3 ngân hàng thương mại được mua 0 đồng tiếp tục thua lỗ lớn

Sau 2 năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, thực trạng tài chính của cả 3 ngân hàng thương mại (gồm Ngân hàng Xây dựng; Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu) vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn.

Trên là nội dung của Báo cáo 1325/BC-KTNN vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội. Kết quả kiểm toán cho thấy: “Việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng và nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều nghìn tỷ đồng”.

Đáng lưu ý, qua kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện việc sử dụng sai nguồn kinh phí số tiền 1.216 tỷ đồng; tạm ứng dự toán từ ngân sách trung ương (NSTW) kéo dài, quá thời hạn; chưa hoàn trả NSTW 1.133 tỷ đồng (tính đến đến 31-12-2016). Tình trạng NSĐP cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được kiểm toán nhưng chậm khắc phục, trong đó có 9/23 địa phương tạm ứng XDCB và tạm ứng khác đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi 3.256 tỷ đồng, trong khi hàng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi vay...

Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước, việc kiểm toán theo kế hoạch cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Đơn cử, về quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ Giao thông Vận tải: kiểm toán 22 dự án, kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng. Đồng thời, phát hiện có 6/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; toàn quốc có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm 70 km.
Về quản lý và sử dụng đất dự án khu đô thị, qua kiểm toán tại một số địa phương  (TP Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lào Cai và chọn mẫu kiểm toán một số dự án khu đô thị thông qua kiểm toán ngân sách của 16 địa phương), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.302 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã chỉ rõ một số tồn tại, như việc phê duyệt, thay đổi quy hoạch sử dụng đất còn tùy tiện; một số khu đô thị, nhà ở được phê duyệt quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chiều cao tầng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu mật độ dân số chưa phù hợp với định hướng quy hoạch chung; việc xác định giá đất chưa kịp thời, làm chậm nộp vào NSNN; xác định giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp; chuyển nhượng dự án khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013...

Về việc định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, chỉ qua kiểm toán tại 4 doanh nghiệp,  xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 491,5 tỷ đồng; xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm 6 374,7 tỷ đồng; giá trị thực tế doanh nghiệp tăng 7.172,3 tỷ đồng...

Tin cùng chuyên mục