
Cách đây 30 năm, TP.HCM bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên phát triển ngành công nghiệp không khói với công ty du lịch đầu tiên ra đời mang tên Saigontourist. Giờ đây, Saigontourist đang dần mang dáng dấp một tập đoàn kinh tế mạnh của TP.HCM.
- Ông Nguyễn Hữu Thọ - Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn: “Phải trở thành cửa ngõ vào Đông Dương”

Chúng ta đang có một lợi thế rất lớn : Điểm đến mới ! Các hội chợ du lịch gần đây cũng dự báo xu hướng mới: Khách Châu Âu, châu Úc đã bắt đầu chán những điểm đến cũ, quen thuộc ở Châu Âu, Châu Phi, châu Mỹ. Họ đang muốn tìm kiếm sự chuyển đổi và nền văn hoá Đông Dương huyền bí là một điểm nhấn hấp dẫn. Chúng ta may mắn được thiên nhiên ban tặng những bờ biển dài đầy ắp nắng mặt trời và đã kịp xây dựng những resort tiện nghi bên cạnh nền văn hoá độc đáo, đó là những sản phẩm khách châu Âu rất ưa thích.
Nếu kết nối biển Việt Nam với di sản Angkor ở Campuchia, chùa cổ ở Lào sẽ tạo được tour thu hút mạnh du khách trong những năm tới. Tour xuyên Đông Dương là sản phẩm đang được quan tâm nhiều ở các hội nghị du lịch gần đây. Saigontourist đang đẩy mạnh chào hàng sản phẩm này. Nếu tour xuyên Đông Dương phát triển, Việt Nam sẽ là cửa ngõ ra vào Đông Dương, kể cả đường hàng không, đường thủy lẫn đường bộ - một ưu thế quan trọng để du lịch Việt Nam phát triển.
Việc Việt Nam chuẩn bị hội nhập WTO cũng là lợi thế để chúng ta chào mời dòng khách du lịch hội nghị cao cấp MICE - dòng khách đang mang lại hàng trăm triệu đôla doanh thu hàng năm cho Hong Kong, Singapore... Tiếc là hiện nay, chúng ta có khách sạn, có hàng không, có nhà tổ chức nhưng một trung tâm hội chợ quốc tế thì nhanh lắm cũng phải đến quý 3 năm nay mới khởi công. Tôi muốn nói, thủ tục đầu tư kéo dài và thiếu các chính sách hỗ trợ đồng bộ sẽ làm cho ngành du lịch vuột mất thời cơ kinh doanh.
Thử hình dung chặng đường từ TP.HCM ra Nha Trang chỉ có 400 km nhưng hiện nay phải chạy xe mất 7-8g, làm sao phát triển tour? Ở nước ngoài người ta đi 400km chỉ mất 2 tiếng. Đường sắt chưa an toàn và tiện nghi để đón khách, còn hàng không hay hủy, hoãn chuyến bay, làm sao đảm bảo lịch trình nối tour cho khách?
Có ý kiến cho rằng giá tour Việt Nam cao, thiếu cạnh tranh khi hội nhập. Tôi lại cho rằng giá chưa phải là vấn đề quan trọng, vấn đề là dịch vụ chúng ta phục vụ khách có đúng giá trị khách bỏ ra. Vấn đề nằm ở chất lượng sản phẩm. Tổng công ty đang xây dựng hình ảnh thương hiệu Saigontourist theo hướng tập trung cho chất lượng. Chúng tôi đổ vốn liên kết đầu tư ra khắp các tỉnh cũng là để hình thành một hệ thống hạ tầng đạt chuẩn cho du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, nỗ lực nâng chất cho du lịch Việt Nam thời cạnh tranh hội nhập còn vướng bởi sự thiếu phối hợp giữa các doanh nghiệp, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh du lịch hiện nay là một cản ngại. Nếu chỉ nghĩ chuyện thu hút khách bằng giá rẻ, bằng kiểu cạnh tranh giảm chất lượng, giảm dịch vụ là sai lầm.
- Ông Đỗ Văn Hoàng – Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty du lịch Sài Gòn: “Chuyển thành tập đoàn để hội nhập”

30 năm qua, ngành du lịch VN đã bước một chặng đường dài từ chỗ vài chục ngàn du khách hàng năm lên 1,5 triệu khách năm 2004, từ vài khách sạn cũ giờ đã hình thành một hệ thống khách sạn tên tuổi trong khu vực. Saigontourist cũng đã trưởng thành nhiều hơn trong vị trí đầu tàu từ khi đất nước mở cửa nhưng chặng đường hội nhập sắp tới đòi hỏi Tổng công ty (TCT) phải có một bước chuyển mạnh về bộ máy, về tổ chức nếu muốn tiếp tục đứng vững.
Trong vòng 5 năm tới, với mục tiêu trở thành một tập đoàn du lịch mạnh, chúng tôi có rất nhiều việc phải làm. Năm 2004 có 8 đơn vị được cổ phần hoá, năm nay, sẽ cổ phần thêm 5 đơn vị nữa, TCT chỉ giữ lại thành viên là các khách sạn đẳng cấp 4-5 sao, TCT đang chờ quyết định của Chính phủ để chuyển sang mô hình công ty mẹ, con. Nguồn vốn từ cổ phần và từ việc chuyển nhượng những cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ tập trung đầu tư lại hệ thống khách sạn.
Một loạt các công trình mở rộng, nâng cấp lên 5 sao đang triển khai ở Rex, Majestic, Continental, Grand, Kim Đô... Hai công trình lớn khác cũng đang gọi vốn đầu tư và chuẩn bị triển khai là Trung tâm hội nghị hội thảo Eden, Trung tâm Hội chợ quốc tế quận 7. Đó là chưa kể hàng loạt khách sạn đã và đang triển khai ở hầu khắp các điểm du lịch trong cả nước: Quảng Bình, Hạ Long, Hà Nội, Vinh, Ninh Chữ, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế và sắp tới là Cam Ranh, Đà Lạt, Quy Nhơn, một resort biển 5 sao ở Phú Quốc...
Một lĩnh vực khác cũng đang tập trung đầu tư là Dự án văn phòng căn hộ cho thuê 40 tầng tại 34 Tôn Đức Thắng, Khu căn hộ cao cấp Tân Cảng... Lộ trình 5 năm tới, toàn tổng công ty sẽ có trong tay hơn 70 khách sạn, hệ thống các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, sân golf, trung tâm thương mại, hội chợ, 6 công ty lữ hành. Ngoài ra, TCT cũng đang là một cổ đông lớn của các công ty hàng không, ngân hàng...
Khi các chương trình đầu tư phát huy tác dụng, giá trị thương hiệu nâng cao hơn với bộ máy quản lý đa dạng và trải rộng khắp cả nước, chúng tôi sẽ tiến lên một bước mới : niêm yết gọi vốn từ thị trường chứng khoán để hình thành tập đoàn. Mở cửa làm ăn, hội nhập, chúng ta phải đủ mạnh để chi phối thị trường, để cùng ngồi ngang hàng, bình đẳng với các đối tác trong liên kết, hợp tác.
Song Đăng