Boeing lắp động cơ PW chỉ bay được khoảng cách ngắn nhất (tầm trung). Trong khi đó, nếu lắp động cơ RR và GE thì mới bay được xa hơn! Như vậy, trong phi vụ mua động cơ cho máy bay B777 trị giá 53,5 triệu USD, lãnh đạo VNA đã báo cáo thiếu trung thực với Thủ tướng.

  • Thuê máy bay, “ăn” tiền bảo dưỡng?

Việc sử dụng máy bay đi thuê của VNA cũng có nhiều dấu hiệu bất thường. Theo một nguồn tin, với máy bay B767 mang số hiệu VN-768, VNA đã phải trả thêm 700.000 USD cho hơn 2 tháng bảo dưỡng, không sử dụng, nâng tổng số tiền thuê máy bay này lên 3,2 triệu USD. Tương tự, chiếc B767, số hiệu VN-766, phải trả thêm 800.000 USD cho thời gian bảo dưỡng, phải chi thêm 1,9 triệu USD để sửa động cơ trước khi trao trả; thậm chí, dù máy bay đang bảo dưỡng để trao trả nhưng không hiểu vì lý do gì VNA vẫn chi 300.000 USD thuê thêm một động cơ dự phòng cho chiếc máy bay này...
 
Tất cả những khoản chi vô lý ấy, theo cáo giác, đã được phía VNA và đối tác chia chác nhau. Trong những ngày tới, Đoàn Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ tính xác thực của cáo giác này.
Tuy nhiên, cáo giác trên không phải không có cơ sở. Chẳng hạn, để chuẩn bị trao trả máy bay đi thuê ngày 3-6-2004, Trưởng ban Kỹ thuật Trần Văn Động báo cáo Tổng giám đốc VNA: máy bay VNA 764 trong thời gian khai thác tại Việt Nam đã được thay thế nhiều thiết bị, theo hợp đồng với EGAT (Đài Loan). “Tuy nhiên, theo điều kiện trao trả máy bay thì một số thiết bị (135 danh mục) đã thay thế không đáp ứng được điều kiện trao trả máy bay.

Bởi vì, năm sản xuất máy bay là 2000, các thiết bị thay thế có năm sản xuất trước năm 2000, phần nhiều vào năm 1995-1996. Do đó, cần phải thay thế lại toàn bộ thiết bị nói trên trước khi trao trả”. Điều này có nghĩa là cùng một thiết bị, VNA đã phải chi tiền tới hai lần và lần thứ 2 lại phải chi nhiều hơn để có thể trả máy bay!

NHÓM PV

Tho6ng tin liên quan

Thể hiện rõ sự vô trách nhiệm của VNA!

Tin cùng chuyên mục