Đường hẻm biến thành bãi đậu xe ô tô

Hẻm được mở rộng, ai nấy mừng vui. Sau khi hẻm được đưa vào hoạt động, người dân không tiếc công, tiếc của đầu tư tạo mảng xanh và lắp đặt thêm ghế đá, sân chơi cho thiếu nhi… Tuy nhiên, thời gian gần đây, hẻm lại trở thành bãi đậu xe ô tô. Tài xế đậu xe bất kể ngày, đêm lấn chiếm hẻm. Thậm chí, tài xế còn bỏ xe ở đó để đi công tác vài ngày. Đã có cự cãi xảy ra, nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Xe ô tô đậu cả 2 chiều đường trên hẻm Cống Hộp, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM
Xe ô tô đậu cả 2 chiều đường trên hẻm Cống Hộp, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM

Xe đậu tràn lan

Hẻm 72 đường Nguyễn Văn Thương, phường 25, quận Bình Thạnh (TPHCM) không rộng, không dài nhưng khá yên tĩnh. Hẻm nối đường Nguyễn Văn Thương với chợ Văn Thánh. Cây xanh, bóng mát trải dài con hẻm. Cách đây không lâu, hẻm này được tráng nhựa, lề đường bên phía cư xá 304 được tráng xi măng sạch sẽ. Một số cư dân đã góp công, góp của mua ghế đá, trò chơi cho thiếu nhi… Chiều chiều, các cô, chú tụ tập tại đây ngắm nhìn các cháu chơi đùa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hẻm 72 Nguyễn Văn Thương bỗng nhiên biến thành bãi đậu xe ô tô. Phần đông các xe ô tô mang biển số 93LD-…… Do hẻm không rộng, xe ô tô phải đậu cả 2 bánh trên lề đường.

Việc đậu xe như vậy đã lấn chiếm hết khu vực thư giãn cho người già và vui chơi của trẻ. Bà K.T.T., cư dân hẻm 72 Nguyễn Văn Thương, cho biết: “Hầu như ai cũng bức xúc với việc này. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng các tài xế vẫn thản nhiên đậu xe ô tô lấn chiếm con hẻm. Họ đậu xe cả ngày lẫn đêm, rất vô ý thức. Thậm chí, không ít tài xế còn để xe ở đó vài ngày. Khi họ rời đi thì nơi đó đầy rẫy rác thải, làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Cứ vài ngày, chúng tôi lại phải tổ chức quét dọn, nhưng vài ngày sau thì đâu lại vào đấy. Không ít lần bà con trong hẻm gọi xe taxi, nhưng xe không vào được. Chúng tôi rất lo sợ khi có người cần cấp cứu hay xảy ra sự cố cháy nổ thì hậu quả rất nghiêm trọng!”.

Của chung hay riêng?

Trên đường Trường Sa, đi qua cầu Bản (phường 1, quận Bình Thạnh), người đi đường sẽ gặp một con hẻm được tráng nhựa rất khang trang. Hẻm vừa được khai thông cách đây vài năm. Hẻm này nối đường Trường Sa và đường Diên Hồng gần chợ Bà Chiểu. Do hẻm khi xưa là con kênh và chính quyền chủ trương làm cống hộp để khai thông dòng chảy, nên người dân gọi là đường Cống Hộp.

Kể từ khi đường Cống Hộp hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhiều căn nhà trong hẻm trở thành nhà 2 mặt tiền, đó là mặt tiền đường Lê Văn Duyệt và Bùi Hữu Nghĩa. Có đường sá thông thương, bộ mặt đô thị phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, con hẻm trở thành nơi đậu xe ô tô của chủ các căn hộ. Xe ô tô được trùm bạt và đậu hàng dài. Có đoạn họ còn đậu xe ở cả 2 bên đường, khiến cho con hẻm bị lấn chiếm nghiêm trọng.

Ông T.V.N., cư dân ở đường Cống Hộp, bức xúc: “Rõ ràng hẻm đâu phải là nơi đậu xe, nhưng nhiều chủ hộ lại ngang nhiên đậu xe. Hẻm là tài sản chung của người dân chớ đâu phải của riêng ai mà họ lại hành xử như vậy. Người dân đã phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng thực trạng vẫn chưa thay đổi”.

Người dân ở hẻm 72 Nguyễn Văn Thương đã xây dựng một số cọc xi măng và đặt chậu cây trên vỉa hè - nơi các ô tô thường hay đậu - để ngăn cản không cho đậu xe. Tuy nhiên, mới đây chính quyền phường 25, quận Bình Thạnh đã nhắc nhở người dân không làm như vậy.

Ông N.V.C., cư dân hẻm 72 Nguyễn Văn Thương, bày tỏ: “Chúng tôi nhận thức được việc xây thêm cọc xi măng, đặt chậu cây ở vỉa hè là không đúng, nhưng thực sự chúng tôi không còn cách nào khác để giải quyết vấn đề này. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuần tra, đẩy đuổi. Khi lực lượng chức năng có mặt thì tài xế lái xe bỏ chạy, nhưng khi lực lượng tuần tra rời khỏi hiện trường thì họ quay lại tiếp tục đậu. Rõ ràng họ cũng ý thức việc đậu xe ô tô trong hẻm là sai!”.

Về vấn đề này, qua trao đổi, chính quyền các địa phương đề nghị người dân làm văn bản kiến nghị cắm biển “Cấm đậu xe”. Khoản 4, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định về những vị trí không được dừng, đậu xe, trong đó có quy định không đậu xe tại nơi có phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe. Thực tế, hẻm có chiều rộng hơn một làn xe thì cũng phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Việc đậu xe là lấn chiếm đất công và sẽ ảnh hưởng không nhỏ khi có sự cố cháy nổ hay chuyển bệnh cấp cứu. Do vậy, việc được đậu xe trong hẻm hay không và việc cắm biển “Cấm đậu xe” đang rất cần sự kiểm tra, xác minh cụ thể của chính quyền địa phương

Tin cùng chuyên mục