4 thương hiệu Việt hàng đầu

4 thương hiệu Việt hàng đầu

Trong xu hướng mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, rất nhiều thương hiệu hàng hóa của Việt Nam đã thể hiện sức mạnh của mình thông qua các chương trình đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chưa hết, nhiều doanh nghiệp đang phấn đấu trở thành thương hiệu của toàn cầu.

  • Kymdan - vươn ra toàn cầu
4 thương hiệu Việt hàng đầu ảnh 1
Sản xuất nệm mouse ở Công ty cổ phần Cao su Sài Gòn Kymdan. Ảnh: THÀNH TÂM

Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển (thành lập từ năm 1954), nay thương hiệu Kymdan (của Công ty cổ phần Cao su Sài Gòn - Kymdan) không chỉ dẫn đầu thị trường nệm mút VN mà còn bay cao, vươn xa đến 68 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết, sắp tới, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nhà máy của Kymdan ở Củ Chi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng công suất lên khoảng 30% - 50% so với hiện nay. Như vậy, con số xuất khẩu trong năm 2005 có khả năng sẽ tăng lên ít nhất là 100 tỷ đồng (gấp đôi năm 2004). Kymdan hiện đang tiếp tục thực hiện một loạt kế hoạch phát triển thông qua việc mở các công ty con tại Đức, Úc và Pháp.

Các công ty này hoạt động theo mô hình mẹ – con, đồng thời gánh luôn cả trọng trách phát triển thị trường tại chỗ để phát huy nhiều hơn nữa hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, Kymdan còn thành lập hàng loạt tổng đại lý tại các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật, Mỹ... và đăng ký sáng chế độc quyền thương hiệu ở 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mục tiêu của Kymdan là cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài một cách chủ động ngay tại thị trường nước đó. Năm 2004, Kymdan được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO - trực thuộc Liên hợp quốc) chọn là doanh nghiệp duy nhất của VN đạt giải thưởng WIPO, một giải thưởng quốc tế dành cho doanh nghiệp có nhiều sáng tạo, và cho sản phẩm được đánh giá cao trên thị trường thế giới.

  • Nhựa Bình Minh – “Vua giải thưởng của ngành xây dựng”
4 thương hiệu Việt hàng đầu ảnh 2

Dây chuyền sản xuất ống nhựa cấp nước ở Công ty nhựa Bình Minh.Ảnh: THÀNH TÂM

Hơn 10 năm trước, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh đã có nhiều giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển thương hiệu của mình. Theo đó, công ty đặc biệt chú trọng đến các yếu tố sản xuất, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, luôn đảm bảo cung ứng những sản phẩm tốt nhất ra thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhờ vậy, Nhựa Bình Minh liên tiếp đoạt các giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao (từ 1997 - 2004), “Sao vàng Đất Việt” (năm 2003) và 20 giải thưởng, huy chương tại các kỳ hội chợ triển lãm chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty, cho biết: xây dựng được thương hiệu đã khó, giữ được hình ảnh thương hiệu trong lòng người tiêu dùng còn khó hơn. Ý thức được điều này, nên công ty không ngừng phấn đấu đầu tư sản xuất và nâng cao chất lượng. Mới đây, công ty đã đầu tư một dự án mở rộng sản xuất thông qua việc xây dựng hơn 10.000m2 nhà xưởng với 3 giàn máy hiện đại nhập từ châu Âu (tổng giá trị trên 50 tỷ đồng). Dự án này đã giúp cho sản lượng của công ty tăng thêm 30%. Hiện nay, sản phẩm của Nhựa Bình Minh đã thay thế được hàng ngoại nhập, với nhiều chủng loại như ống PVC, ống PE, ống gân... Nhựa Bình Minh đã và đang đáp ứng, thỏa mãn các yêu cầu khắt khe của ngành xây dựng, đã dành được nhiều giải thưởng của ngành này nên nhiều người ví gọi Nhựa Bình Minh là “Vua giải thưởng của ngành xây dựng”.

  • Casumina – Sức mạnh từ ưu thế tài nguyên
4 thương hiệu Việt hàng đầu ảnh 3

Sản xuất vỏ xe 2 bánh xuất khẩu ở Nhà máy Casumina - Hóc Môn. Ảnh: THÀNH TÂM

Là một doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu vỏ, ruột xe, hiện nay, Công ty Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) đã xuất khẩu sản phẩm ra 18 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm đạt trên 5 triệu USD. Thực tế cho thấy, nhờ ưu thế và sức mạnh của một vùng nguyên liệu cao su rộng lớn mà thiên nhiên ban tặng cho nước ta cộng với chương trình đầu tư chiều sâu, dây chuyền sản xuất hiện đại, các loại vỏ, ruột xe của Casumina đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của mọi đối tượng khách hàng.

Sản phẩm của công ty hiện nay đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Nhật và Hàn Quốc... Ông Lê Văn Trí - Phó Tổng Giám đốc Casumina cho biết, sức cạnh tranh của vỏ, ruột xe Casumina đã và đang đánh bật các nhãn hiệu vỏ, ruột xe ngoại nhập trên thị trường VN. Nếu như vỏ, ruột xe gắn máy của Thái Lan trước đây thường xuyên giữ vị trí áp đảo trên thị trường VN thì nay hầu như vắng bóng, thay vào đó, sản phẩm của Casumina đã chiếm lĩnh gần 60% thị phần và bắt đầu xuất ngược trở lại các nước ASEAN, trong đó có Thái Lan.

Cũng theo ông Trí, không thỏa mãn và dừng lại với những gì đã đạt được, hiện nay, Casumina đang rất tích cực chuẩn bị cho hội nhập AFTA và WTO. Công ty vừa đầu tư 80 tỷ đồng để thực hiện dự án sản xuất vỏ xe ô tô radial mành thép với công suất thiết kế là 500.000 chiếc/năm. Đây là dự án đầu tiên của VN trong lĩnh vực sản xuất vỏ xe ô tô radial mành thép (100% sản phẩm này hiện đang phải nhập).

  • Đạm Phú Mỹ “hạ bệ” urê ngoại
4 thương hiệu Việt hàng đầu ảnh 4

Nhà máy Đạm Phú Mỹ.Ảnh: THÀNH TÂM

Sau 10 năm, kể từ khi dòng khí đốt thiên nhiên được đưa từ mỏ Bạch Hổ vào bờ, nền công nghiệp khí của nước ta bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Điều đó tác động không nhỏ tới ngành công nghiệp năng lượng, hóa dầu và phân bón. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam) là một minh chứng cho sự phát triển của ngành phân bón trong quá trình tận dụng nguồn khí thiên nhiên vào chương trình sản xuất urê, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước.

Ông Đinh Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Phân đạm hóa chất dầu khí - cơ quan chủ quản của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, cho biết, với tổng vốn đầu tư lên đến 445 triệu USD, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Tập đoàn Haldor Topsoe (Đan Mạch), Snamprogetti (Italia) và là nhà máy đầu tiên của VN sử dụng nguồn khí thiên nhiên vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhà máy hiện có 2 xưởng sản xuất chính, đó là xưởng amoniac và xưởng urê. Trong đó, sản phẩm urê của Đạm Phú Mỹ có dạng hạt trong, hàm lượng nitơ đạt 46,3% trở lên nên chất lượng ngang bằng sản phẩm ngoại nhập (đã được các cơ quan chức năng kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế), trong khi giá thành lại rẻ hơn các sản phẩm ngoại nhập từ 5% - 7%.

Cho đến nay, gần 200.000 tấn phân urê đầu tiên của Nhà máy Đạm Phú Mỹ được đưa ra thị trường, góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và bình ổn thị trường phân bón trong nước, giúp cho ngành phân bón giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường thế giới.

NGUYỄN THU TUYẾT

Tin cùng chuyên mục