Bất cập quản lý rừng phòng hộ hồ thủy lợi Vạn Định

Hồ thủy lợi Vạn Định có vai trò sinh thái rất quan trọng, cung cấp nước và chống hạn cho hàng trăm hộ dân 2 xã Mỹ Lộc và Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Mặc dù đất và rừng lòng hồ này từ lâu đã quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, nhưng đến nay rừng vẫn… “vô chủ”, dẫn đến thường xuyên bị xâm hại và tranh chấp kéo dài.
Nhiều mảnh rừng lòng hồ thủy lợi Vạn Định đang bị xâm hại. Ảnh; NGỌC OAI
Nhiều mảnh rừng lòng hồ thủy lợi Vạn Định đang bị xâm hại. Ảnh; NGỌC OAI

Vừa qua, người dân xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) phản ánh với Đường dây nóng Báo SGGP về việc nhiều khu vực rừng chức năng phòng hộ thuộc tiểu khu 131, lòng hồ thủy lợi Vạn Định (thuộc thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc) bị khai thác trái phép. Theo ông Đặng Ngọc Sơn (53 tuổi, đội 9, thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc), hồ Vạn Định nằm trên phần đất làng cũ trước đây của người dân Vạn Định (làng có tên là Bồ May), một số hộ dân vẫn còn lưu giữ các giấy tờ nguồn gốc đất đai từ nhiều năm trước. Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, khi có dự án trồng rừng phòng hộ lòng hồ, nhiều người dân phát rừng, trồng trên 45ha cây keo tràm. Tuy nhiên, cuối năm 2016, chính quyền địa phương cưỡng chế, chặt bỏ toàn bộ diện tích cây keo người dân trồng để trồng lại rừng mới theo quy chế rừng phòng hộ. Việc làm này đã khiến nhiều hộ dân bức xúc, làm đơn khiếu nại lên Trung ương. Căng thẳng nhất là giai đoạn 2017-2018, nhiều nhóm người dân liên tục ngăn cản, chống đối việc trồng rừng tại khu vực lòng hồ Vạn Định, và đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp. “Nguyện vọng của chúng tôi là được tham gia trồng rừng, khai thác số keo tràm đã trồng để trang trải cuộc sống, trong khi đất trồng rừng xã quản lý quá ít. Tuy nhiên, ngay từ đầu, cách làm việc của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và chính quyền có nhiều bất cập, mâu thuẫn và cứng nhắc”, ông Sơn nói.

Ông Ngô Khánh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, thông tin, diện tích rừng mới bị khai thác trái phép ở lòng hồ thủy lợi Vạn Định vốn là rừng trồng tái sinh sau đợt cưỡng chế, chặt bỏ của địa phương cuối năm 2016. Nguồn gốc rừng này là do người dân trồng tự phát, với diện tích trên 45ha. “Trước đây, khi địa phương tổ chức cưỡng chế thì không ai đến nhận rừng là của mình. Nhưng khi cưỡng chế xong thì nhiều người lại khiếu kiện đòi quyền lợi, liên tục cản trở không cho trồng lại rừng”, ông Toàn cho biết.

Việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, xâm phạm rừng trái phép và không thực hiện được dự án khôi phục rừng phòng hộ, theo ông Toàn là có trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ (đơn vị được UBND tỉnh Bình Định giao trồng rừng phòng hộ từ năm 2019) và UBND xã Mỹ Lộc. Tuy nhiên, khi được hỏi thì lãnh đạo của hai đơn vị, địa phương nói trên đều cho rằng, đến nay vẫn chưa có thẩm quyền quản lý trong khu vực rừng ở lòng hồ thủy lợi Vạn Định. Ông Phan Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, lý giải: “Mặc dù về trách nhiệm quản lý địa phương là của xã, nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định, văn bản nào chính thức giao đất rừng cho xã nên chúng tôi không đủ thẩm quyền quản lý”.

Còn ông Nguyễn Văn Tố, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, cho biết, đơn vị đã được UBND tỉnh Bình Định giao rừng từ năm 2019. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tố cho rằng: “Mặc dù tỉnh đã giao cho chúng tôi, nhưng giờ đưa cây đến trồng rừng phòng hộ thì dân ngăn cản, tấn công anh em trồng rừng. Đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm thì làm sao giao rừng cho chúng tôi quản lý được?”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ (Bình Định), nhìn nhận, trong vụ việc trên rõ ràng có sự thiếu sót, chậm trễ từ phía cán bộ địa phương khiến người dân khiếu kiện kéo dài. Hiện huyện ủy đã có văn bản chỉ đạo khẩn yêu cầu UBND huyện khẩn trương họp bàn, tìm giải pháp xử lý dứt điểm vụ việc, không để kéo dài.

Gần 5.000m2 rừng phòng hộ bị “xóa sổ”

Theo UBND xã Mỹ Lộc, tháng 6-2023, có 20 hộ dân làm đơn gửi xã xin được khai thác trên 45ha rừng trồng lòng hồ Vạn Định. Tuy nhiên, do vượt thẩm quyền của xã nên xã đang đợi xem xét từ phía UBND tỉnh. Tuy nhiên, mới đây, nhiều nhóm người đã huy động máy móc, phương tiện đến khai thác trắng nhiều khoảnh rừng lòng hồ, ước tính từ cuối tháng 4-2023 đến nay có gần 5.000m2 rừng ở đây bị mất.

Tin cùng chuyên mục