Tránh bệnh hình thức khi đổi mới giáo dục tiểu học

Báo SGGP số ra ngày 17-7, mục Sổ tay trên trang 2 có bài “Đừng bê nguyên xi” nêu một số góp ý với dự thảo Điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố với một số nội dung mới theo định hướng của Thông tư 30 về đánh giá xếp loại học sinh và mô hình trường học mới. Với sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng mô hình trường học mới, nhiều bạn đọc Báo SGGP tiếp tục góp thêm ý kiến về vấn đề này.

Theo Điều 17 của dự thảo này, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Nhiều ý kiến nhất trí rằng sĩ số một lớp tiểu học khoảng 30 - 35 học sinh là “đẹp” và đó là mong muốn của nhiều giáo viên cũng như phụ huynh. Dù học phí cao nhưng các trường tiểu học quốc tế ngày càng thu hút học sinh, ngoài nguyên nhân cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại thì yếu tố sĩ số 15 - 20 học sinh mỗi lớp là yếu tố hấp dẫn. Lớp học ít học sinh giúp giáo viên và học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận, trao đổi ý kiến, kiến thức. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này vào các trường tiểu học công lập nước ta trong thời điểm hiện nay sẽ là một gánh nặng lớn cho ngành giáo dục địa phương. Bởi lẽ, dân số ngày càng phát triển nhưng cơ sở vật chất trường lớp vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Mô hình lớp học nhỏ để đảm bảo tính khả thi, cần có lộ trình và những bước đi phù hợp gắn liền với quy hoạch giáo dục của các tỉnh - thành.

Góp ý về việc mỗi lớp có chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Báo SGGP là “đừng bê nguyên xi” cách làm của nhiều trường ở nước ngoài. Bởi nếu máy móc “sính ngoại”, đưa vào áp dụng tại Việt Nam không khéo sẽ phản giáo dục, nặng tính hình thức.

Trả lời trên một tờ báo, lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng quy định này “xuất phát từ thực tiễn giáo dục”, nhằm giáo dục tính tự quản, tự học, biết làm việc nhóm. Còn nhớ nhiều năm qua, khẩu hiệu “Thầy chủ đạo, trò chủ động” được dán nhan nhản trong các lớp, thế nhưng thực tế đến nay việc đọc - chép vẫn là cách dạy “chủ đạo”. Bây giờ lại nghe “tự quản, tự học”, nhiều người không khỏi băn khoăn. Đừng hô khẩu hiệu nữa mà hãy nhìn vào thực tế! Thực tiễn nào chứng minh ở cấp tiểu học cần chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản”? Nhiều ý kiến lưu ý: Không nên tạo cho trẻ tâm lý háo danh, kiêu ngạo, sớm ảo tưởng về quyền lực và trái ngược với mục tiêu muốn các em năng động, tự tin mà ngành GD-ĐT kêu gọi. Điều cần làm hơn cho các cháu học sinh tiểu học là đừng buộc các cháu đến trường sớm quá và về muộn quá; các bài học đơn giản hơn, dễ hiểu hơn; được dành nhiều thời gian để tiếp cận với thiên nhiên, di tích; và được nói lên những điều mình suy nghĩ, mong muốn. Rất mong ngành GD-ĐT lắng nghe, cân nhắc, tránh đi vào lối mòn, nặng tính hình thức, thiếu tính thực tiễn.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục