Vơi đi gánh nặng giá thuốc

Cùng một loại thuốc của một hãng sản xuất mà mỗi nơi một giá khác nhau, mỗi địa phương một giá, thậm chí giữa các bệnh viện (BV) ở cùng một địa phương cũng có giá thuốc khác nhau. Tình trạng loạn giá thuốc lâu nay khiến người bệnh phải chịu gánh nặng lớn về chi phí khám chữa bệnh. 
Sau khi Bộ Y tế đấu thầu tập trung thuốc quốc gia lần thứ nhất, chỉ mới với 22 mặt hàng thuốc, giá thuốc đã giảm hơn 15%, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. 
Lợi ích thiết thực
Tại Hội nghị triển khai kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2017, định hướng 2018 - 2020, do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 22-12 tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn hạn chế được tình trạng loạn giá thuốc, xóa đi sự chênh lệch giá thuốc giữa các vùng, các BV”.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tiền thuốc trong tổng chi phí khám chữa bệnh ở mức cao - chiếm trên 50% trong chi phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), và cao hơn so với các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam.
Cùng với đó là tình trạng hỗn loạn giá thuốc, do lâu nay việc đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và từng BV, dẫn tới giá thuốc trúng thầu khác nhau và ở  mức cao, khiến người bệnh phải gánh chịu chi phí lớn, ảnh hưởng tới sự ổn định của Quỹ BHYT.
Vơi đi gánh nặng giá thuốc ảnh 1 Thuốc trong nước được đưa vào đấu thầu thuốc tập trung quốc gia
Để giải quyết thực trạng trên, năm 2017 là năm đầu tiên, Bộ Y tế đã đấu thầu tập trung thuốc quốc gia lần thứ nhất với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 thuốc biệt dược điều trị ung thư và 17 thuốc generic). Qua đấu thầu, giá thuốc giảm mạnh khoảng 17% so với giá kế hoạch, tiết kiệm 477 tỷ đồng so với phương pháp đấu thầu cũ.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, việc đấu thầu giúp đơn vị tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm giá thuốc trúng thầu do mua sắm với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, hình thức đấu thầu này cũng khắc phục cơ bản tình trạng chênh lệch giá giữa các cơ sở y tế, các tỉnh. Đặc biệt, gói thầu tập trung đầu tiên kể trên có giá trị trong vòng 2 năm, kể từ ngày 1-1-2018 đến hết năm 2019, tuy nhiên ngay sau khi công bố chính thức, các BV có thể áp dụng ngay giá trúng thầu mới, bằng cách Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia ký hợp đồng với nhà thầu và BV gọi hàng, thanh toán tiền trên cơ sở giá trúng thầu.
Từng bước khắc phục bất cập
Dầu vậy, xung quanh việc đấu thầu thuốc tập trung vẫn còn không ít khó khăn, khiến nhiều đại biểu đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam lo ngại.
Là địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện đấu thầu thuốc tập trung từ năm 2013, theo ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TPHCM), đấu thầu tập trung đã giúp thống nhất giá thuốc trong các BV thành phố và các quận, huyện. Khi đấu thầu tập trung, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm cùng tham gia cũng giúp cho giá trúng thầu giảm mạnh so với trước.
Bên cạnh đó, việc điều chuyển thuốc giữa các BV với nhau giúp giải quyết được tình trạng thiếu thuốc do công tác dự trù thuốc chưa chính xác. Tuy nhiên, đấu thầu tập trung sẽ gặp tình huống đơn vị trúng thầu không cung ứng được thuốc, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc diện rộng trên cả địa bàn; có sự chênh lệch về chất lượng thuốc trong cùng một gói thầu, khiến một số thuốc dù chất lượng thấp nhưng vẫn trúng thầu. 
Nhiều BV cũng tỏ ra băn khoăn và lo ngại về việc chưa có cơ chế dự trữ thuốc dự phòng, để sử dụng trong tình huống thuốc đấu thầu đợt cũ đã hết nhưng đợt đấu thầu mới lại chưa có.
Hơn nữa, hiện nay mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi nên nhu cầu về các loại thuốc chữa bệnh cũng có nhiều thay đổi và biến động không ngừng, dẫn tới việc một số đơn vị trúng thầu không có khả năng cung ứng liên tục khiến thường xuyên phát sinh thuốc ngoài kết quả đấu thầu.
Trong khi đó, Bộ Y tế lại quy định việc thuốc đấu thầu đều phải trình UBND tỉnh, thành phê duyệt, mà các thủ tục để được phê duyệt không đơn giản và mất nhiều thời gian, nên rất khó đáp ứng được kịp thời nguồn thuốc, dẫn tới tình trạng thiếu một số loại thuốc phục vụ điều trị, gây ảnh hưởng tới người bệnh. 
Trước những lo lắng trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để tiếp tục quản lý tốt giá thuốc, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ BHYT, thời gian tới bộ sẽ tiếp tục triển khai tích cực các chỉ đạo của Chính phủ về đấu thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ có những quy định chặt chẽ như bắt buộc doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo cung ứng đủ thuốc trúng thầu, chia nhỏ hơn nữa các gói thầu để tránh tình trạng thuốc giá rẻ, chất lượng không tốt nhưng vẫn trúng thầu (do cùng một gói thầu với các loại thuốc trúng thầu khác).
Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia phân quyền tối đa cho các sở y tế địa phương để tự liên lạc với nhau trong việc điều chuyển thuốc, đồng thời tăng cường đàm phán giảm giá ngoài đấu thầu tập trung quốc gia đối với các biệt dược gốc sắp hết thời hạn bảo hộ, nhằm có được giá thuốc tốt nhất.
“Mở rộng danh mục và áp dụng hình thức đàm phán giá đặc biệt đối với gói thầu thuốc biệt dược gốc để công tác đấu thầu hướng đến mục tiêu: đấu thầu thuốc đúng quy định, chọn được thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp, việc cung ứng và thanh toán thuận tiện, việc sử dụng thuốc đạt hiệu quả kể cả chuyên môn và kinh tế y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục