Đầu tư sáng tác văn học: Câu hỏi lớn trước thềm đại hội

Những rắc rối từ việc đầu tư
Đầu tư sáng tác văn học: Câu hỏi lớn trước thềm đại hội

Đại hội toàn thể Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam sắp diễn ra tại Hà Nội, có nhiều câu hỏi đang chờ được nêu ra, nhiều bức xúc đang đợi trả lời nhưng vấn đề quan trọng nhất mà từ nhà văn đến bạn đọc cả nước đang chờ đợi đại hội lần này giải đáp là hội sẽ làm gì, đầu tư như thế nào để văn học trong nước có những tác phẩm hay, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Bạn đọc chọn sách trong Hội sách TPHCM 2010. Ảnh: AN DUNG

Bạn đọc chọn sách trong Hội sách TPHCM 2010. Ảnh: AN DUNG

Những rắc rối từ việc đầu tư

Không phải ngẫu nhiên mà đầu tư cho sáng tác được xem là chủ đề được chú ý nhiều nhất trong các kỳ đại hội gần đây, từ HNV Việt Nam đến các HNV địa phương. Ảnh hưởng lớn nhất của HNV đến các hội viên chính là việc phân phối số tiền của Nhà nước đầu tư cho quỹ hỗ trợ sáng tác đến các hội viên. Vì thế, sử dụng số tiền đầu tư sáng tác sao cho hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho nền văn hóa đọc nước nhà luôn là vấn đề nóng ở các kỳ đại hội, các cuộc hội thảo và các hoạt động của các HNV.

Thế nhưng, có kinh phí là một chuyện, làm sao đầu tư cho hiệu quả là chuyện khác. Có lẽ trong mối quan hệ giữa các nhà văn và hội không có gì gây tranh luận nhiều như đầu tư sáng tác. Chỉ riêng việc lựa chọn đề cương để được hỗ trợ đã phức tạp, có không ít trường hợp các nhà văn có đề cương được chọn để đầu tư bị tố là “chuyên gia chế đề cương”, chỉ một vài vấn đề mà “chuyên gia” có thể xáo xào thành nhiều đề cương khác nhau để nhận tiền đầu tư. Có nhà văn đều đều nhận tiền đầu tư nhưng tác phẩm thì vẫn mãi “thai nghén” trong khi nhà văn khác viết hết tác phẩm này đến tác phẩm khác lại không được hỗ trợ.

Ngoài đầu tư trực tiếp, các HNV còn có hình thức đầu tư cho sáng tác thông qua việc tổ chức các trại sáng tác. Về hiệu quả của các trại này thì mỗi người một ý và ai cũng có vẻ có lý của mình. Có nhà văn cho rằng trại sáng tác không có giá trị gì khi chỉ đi vài ngày. Thậm chí, trại sáng tác còn bị coi là nguyên nhân gây mất đoàn kết trong hội khi người này kiện “sao tôi không được chọn mà chọn người khác”?!

Về phía ngược lại, có nhà văn lại cho rằng ý kiến như trên là không hiểu bản chất hiện nay của các trại sáng tác. Những dịp như trại sáng tác giúp nhà văn, nhà thơ tạm quên đi những nỗi lo đời thường, thả hồn theo những ý tưởng mới, là nơi các văn nghệ sĩ gặp nhau, trao đổi, từ đó nảy sinh ra những vấn đề để sáng tác. Trên thực tế, có nhiều trại sáng tác đã khá thành công như các trại sáng tác do quân đội tổ chức theo chuyên đề như “Biển, đảo và người chiến sĩ cách mạng”, “Con đường huyền thoại trên biển”…

Đầu tư sáng tác: Cần hay không?

Trước đây, việc 3 tác giả nổi tiếng gồm nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh, nhà thơ Ý Nhi từ chối nhận số tiền đầu tư sáng tác 25 triệu đồng mỗi người, gây ra một làn sóng tranh luận sôi nổi về vai trò của đầu tư sáng tác hiện nay.

Trao đổi kinh nghiệm giữa nhà văn thế hệ trước và các nhà văn trẻ cũng là hình thức đầu tư cho tương lai. Ảnh: AN DUNG

Trao đổi kinh nghiệm giữa nhà văn thế hệ trước và các nhà văn trẻ cũng là hình thức đầu tư cho tương lai. Ảnh: AN DUNG

Nhà văn Nguyên Ngọc giải thích: “Vì sao nhà văn lại có đặc quyền như vậy? Trong khi xét về mặt nghề nghiệp thì nhà văn cũng giống như một anh thợ mộc. Vì sao anh thợ mộc phải tự làm ra sản phẩm, tự bươn chải, còn anh nhà văn thì lại được cầm tiền của Nhà nước, cụ thể ở đây là tiền thuế của nhân dân, mà trên thực tế, nếu tác phẩm của anh được xuất bản thì các nhà xuất bản đã trả tiền cho anh rồi? Tôi thấy vô lý quá…”.

Một số nhà văn ủng hộ ý kiến này của nhà văn Nguyên Ngọc, theo họ, sáng tác văn chương là một sáng tạo cá nhân, liên quan nhiều đến những xúc cảm, trải nghiệm từ tâm hồn của các nhà văn. Nhà văn đến khi nào cảm thấy đã tích lũy đủ chất liệu, xúc cảm thì sẽ viết chứ không thể cứ có đầu tư là có thể sáng tác. Nếu cưỡng ép thì dù có tác phẩm cũng là những tác phẩm kém.

Tuy nhiên, nhiều nhà văn khác lại cho rằng tiền đầu tư sáng tác không phải là vô ích. Ích lợi rõ rệt nhất là những khoản đầu tư cho xuất bản tác phẩm. Nhiều nhà văn nhờ khoản đầu tư này đã có thể cho ra mắt bạn đọc những tác phẩm của mình vốn do eo hẹp kinh phí mà lâu nay vẫn chỉ tồn tại dưới dạng bản thảo. Bên cạnh đó, đầu tư sáng tác còn được xem là biện pháp hỗ trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ có thêm động lực sáng tạo, giảm bớt gánh nặng cuộc sống để họ có thêm điều kiện sáng tác.

Bỏ dàn trải, lấy chất lượng làm đầu

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một trong những người đã từ chối tiền đầu tư sáng tác cho rằng: “Đầu tư như hiện nay quá dàn trải, số tiền vốn không nhiều lại phân ra cho nhiều người nên càng ít, khó lòng đáp ứng nhu cầu. Theo tôi, hội nên tập trung số tiền đầu tư, làm một giải thưởng thật lớn, thật trang trọng. Một giải thưởng văn học với giá trị tầm 1 tỷ, có uy tín về chất lượng tuyển chọn sẽ thu hút các nhà văn tham gia”.

Tuy nhiên, ý tưởng bỏ đầu tư dàn trải để tập trung cho tác phẩm có chất lượng cao cũng bị nghi ngại về tính thành công. Một trong những yếu tố lo ngại đầu tiên là ban giám khảo. Ngay cả đầu tư kiểu dàn trải hiện nay, hay chọn người đi dự trại sáng tác mà đã gây tranh cãi về việc tác phẩm này không xứng đáng, tác phẩm kia có giá trị hơn huống gì một giải thưởng lớn như thế…

Đầu tư cho sáng tác là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhưng làm sao để chủ trương trên thực sự phát huy hiệu quả có lẽ phải trông chờ vào đại hội HNV Việt Nam với sự tham dự của hơn 1.000 hội viên, để tìm ra biện pháp sử dụng hiệu quả nhất, mang lại những tác phẩm có giá trị cao cho nền văn học nước nhà.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục