Cẩn trọng khi mua xe không chính chủ

Ông Trần Thanh Vinh, 50 tuổi, ngụ đường số 10, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân đã đến Báo SGGP gửi đơn cầu cứu.

Theo đơn, vào tháng 5-2023, qua một trang mạng xã hội mua sắm, ông Vinh ưng ý với một chiếc xe gắn máy hiệu Jupiter màu xanh. Ông Quốc (người rao bán xe) đã viết giấy tay bán xe và giao cho ông Vinh giấy đăng ký xe, CCCD chủ xe (bản photocopy)…

Do thấy giấy tờ xe và CCCD có địa chỉ gần nhà mình, ông Vinh đã chủ động đề nghị để ông trực tiếp thực hiện thủ tục sang tên xe theo quy định của pháp luật.

Hơn 10 ngày sau, ông Vinh tìm đến địa chỉ chủ xe và yêu cầu thực hiện các bước thủ tục sang tên xe cho mình. Chủ xe cho biết chiếc xe này đã bị mất hơn 1 năm nay và đã được cớ mất với Công an phường 9, quận 8.

Ông Vinh trở lại chỗ bán xe thì ông Quốc khẳng định: “Chiếc xe này chủ xe đã ủy quyền cho tôi bán. Xe tôi bán, tôi chịu trách nhiệm. Nếu chủ xe muốn lấy xe thì trả lại tôi 25 triệu đồng!”.

Sau đó ít ngày, Công an phường 9, quận 8 kết hợp Công an phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân mời ông Vinh lên cơ quan công an. Ông Vinh cho biết: “Công an đã thu giữ chiếc xe Jupiter, giấy tờ xe bản chính, giấy mua bán… nhưng không làm biên bản thu giữ. Tôi đã liên hệ Công an phường 9, quận 8; Đội điều tra Công an quận 8 để tìm hiểu sự việc. Nhưng đến nay đã hơn 6 tháng, tôi vẫn chưa nhận được kết quả gì ngoài thông tin là công an đang điều tra. Hiện nay, cuộc sống tôi rất khó khăn và tôi không còn phương tiện nào để đi lại!”.

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Quang Hiệp, Đoàn Luật sư TPHCM, nêu ý kiến: “Pháp luật quy định việc sang tên khi mua, bán, sang nhượng phương tiện giao thông rất rõ ràng và không khó thực hiện. Người dân cần lưu ý không thực hiện giấy tay khi mua bán tài sản có giá trị cao. Trước khi quyết định chuyển khoản, trao tiền mua xe gắn máy thì cần xem xét kỹ giấy tờ có hợp lệ, có chính chủ và cần công chứng rõ ràng. Có như vậy thì mới tránh bị thiệt hại về vật chất”.

Tin cùng chuyên mục