Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại tiếp tục đưa ra khuyến cáo người dân sử dụng điện một cách tiết kiệm, đặc biệt là ở thời điểm tháng 6 này - tháng được coi là nóng nhất trong năm.
Việc tiết kiệm điện ở ta lẽ ra phải được coi là đương nhiên, bởi theo tính toán của EVN, đến năm 2020 Việt Nam mới có thể hoàn toàn làm chủ nguồn điện. Nói ngay như Nhà máy Thủy điện Sơn La, niềm hy vọng mới của điện VN thì cũng đến năm 2015 mới đi vào phát điện, công suất 1.000 MW. Cũng trong năm đó, nếu không có gì thay đổi, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta mới chính thức xây dựng, và cũng phải chờ 5 năm sau thì mới cho sản lượng điện 2.000 MW.
Trong khi chờ đợi, việc thiếu điện cho sản xuất lẫn tiêu dùng là điều có thể hiểu được. Nhưng điều khó hiểu là tại sao vẫn có sự phí phạm trong sử dụng điện?
Trong một phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đã nói một cách khá ấn tượng rằng, chỉ cần mỗi gia đình tiết kiệm 2 ngọn đèn thì lượng điện tiêu thụ được tiết kiệm sẽ bằng 1 nhà máy điện có công suất 500 - 600 MW.
Con số thật lớn: tính ra bằng nửa công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La. Thì ra, việc tiết kiệm điện cũng không đến nỗi khó khăn lắm, và điện năng của nước nhà cũng không đến nỗi thiếu lắm, nếu ý thức của mỗi người được nâng lên. Ở đây, đó là ý thức chia sẻ khó khăn với tình hình chung của đất nước (cụ thể là việc thiếu điện), đó cũng là việc tạo ra thói quen tiết kiệm trong mọi trường hợp, kể cả khi đã giàu có. Thực chất, tiết kiệm, chi tiêu đúng lúc đúng chỗ là một phong cách sống văn minh, không phung phí ngay cả khi đã dư thừa.
Đáng buồn là cho dù nguy cơ phải cắt giảm điện là nhãn tiền, nhưng việc tiết kiệm điện vẫn chưa chuyển biến là mấy. Ngoài đường, trời chưa tối đã thấy đèn đường bật lên từng dãy. Ngay trong từng cơ quan, đơn vị, việc tiết kiệm điện thường chỉ dừng ở mức hô hào, nhắc nhở. Máy điều hòa không khí luôn để ở chế độ lạnh sâu, bật ngay từ sáng khi bước chân vào phòng làm việc, kéo dài cho đến khi “từ giã công sở về nhà” mới chịu tắt. Thử hỏi, nếu đó là điều hòa của gia đình, liệu người ta có bật thế không? Câu trả lời thật đơn giản: Không! Chẳng thế, trong giới công chức lưu truyền câu chuyện vui như sau: Chị A hỏi chị B: Hè này đi nghỉ mát ở đâu? Chị B trả lời: Nghỉ ở cơ quan! Chị A ngạc nhiên hỏi lại: Sao lại nghỉ mát ở cơ quan? Chị B thản nhiên đáp: Tớ đến cơ quan bật điều hòa suốt ngày, còn mát hơn đi hóng gió ngoài biển (!).
Đó là công sở, với nhà riêng cũng không phải không có sự lãng phí. Không ít chủ nhà bật điện sáng trưng khắp các tầng lầu, điều hòa bật đủ các phòng để tạo ra cảm giác “mùa đông giữa mùa hè” để thiên hạ phải bái phục “tư cách đại gia” của mình. Tất nhiên, dùng nhiều thì trả tiền nhiều, nhưng họ quên mất ý thức và trách nhiệm công dân của mình trong khi nước nhà đang thiếu điện. Không chỉ sống cho bản thân, mà còn phải sống cho cộng đồng, cho đất nước.
Quay lại chuyện chỉ cần mỗi nhà tắt bớt 2 bóng đèn thì bằng có thêm 1 nhà máy điện cỡ trung. Một việc không khó nhưng lại chưa được quan tâm đầy đủ. Nhìn chung, ý thức tiết kiệm của chúng ta còn kém. Đã đến lúc tiết kiệm phải được nâng lên thành lối sống, không chỉ riêng việc tiết kiệm điện trong những ngày nắng nóng. Nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu công và định ra mức tiết kiệm thì việc này lại càng cần kíp.
HÀ TRỌNG NGHĨA