Đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Quốc lộ 1A)

2 năm chưa giải quyết nổi “tọa độ chết”

2 năm chưa giải quyết nổi “tọa độ chết”

Một con đường đẹp và dài nhất nước hiện nay mang tên Quốc lộ 1A đã được đưa vào sử dụng đến nay là đúng 5 năm. Thế nhưng trong 5 năm qua, hiện tượng rất kỳ quặc về “huyệt lộ tử thần” Pháp Vân- Cầu Giẽ (xe máy, ôtô cứ đi qua đó là bỗng dưng... tự gây ra tai nạn) thì vẫn không ai, cơ quan nào đưa ra được một kết luận chính xác, cũng như đề ra giải pháp để khắc phục.

  • “Tọa độ chết” và những người... tự ngã

Chúng tôi tìm gặp đại úy Nguyễn Quốc Đạt, Đội trưởng Đội CSGT huyện Thường Tín (Hà Tây). Ông Đạt buồn thiu ngồi giở lại từng xấp hồ sơ về các vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian gần đây trên đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ, rồi bảo: Chỉ tính từ đầu năm 2006 đến ngày 10-9 vừa qua, dọc đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ đã xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông. 23 người đã chết, 10 người bị thương.

2 năm chưa giải quyết nổi “tọa độ chết” ảnh 1

Chỉ tính từ đầu năm 2006 đến ngày 10-9 vừa qua, dọc đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ đã xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông. 23 người đã chết, 10 người bị thương.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người ngạc nhiên, khó hiểu là phần lớn các vụ tai nạn giao thông trong số đó đều có chung một đặc điểm: tự lái xe gây ra tai nạn và đều tử vong. Các phương tiện này đã đâm vào dải phân cách, hàng rào bảo vệ hoặc đuôi xe khác chạy cùng chiều một cách “rất chi là vô thức”.

Ông Đạt đưa ra từng vụ một, rồi bảo vụ nào cũng lạ vì quá giống nhau. Gần đây, không có ai đâm vào cả, nhưng một xe môtô mang biển 18S7-8621 đã tự đâm vào hàng rào bảo vệ tại km 210 + 200m qua xã Phúc Kiến (huyện Phú Xuyên) khiến ông Nguyễn Quang Nam (52 tuổi, sống ở Ý Yên, Nam Định) chết tại chỗ hồi chiều 25-6. Trước đó, hồi 16 giờ 30 ngày 15-3, một ôtô tải 15 tấn mang biển 29M-7772 cũng vừa đến địa phận trên thì bất ngờ tự đâm vào dải phân cách, làm bật tung 15m dải phân cách cứng giữa đường.

Đặc biệt, vụ tự gây ra tai nạn làm nhiều người còn sững sờ xảy ra mới đây vào ngày 29-8: một xe khách biển kiểm soát 93H-4572 do Lê Quang Thông, sống ở thị xã Bắc Kạn điều khiển, đang chạy thì tự đâm vào hàng rào bảo vệ rồi lao vào xe của nhóm CSGT đang làm nhiệm vụ, khiến 2 CSGT hy sinh.

Theo anh Vũ Văn Sinh, 32 tuổi, một chủ xe ôm ở xã Nam Phong (huyện Thường Tín), vụ 2 CSGT bị xe khách tự đâm vào chỉ là một trong rất nhiều vụ xe khách, xe máy bỗng dưng đâm vào khách và người dân đứng bên đường ở những “tọa độ chết” kể trên. “Nhiều chủ xe ôm ngồi chờ khách bên mép đường như chúng tôi ở đoạn này, nhìn thấy xe lao vào mình mà không chạy kịp”, anh Sinh nói.

Còn theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tây, tai nạn bất thường đã xảy ra ở đường Pháp Vân-Cầu Giẽ từ khi nó mới đưa vào sử dụng. Nếu tính từ tháng 1-2002 đến nay, tổng số đã có 47 vụ tai nạn do người điều khiển xe máy tự đâm vào hàng rào bảo vệ, làm 55 người chết và 11 người bị thương.

Ông Đạt khẳng định các vụ tai nạn kể trên đều tập trung ở một khu vực nhất định kéo dài khoảng 7km đường. Trong đó, các đoạn từ km188 đến km195 và từ km196 đến km198 được coi là những “tọa độ chết” vì xe cứ đi tới đây là tự đâm vào hàng rào bảo vệ.

  • Nhiều giả thiết nhưng không ai kết luận

Theo Công an Hà Tây, do phần lớn các vụ gây ra tai nạn giao thông ở “tọa độ chết” đều bị tử vong nên đến nay không thể xác định một cách chính xác “lý do vì sao tự gây tai nạn”. Bởi vậy, đến nay đang có rất nhiều giả thiết được đưa ra.

Chúng tôi đã có mặt ở nơi được coi là “tọa độ chết”. Ông Vũ Văn Thuận, 46 tuổi, một nông dân ở làng Cổ Chế, xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên), nơi “tọa độ chết” đi qua, bảo rằng, ông đã nghe nhiều người từng đưa ra những giả thiết khác nhau về nguyên nhân gây nên hiện tượng “tự ngã” ở đây. Nhưng theo ông, có thể nguyên nhân không hoàn toàn phải như vậy mà thực tế là do khúc đường này bị “võng” từ sau khi vừa hoàn thành. “Đặc biệt, thời gian gần đây, khúc đường càng lún trông thấy. Do đường võng xuống quá thấp, lại nằm ở nơi hoang vu nên thường các lái xe đi đến đây thì bị bất ngờ mà đâm vào dải phân cách hoặc hàng rào chắn, tự gây tai nạn”- ông Thuận nói. Những nông dân khác ở làng Cổ Chế cũng khẳng định như vậy.

Trao đổi với PV Báo SGGP chiều qua, 20-9, thiếu tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông Quốc lộ 1A (Công an Hà Tây) cũng khẳng định, thời gian gần đây tai nạn giao thông dọc đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ xảy ra ngày càng trầm trọng, có nguyên nhân do mặt đường đang bị lún ở nhiều nơi. “Ngoài ra, một trong nguyên nhân gây nhiều tai nạn còn do cơ chế tổ chức giao thông đối với Quốc lộ 1A của Bộ GT-VT chưa khoa học. Cụ thể, đây không phải đường cao tốc nhưng lại được cắm biển đề cao tốc nên môtô, xe máy thoải mái chạy với tốc độ 60-80km/giờ. Mặt khác, mặc dù là tuyến lộ lớn nhưng cho đến nay suốt 30km đường từ Hà Nội đi Cầu Giẽ vẫn chưa có làn đường riêng cho môtô chạy. Dẫn đến môtô và ôtô chạy lẫn lộn nhau, rất dễ xảy ra tai nạn”- thiếu tá Tài bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Vũ Bằng, một chuyên gia đang làm việc tại Viện Địa chất (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), đã cùng cộng sự tổ chức 3 lần khảo sát môi trường và địa chất dọc tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ (lần đầu tiên là vào tháng 9-2005 và gần đây là tháng 1-2006) lại có một khẳng định khác. Những tài liệu của ông đưa ra cho thấy “huyết lộ” trên đã bị ảnh hưởng bởi trường địa điện từ (hay còn gọi là tia đất). Ông Bằng đã vẽ được sơ đồ 6 khu vực dọc đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ xuất hiện trường địa điện từ rất mạnh. Và sơ đồ địa điện từ của ông cũng vô tình trùng khớp với sơ đồ các vị trí đang được coi là “tọa độ chết” của các CSGT.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Bằng lý giải, chính sự tác động của trường địa điện từ vào hệ thần kinh và hệ tuần hoàn của người tham gia giao thông ở phạm vi dài và rộng đã gây nên sự buồn ngủ, dẫn đến tai nạn.

Khẳng định của ông đã được nêu ra từ năm 2005. Sau đó, chính quyền và Công an tỉnh Hà Tây với quan điểm riêng cũng đã có nhiều lần gửi văn bản lên Bộ GT-VT về hiện tượng “bí ẩn” dọc tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, đồng thời đề nghị bỏ biển thông báo đường cao tốc, tổ chức cấm môtô qua lại (để chuyển sang Quốc lộ 1A cũ). Thế nhưng, đã qua gần 2 năm, Bộ GT-VT vẫn chưa đưa ra được một kết luận cũng như giải pháp để khắc phục mối tai họa ngày càng trở nên nguy hiểm như trên. 

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục