
Sau 1 ngày đi thực tế, khảo sát tình hình thực hiện quy hoạch, thực hiện các dự án, sử dụng đất đai và tái định cư cho dân ở một số dự án của TPHCM, sáng 22-2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) do Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được làm trưởng đoàn, đã làm việc với lãnh đạo TPHCM. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã cùng tham dự. Tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH đã nghe lãnh đạo TPHCM báo cáo về 3 vấn đề đang nổi lên trong công tác sử dụng, quản lý đất đai của TPHCM.
Đau đầu... chuyện giải tỏa
Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong khoảng thời gian 5 năm, từ năm 2000 đến năm 2004, để phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, mở đường, xây cầu…, TPHCM đã phải giải tỏa đến 54.000 hộ dân, trong đó có hơn 20.000 hộ bị giải tỏa trắng (riêng năm 2005 chủ yếu tiếp tục thực hiện những dự án cũ)…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được (thứ hai từ phải qua) trao đổi với lãnh đạo TPHCM về kế hoạch sử dụng đất. Ảnh: THÀNH TÂM
Đã thực hiện được một khối lượng công việc không nhỏ như vậy, nhưng phát biểu với đoàn ĐBQH xung quanh vấn đề này, đồng chí Nguyễn Minh Triết vẫn rất tâm tư: “Đất đai ở thành phố “nóng” từng ngày, trong khi lãnh đạo thành phố còn rất lúng túng khi tiếp xúc với thực tế ấy. Khi giải tỏa, di dời các hộ dân, chủ trương chung là muốn đền bù cho dân sát với giá thị trường.
Nhưng thực hiện chủ trương này không dễ vì các quy định của pháp luật còn chưa đủ. Đó cũng là nguyên nhân khiến công trình cầu Thủ Thiêm - một công trình mà lãnh đạo TP rất muốn đẩy nhanh tiến độ, bị ách tắc nhiều tháng nay. Chính sách đền bù đối với 42 hộ bị giải tỏa ở phía quận Bình Thạnh dù đã qua nhiều lần bàn cãi nhưng vẫn chưa có phương án rõ ràng, ổn thỏa.
Phát biểu với Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng thời gian qua, khi tiến hành giải tỏa, nếu để các doanh nghiệp tự thỏa thuận giá đền bù với dân thì “êm”… nhưng chính quyền làm thì nhiều vướng mắc. Nên chăng có cơ chế chính sách và quy chế đặc biệt cho hoạt động này?
Lập quy hoạch chậm, thu hồi dự án... cũng chậm
UBND TPHCM thừa nhận: Công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006- 2010 ở cả 3 cấp của thành phố còn chậm. Lẽ ra việc này đã phải hoàn thành vào cuối năm 2005 nhưng đến nay vẫn còn khá ngổn ngang.
Ở cấp thành phố, những vấn đề liên quan đang ở bước lấy ý kiến các sở- ngành, quận- huyện, hiệp hội các ngành nghề… Dự kiến đến trước ngày 15-3-2006 mới hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch trình Bộ Tài nguyên - Môi trường; trình HĐNDTP thông qua và gởi hồ sơ đến Bộ Tài nguyên-Môi trường trong tháng 6-2006.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân chính mà lãnh đạo TPHCM thừa nhận với đoàn ĐBQH là: trình độ làm quy hoạch của thành phố còn yếu. Đề cập đến các nguyên nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải còn cho rằng hiệu quả quy hoạch hạn chế vì còn nhiều yếu tố tác động.
Vừa qua, thành phố rà soát lại một số dự án địa ốc. Với những dự án sử dụng không đúng mục đích thì thu hồi lại được ngay nhưng với dự án chậm (hay nói nôm na là bị treo) thì chỉ thu hồi được khoảng 10 dự án trong tổng số hàng trăm dự án vì chủ đầu tư nại ra hàng chục lý do. Nhưng đau đầu hơn khi đó không phải là lời kết… 2 trong số 10 chủ đầu tư bị thu hồi đất đã kiện UBND TPHCM ra tòa.
Về việc chăm lo đời sống cho người dân khi đất bị thu hồi mà nhiều ĐBQH quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua cho biết, TPHCM đang nghiên cứu lập quỹ đào tạo nghề để tạo điều kiện căn cơ cho người dân chuyển đổi ngành nghề. Để giải bài toán về công tác quy hoạch, TPHCM đang đề ra nhiều biện pháp, ví dụ như việc mở đường sẽ được thực hiện cùng với việc chỉnh trang đô thị.
Vênh giữa quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất
Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM Trần Du Lịch là người lên tiếng mạnh mẽ nhất về vấn đề này dựa trên nhận xét: công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thiếu sự liên kết. Ông dẫn chứng hiện nay một số bộ-ngành xây dựng kế hoạch phát triển nhưng không nói rõ sẽ làm ở đâu, sử dụng đất như thế nào, lộ trình ra sao… hay hiện nay chúng ta thường nghe nói đến quy hoạch vùng TP HCM nhưng quy hoạch giao thông nối kết cả vùng thì chưa rõ.
Xung quanh quyết định tiếp tục cho một số nơi phân lô bán nền, trong đó ở TPHCM là một số huyện ngoại thành, Viện trưởng Trần Du Lịch lo ngại lại xảy ra tình trạng các doanh nghiệp đua nhau ra đấy mua đất rồi lại bán đất. Do vậy, Nhà nước nên làm quy hoạch, hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư xây dựng đô thị. Mức thuế đối với việc sử dụng đất để xây dựng biệt thự, nhà ống, chung cư cơ bản giống nhau như hiện nay, theo ông Lịch là không khuyến khích nhà đầu tư xây dựng chung cư - một loại nhà đang được thành phố khuyến khích phát triển.
NGUYỄN KHOA