Từ cảnh báo TPHCM đang nóng lên rất nhanh

4 giải pháp làm “nguội” thành phố

4 giải pháp làm “nguội” thành phố

Ngày 8-3, báo SGGP đăng bài cảnh báo về việc TPHCM đang nóng lên rất nhanh trong mấy năm qua, kéo theo hàng loạt hậu quả đáng lo ngại. Làm thế nào để giảm mức tăng nhiệt độ đáng sợ đó? Chúng tôi đã gặp gỡ các nhà khoa học, các chuyên gia về khí tượng, khí hậu và kiến trúc để tìm hiểu nguyên nhân và những giải pháp khắc phục…

  • Những nguyên nhân chính

4 giải pháp làm “nguội” thành phố ảnh 1

Trồng nhiều cây xanh và bảo quản tốt những cây lâu năm là một giải pháp lớn làm giảm nhiệt độ của thành phố. Ảnh chụp tại công viên Văn hóa Tao Đàn, quận 1 TPHCM.

Theo các chuyên gia của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ và Phân viện Khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam, có 2 loại tác động khiến nhiệt độ TPHCM tăng lên: theo xu thế chung của toàn cầu và vì những đặc điểm riêng của TP.

TPHCM hiện đang bị nóng cục bộ, có nhiệt độ cao hơn các vùng lân cận. Trong chuyên môn người ta gọi đó là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, làm cho vùng đô thị có độ nóng riêng, như một hòn đảo riêng biệt so với các vùng nông thôn phụ cận.

Các nhà khoa học về khí tượng, khí hậu cho rằng có 4 nguyên nhân chính làm cho TPHCM trong thời gian gần đây đang bị nóng lên rất nhanh và có dấu hiệu trở thành một điểm nóng hàng đầu của khu vực Nam bộ.

Đầu tiên là việc dân số gia tăng, kéo theo sự gia tăng của các phương tiện giao thông, các loại máy lạnh, tủ lạnh…, khiến lượng khí nóng thải ra ngày càng nhiều.

Thứ hai là các mảng xanh trong TP đã bị thu hẹp, trong khi các khu nhà cao tầng, các khối bê-tông ngày càng nhiều hơn. Thiếu cây xanh, TP thiếu hẳn bóng che và làm trong lành không khí.

Thứ ba là các nhà máy, cơ sở sản xuất thải ra chất thải ô nhiễm, đặc biệt là chất thải khí có ảnh hưởng trực tiếp tới nhiệt độ.

Cuối cùng là sự phân bố quy hoạch chưa hợp lý, chưa có tỷ lệ phân bổ hợp lý giữa các toà nhà cao tầng trong thành phố với các con đường, vị trí đặt các nhà máy…Đáng lẽ cần có những quy hoạch xem xét vùng nào có thể đặt nhà máy, vùng nào không thể xây dựng nhà máy, những điều kiện xây dựng nhà máy ở từng khu vực… Phải tính toán, phân bổ sao cho đảm bảo sự đối lưu không khí được tốt với các vùng phụ cận, làm giảm hiệu ứng đảo nóng đô thị.

  • 4 nhóm giải pháp làm “nguội” thành phố

Từ những nguyên nhân trên, theo các nhà khoa học, có 4 nhóm giải pháp chính có thể làm giảm nhiệt độ trong TP, làm cho môi trường trong sạch, góp phần tạo một khung cảnh văn minh đô thị tương lai.

Thứ nhất là tăng diện tích và chất lượng các mảng xanh đô thị, đặc biệt là trồng và bảo quản các cây xanh lâu năm có nhiều bóng mát. Ở một số nước đã áp dụng phương án “phủ xanh các mái nhà” cũng là giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm hiệu ứng đảo nóng đô thị. Kinh nghiệm ấy TPHCM nên nghiên cứu và chọn lọc để thực hiện. Nhóm giải pháp này hoàn toàn có thể làm được và nếu tích cực, trong một vài thập niên sẽ làm thay đổi lớn nhiệt độ và môi trường trong TP.

Thứ hai là tích cực giảm lượng xe cá nhân trong nội thành, thay thế bằng các phương tiện giao thông công cộng; chuyển đổi xe chạy bằng khí hoá lỏng cho xe buýt, xe taxi và sử dụng năng lượng khác cho các loại xe khác.. Đó là biện pháp hữu hiệu không chỉ để giảm nhiệt độ trong TP mà còn giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Do đặc điểm riêng, TPHCM cần có bước đi thích hợp cho nhóm giải pháp này.

Thứ ba, kiên quyết di dời những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Nhưng về lâu dài phải yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, nhà máy… phải xử lý triệt để khí thải (khói, CO2…), chất thải trước khi đưa ra môi trường xung quanh. Kiên quyết đóng cửa những cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải. Vấn đề quy hoạch các nhà máy và yêu cầu tuân thủ tuyệt đối tiêu chuẩn chất lượng khí thải độc hại phải dược chấp hành nghiêm ngay từ khi chuẩn bị xây dựng nhà máy, xí nghiệp. TP nên xác định danh mục các khu công nghiệp tiến tới thực hiện sản xuất sạch và quy hoạch các khu sản xuất sạch dành cho doanh nghiệp mới.

Thứ tư, quy hoạch kiến trúc tổng thể toàn TP một cách hợp lý và khoa học. Khi xây dựng các công trình lớn, các khu cao tầng phải hết sức chú ý hướng di chuyển và sự đối lưu của các tầng không khí. Việc xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp và các công trình công cộng phải tuân thủ tuyệt đối quy hoạch tổng thể về cảnh quan và môi trường, tạo sự hài hòa và góp phần làm giảm hiệu ứng đảo nóng đô thị của một TP đông dân nhất nước như TPHCM.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy khi nhiệt độ tăng chỉ khoảng 0,2 độ là đã có thể gây nhiều biến động về môi trường sinh thái, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Mong rằng các giải pháp trên đây sớm được triển khai đồng bộ để TPHCM mát mẻ, trong lành và văn minh hơn.

PHAN LỘC - MINH TÚ
 

Tin cùng chuyên mục