Vòng cung chiến lược

Trong chuyến thăm châu Á vừa qua, cụm từ “Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” luôn được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến trong nhiều bài phát biểu quan trọng. “Vòng cung chiến lược” này được xem là chính sách mới của Mỹ tiếp nối chính sách xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm, trong đó liên kết Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ và Australia đóng vai trò then chốt.
Cuộc tập trận hải quân Malabar gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ vào tháng 7-2017
Cuộc tập trận hải quân Malabar gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ vào tháng 7-2017
Tứ giác 
Sáng kiến mới - “Giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” như là tâm điểm những nỗ lực của Mỹ ở châu Á. Cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được cố ý tách ra khỏi “châu Á - Thái Bình Dương” nhằm nâng cao vai trò của Ấn Độ trong các vấn đề khu vực như là một đối trọng với Trung Quốc. Nếu “Giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” thực sự “đơm hoa kết trái”, nó có khả năng mang lại sự hợp tác quân sự và những thỏa thuận kinh tế song phương với các nước châu Á trải dài từ Ấn Độ đến Nhật Bản. 
Kế hoạch hình thành “bộ tứ kim cương” (một sáng kiến bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ), cho thấy nhiều nước châu Á do dự trước việc chấp thuận một trật tự do Trung Quốc dẫn dắt. Ngay cả khi Washington rút lui và “Giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” bị lung lay, các nước khác vẫn sẽ cạnh tranh với Trung Quốc để tiến bước và định hình một trật tự khu vực thích ứng với sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ. 
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ vốn xa xôi về mặt lịch sử và chiến lược đã phát triển ngày càng mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với việc tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao kết hợp với sự trao đổi ngày càng thường xuyên và sâu sắc hơn ở các cấp độ ngoại giao, quốc phòng và kinh doanh. Hai quốc gia này xích lại gần nhau xuất phát từ nỗi lo âu chiến lược chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là các tham vọng chính sách đối ngoại của nước này ở châu Á. Đối với 2 nước này, sự quyết đoán trên biển của Bắc Kinh ở các biển Hoa Đông và biển Đông cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương đáng quan ngại. Để đáp lại, Ấn Độ và Nhật Bản có cùng mục đích thúc đẩy trật tự hiện tại trong khu vực, vốn được dựa trên các thể chế minh bạch, sự quản trị tốt và luật pháp quốc tế, làm lợi cho 2 nước này bằng việc đảm bảo các chuỗi cung ứng an toàn và quyền tiếp cận công bằng tới nguồn lực. Vào tháng 9, trong một tuyên bố chung, 2 bên đã nhất trí liên kết 2 chiến lược khu vực của họ: chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở của Nhật Bản và chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Hiện nay, khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã trở thành động lực phát triển kinh tế thế giới và nơi sản xuất hàng tiêu dùng toàn cầu. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Ấn Độ trỗi dậy trở thành một trong những cường quốc mới nổi, ảnh hưởng nhanh chóng vượt ra ngoài Nam Á. Kinh tế Ấn Độ đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn trong 10 năm qua, tăng 9 lần trong 20 năm. Đồng thời, Ấn Độ Dương đang trở thành hành lang thương mại có ý nghĩa chiến lược và nhộn nhịp nhất thế giới. 1/3 nguyên liệu thô và 2/3 dầu mỏ của thế giới phải đi qua Ấn Độ Dương. Để bảo vệ lợi ích chiến lược ở khu vực này, các quốc gia hàng đầu trên thế giới đã liên tục tiến vào Ấn Độ Dương.
Tam giác
Mặc dù Mỹ vẫn can dự vào khu vực thông qua một loạt khuôn khổ song phương và 3 bên, nhưng New Delhi và Tokyo nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao mang tính bổ trợ mà phần lớn liên kết với Washington nhưng không do Mỹ dẫn dắt. 2 nước này đã thiết lập đối thoại 3 bên Nhật Bản - Ấn Độ - Australia, vốn tồn tại một cách độc lập với các khuôn khổ bao gồm cả Mỹ. Cơ chế này hoạt động ở cấp bộ máy chính quyền, cho phép Canberra, New Delhi và Tokyo xem xét các quan điểm chung về an ninh khu vực và việc hiệp lực trong các vấn đề như xây dựng năng lực và hợp tác trong giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. 
Với Ấn Độ, chính sách này là một kiểu tiến triển từ chính sách cũ hướng Đông của Ấn Độ, nhắm tới việc củng cố chiến lược của Ấn Độ ở Đông Á thông qua các liên kết mạnh mẽ hơn với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (đặc biệt là Myanmar, Singapore, Việt Nam) và đương nhiên là với Nhật Bản. Vào tháng 7-2017, lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã hoạt động tác chiến cùng với hải quân Mỹ và Ấn Độ, trong cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên. Cuộc tập trận Malabar năm nay ở vịnh Bengal đã tập hợp hơn 20 tàu, trong đó có tàu hải quân lớn nhất của Nhật Bản là chiếc JS Izumo và gần 100 máy bay từ cả 3 nước. Quả thực, Malabar đã trở thành chất xúc tác cho hợp tác an ninh ngày càng tăng giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. 
Australia muốn là mắt xích của liên kết
Sách trắng ngoại giao của Australia năm 2017 cho thấy tư duy ở một quốc gia có 1/3 thương mại với Trung Quốc cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc đã thay đổi. Sách trắng này chú trọng hơn liên minh quân sự với Mỹ được hình thành trong Thế chiến II. Do sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc tăng, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan, Australia cũng mong muốn liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói với các phương tiện truyền thông nước này rằng, trong nỗ lực lôi kéo Mỹ gắn bó vững chắc hơn trong khu vực, Australia đang chuẩn bị mở rộng cơ sở của các lực lượng Mỹ trên lãnh thổ và liên kết chặt chẽ hơn với các hệ thống vũ khí công nghệ cao của Mỹ. Một số nhân vật cấp cao khác như cựu Thủ tướng của đảng bảo thủ John Howard cho rằng, những người lo ngại về việc Mỹ bỏ rơi Australia đã quên đi thực tế đây là một mối quan hệ gắn bó sâu sắc trong lịch sử và vẫn tồn tại bất chấp những thay đổi về nhân sự ở cả Canberra và Washington.
Mặc dù muốn tiếp tục liên minh với Mỹ nhưng cựu Thủ tướng P.Keating cho rằng: “Những gì chúng ta phải làm là tự mình thực hiện theo cách của chúng ta ở châu Á với một chính sách đối ngoại độc lập. Australia đặc biệt quan tâm đến tốc độ chưa từng có và quy mô hoạt động của Trung Quốc. Australia phản đối việc sử dụng các đặc tính và cấu trúc nhân tạo đang diễn ra ở biển Đông cho mục đích quân sự. Ở những nơi khác trong khu vực, Australia quan ngại về tiềm năng sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức ở biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, vì vậy sẽ mở rộng quan hệ với 4 nền dân chủ lớn của châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ, cũng như các nước khác ở Đông Nam Á. 
Australia xem Nhật Bản là mối quan hệ chiến lược đặc biệt, trong đó có thể thấy mối quan hệ quân sự và tình báo sâu sắc hơn. Australia cũng ủng hộ các bước gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe để sửa đổi hiến pháp nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Theo chuyên gia nghiên cứu toàn cầu của Đại học RMIT Binoy Kampmark, mối quan hệ tốt đẹp hơn với Ấn Độ là con đường tốt nhất cho an ninh và tăng trưởng kinh tế của Australia, vì sự khác biệt rõ ràng về ý thức hệ của Trung Quốc và sự giảm vai trò của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ấn Độ cũng bắt đầu có vai trò quan trọng trong chính sách của Australia. Theo Giáo sư Tim Lynch, chuyên gia về Chính sách ngoại giao của Mỹ tại Trường Đại học Melbourne, Ấn Độ phù hợp với cả hai giá trị của Australia. “Ấn Độ có tiềm năng kinh tế to lớn và đang phát triển, bắt nguồn từ ý thức hệ, vì đó là một nền dân chủ lớn”, giáo sư Lynch nói.

Tin cùng chuyên mục