Nguyễn Thi: Im lặng mà tỏa sáng

Nhà văn Thanh Giang:
Nguyễn Thi: Im lặng mà tỏa sáng

Lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 ghi dấu ấn nhiều người lính-nghệ sĩ, trong số đó Nguyễn Thi (tên thật Nguyễn Hoàng Ca, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn) là một trường hợp đặc biệt. Ông trưởng thành trong vai trò một chiến sĩ cảm tử, thành danh trong cương vị một nhà văn và hy sinh trong vị trí một người lính đang chiến đấu với khẩu súng trong tay.

Tay súng tay bút

“Nguyễn Thi là một cá tính văn chương hiếm gặp ở đời”. Đó là nhận xét của nhà văn Phùng Văn Khai, người từng làm nhiều thước phim tài liệu về cuộc đời nhà văn Nguyễn Thi.

Là thế hệ nhà văn sau này, dấu ấn Nguyễn Thi để lại với Phùng Văn Khai không chỉ là những tác phẩm nổi danh như Mẹ vắng nhà, Người mẹ cầm súng mà là tác phẩm khác, ít tên tuổi hơn nhưng lại phản ánh đậm nét cá tính của Nguyễn Thi, tác phẩm Im lặng. Truyện viết về chiến tranh, khi in ra nhiều người bảo có vấn đề, bi quan. Đó là câu chuyện về một chiến sĩ trước sức ép tàn khốc của chiến tranh nên đã mắc bệnh tâm thần. Một cô gái, người nữ y sĩ chăm sóc anh cũng có một đời sống riêng éo le khôn xiết.

Ngay sau khi truyện được in và phát hành, Nguyễn Thi đi B và trong chiến dịch Mậu Thân ông đã nằm xuống mãi mãi. Phùng Văn Khai nhận xét về ông và tác phẩm Im lặng: “Những nhà văn chân chính luôn bày tỏ và lựa chọn một thái độ sống, sống đến bất chấp hiểm nguy, sống không tính đến lợi ích cá nhân, kể cả đến tình yêu của mình, tính mạng của mình”. Nguyễn Thi đã sống và chết với tất cả tấm lòng và nhiệt huyết của mình.

Nhà văn Thanh Giang, người từng chung sống với nhà văn Nguyễn Thi từ năm 1962 đến 1967 ở Cục Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng Miền, cùng làm Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng nhận xét về ông bằng 4 chữ: “ngày Bắc-đêm Nam”. Không phải ngẫu nhiên hầu hết các sáng tác của Nguyễn Thi đều có nội dung cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam vì với ông ở đó có cả thù nhà, nợ nước. Theo nhà văn Thanh Giang, Nguyễn Thi có tài sử dụng nghệ thuật tu từ, nhất là sử dụng phương ngữ. Hẳn ai cũng còn nhớ hình ảnh chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng với câu nói giản dị nhưng chứa đựng một tinh thần bất khuất: “Còn cái lai quần cũng đánh”.
 
Hai tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Thi là Người mẹ cầm súng và Ước mơ của đất đều được ông thực hiện từ việc gặp gỡ các nhân chứng cụ thể như chị Út Tịch (Đại hội Anh hùng lần 1) và chị Nguyễn Thị Hạnh (Đại hội Anh hùng lần 2).

Thế nhưng, gặp gỡ chỉ là chất xúc tác, là bộ khung cho tác phẩm, chính kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chiến trường, vốn đa dạng của nhà văn mới góp phần đắp thêm da thịt để tạo ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn Nguyễn Thi tồn tại mãi trong lòng bạn đọc hôm nay.
 
Dang dở mà trọn vẹn

Tự nhận xét về mình, Nguyễn Thi từng tâm sự: “Đời tôi, từ lòng thương mẹ, trình độ học thức, ngày vui sướng, cuộc tình duyên cho tới sự nghiệp cách mạng, tương lai văn nghệ, tất cả đều là lận đận và dang dở”.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Thi tự nhận về mình như vậy. Cha mất, ông về ở với người bà con để đi học, học xong lại theo đoàn hát đi khắp nơi. Giác ngộ cách mạng, ông vào Nam chống Pháp, xa mẹ già ở miền Bắc. Tại miền Nam ông lấy người vợ đầu, ngày tập kết ông gặp lại mẹ nhưng lại phải xa người vợ đang mang bầu đứa con đầu của ông.

Quay vào miền Nam chiến đấu, ông ấp ủ những sáng tác lớn về cuộc kháng chiến của dân tộc, thế nhưng khi tiểu thuyết Ước mơ của đất còn đang dang dở ông lại nằm xuống giữa Sài Gòn. Đến nay, vẫn chưa tìm thấy phần mộ của ông.

Tại cuộc tọa đàm về Nguyễn Thi, tình tiết về sự hy sinh anh dũng của ông là một vấn đề được nhắc đến nhiều. Vào giai đoạn đợt 2 của Mậu Thân, Nguyễn Thi đang ở cánh Nam, tại sở chỉ huy Phân khu 2. Anh theo một mũi tiến vào nội đô, chính ủy phân khu Lê Phải giữ anh lại vì tình hình đang ác liệt nhưng Nguyễn Thi đáp: “Anh nhớ cho trước khi là nhà văn, tôi đã là chiến sĩ, lúc gay go tôi cho cây bút vào túi áo, tay cầm súng và bóp cò”.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: A.D

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: A.D

Để có tư liệu cho nhà văn Nguyễn Thi, người lính Nguyễn Thi đã bước vào tâm lửa. Qua lời kể của những người lính đi cùng Nguyễn Thi theo hướng đường Minh Phụng, tại đây họ đã đụng độ ác liệt với các lực lượng mạnh nhất của địch. Cuộc chiến diễn ra cực kỳ ác liệt, thông tin về Nguyễn Thi chỉ còn biết theo lời kể của các thương binh chuyển về tuyến sau: “Có đồng chí nhà báo đi với thủ trưởng Hai Hoàng (trung đoàn trưởng) cầm súng AK chiến đấu…”.

Tin điện gửi về “Nguyễn Thi đã hy sinh trên đường Minh Phụng ngày 9-5”, lúc ấy ông vừa đúng 40 tuổi.

Nhà văn, nhà báo Trần Thế Tuyển khi nhận xét về Nguyễn Thi đã khẳng định: “Nguyễn Thi nói ông dang dở về cuộc đời với nhiều éo le, về sự nghiệp với những tác phẩm chưa hoàn tất nhưng với đất nước, quê hương và đồng đội ông đã sống trọn vẹn cả cuộc đời mình”.

Với một người nghệ sĩ dù còn nhiều ấp ủ nhưng Nguyễn Thi hoàn toàn có thể tự hào với những gì để lại khi khắc họa cho thế hệ mai sau hiểu được một phần của cuộc chiến toàn dân. Với một người lính, Nguyễn Thi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, ngã xuống đầy anh dũng.

Nhà văn Thanh Giang:

Từ Sài Gòn, chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn ra đi, nhà văn Nguyễn Thi trở về. Như nhân duyên tiền định, anh thở hơi thở Sài Gòn chiến trường, chiến đấu trong lòng Sài Gòn yêu thương đến hơi thở cuối cùng. Anh thấm giọt máu thủy chung tươi đỏ mãi trong lòng người anh thương, trong lòng người đời hoài niệm tiếc nhớ anh. Một thời xuân Nguyễn Thi cô đọng trong hào khí Xuân Mậu Thân đầy sức sống, không có thời gian. Anh ngàn thu tuổi Bốn Mươi, ngàn thu những tác phẩm văn học đặc sắc. Tiếc thay cho bao nhiêu tác phẩm còn dở dang. Nhà văn-chiến sĩ-Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn-Nguyễn Thi rất xứng đáng là một Nhân cách Anh hùng!.

Đại tá, nhà văn, nhà báo Trần Thế Tuyển:

Tôi được đọc các tác phẩm của Nguyễn Thi từ khi chưa vào quân đội, sau này trong quá trình chiến đấu, tôi đã được đến những mảnh đất mà Nguyễn Thi miêu tả trong truyện, mới thấy tác giả đã bám sát thực tế sâu sắc đến thế nào. Nếu nói về cuộc đời và nghiệp văn của Nguyễn Thi, tôi thấy đó là một sự nghiệp “Im lặng mà tỏa sáng”. Im lặng khi ông không nói về mình, không ầm ĩ, tự gây tiếng vang. Ông tỏa sáng qua các tác phẩm văn chương đi vào lòng người, trong mặt trận cầm viết ông là một anh hùng. Nguyễn Thi có thể nói là một nhà văn đặc biệt đã sống trọn vẹn cả hai góc cạnh nhà văn và người lính, với cả hai, ông đã sống đúng nghĩa một con người.

Ngoài ra, văn của ông còn đóng vai trò lan tỏa văn hóa Việt Nam, văn hóa được đúc kết, thành hình trong công cuộc kháng chiến toàn dân. Nguyễn Thi xứng đáng danh hiệu anh hùng mà cũng rất xứng đáng để có được một tượng đài ngoài đời thực, giống như tượng đài mà ông đã tạo nên trong lòng bao thế hệ bạn đọc qua các tác phẩm của mình.
 
Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc:

42 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng nhưng ký ức về một thời máu lửa dễ gì nguôi quên được trong tâm khảm những người đang sống hôm nay? Đã có một con đường, một trường học ở thành phố nơi ông hy sinh mang tên Nguyễn Thi, đó là sự ghi công kịp thời nhưng bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ, chưa tương xứng. Cần phải có một tấm bia tưởng niệm và nếu có thể được thì nên có một tượng đài tôn vinh nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi, người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
 
Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm:

Nếu nhận xét gì về nhà văn Nguyễn Thi thì chỉ có thể nói anh “Xứng danh một anh hùng”. Trong văn nghiệp anh đã sống hết mình để lại cho đời những tác phẩm xuất sắc, tạo nên một phong cách hết sức đặc trưng trong văn học, phong cách Nguyễn Thi với cách dùng đối thoại rất mộc mạc nhưng đầy tinh tế cùng những chi tiết đắt giá được kết tinh từ kinh nghiệm sống và chiến đấu. Với vai trò người lính, Nguyễn Thi đã chiến đấu đầy quả cảm, xả thân mình cho đến hơi thở cuối cùng.

Nhà văn quân đội Phùng Văn Khai:

Từ Nguyễn Thi, tôi luôn suy nghĩ về thân phận và chức năng của người cầm bút. Người cầm bút hôm nay đang ở đâu, đã ở đúng vị trí hay chưa, đã làm tròn bổn phận hay chưa là một tự vấn luôn được đặt ra. Dù khiêm nhường đến mấy nhưng những đóng góp văn chương của các nhà văn, đặc biệt là những nhà văn liệt sĩ như Nguyễn Thi trong cuộc sống là không thể thiếu và phải được trân trọng. Văn chương góp phần không nhỏ trong hình thành và bồi đắp mỗi nền văn hóa.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục